Thi đấu thành công tại SEA Games 30, Huy Hoàng được định hướng đầu tư để hướng đến những đấu trường cao hơn - Ảnh: MINH MINH
Tối 11-12, ngọn đuốc SEA Games 30 đã tắt tại tổ hợp thể thao New Clark City, khép lại đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. SEA Games 30 đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi là đại hội thành công nhất với vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp và bóng đá nam - nữ đều giành HCV.
HCV của đội tuyển U22 VN tại SEA Games 30 sau 60 năm chờ đợi đã làm nức lòng hơn 90 triệu người dân đất Việt. Và tại SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục ghi dấu ở những môn trọng điểm Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ…
Mỗi huy chương ở SEA Games 30 là mồ hôi, công sức và cả máu của các VĐV. Dù chưa có được điều kiện lý tưởng để tập luyện, thi đấu nhưng các VĐV Việt Nam luôn nỗ lực vươn lên để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Ông TRẦN ĐỨC PHẤN
Thành công ngoài mong đợi
Kết thúc SEA Games 30, với tổng cộng 288 huy chương đạt được (98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ), đoàn Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương, chỉ đứng sau chủ nhà Philippines (149 HCV).
Ông Trần Đức Phấn, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, cho biết: "Để có được vị trí top 2, nhiều môn thể thao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như: điền kinh, bơi lội, cử tạ, bóng đá.
Cụ thể, dù chỉ đề ra chỉ tiêu giành 13 - 14 HCV nhưng đội tuyển điền kinh Việt Nam đã đoạt 16 HCV. Môn bơi cũng xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu với 11 HCV. Đội tuyển cử tạ dù chỉ đăng ký 1 HCV nhưng đã giành đến 4 HCV.
Môn vật cũng đăng ký 1 HCV nhưng đã đoạt 12/14 HCV của đại hội. Riêng quần vợt lần đầu tiên có được HCV. Đây là những điểm son của thể thao Việt Nam ở SEA Games 30".
Nhưng SEA Games 30 cũng chứng kiến những nỗi buồn, trong đó có thất bại của nhà vô địch Olympic - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đội tuyển bắn súng Việt Nam kết thúc SEA Games với vị trí thứ 6/6 nước tham dự, chỉ giành được 1 HCB và 1 HCĐ. Trong khi đó Indonesia đạt 7 HCV, Thái Lan 4 HCV và Philippines 3 HCV.
Các nam VĐV điền kinh đã "thức tỉnh"
SEA Games 30 tiếp tục là đại hội thành công của điền kinh Việt Nam khi bảo vệ thành công vị trí số 1 Đông Nam Á khi đoạt 16/49 HCV của đại hội.
Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục thể dục thể thao (Tổng cục TDTT), nói: "Những SEA Games trước, điền kinh Việt Nam luôn ở trong tình cảnh "âm thịnh dương suy" bởi HCV chủ yếu do các nữ VĐV mang về.
Nhưng trên đất Philippines, các VĐV nam đã khẳng định được vị thế khi góp phần mang về nhiều HCV như: Trần Nhật Hoàng (400m, 4x400m tiếp sức hỗn hợp), Đỗ Quốc Luật (3.000m vượt chướng ngại vật), Trần Đình Sơn, Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Trần Nhật Hoàng (tiếp sức 4x400m nam), Dương Văn Thái (800m, 1.500m).
“Các VĐV, HLV đã vượt qua tất cả để thi đấu với tinh thần, ý chí kiên cường vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc. Chính tinh thần, ý chí đó của người Việt đã làm nên thắng lợi của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL NGUYỄN NGỌC THIỆN
Ở các nội dung nữ, HCV của Lê Tú Chinh ở cự ly 100m có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với điền kinh Việt Nam. Dù chỉ vượt qua đối thủ 1% giây nhưng nỗ lực của Tú Chinh là vô cùng lớn do đối thủ là VĐV nhập tịch của chủ nhà Philippines - Kristina Marie Knott. Cũng ở nội dung 100m, tại vòng loại Tú Chinh đã chạy 11 giây 45 - đạt thành tích tốt nhất trong sự nghiệp".
Ba HCV của VĐV Nguyễn Thị Oanh ở 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật cũng thấm bao mồ hôi nước mắt. VĐV Nguyễn Thị Huyền dù mới sinh con 6 tháng đã cai sữa để tập luyện, mang về 2 HCV cho điền kinh Việt Nam ở 400m và 400m rào. Những hi sinh này không gì so sánh được.
Tuy nhiên, ông Dương Đức Thủy cho biết dù giành 16 HCV, đứng số 1 Đông Nam Á, bỏ xa Thái Lan thứ 2 (12 HCV) nhưng điền kinh Việt Nam đã nhìn thấy những lỗ hổng rất lớn cần phải lấp đầy trong 2 năm tới.
Đó là ở nội dung nhảy, ở SEA Games 29 chúng ta có đến 4 HCV ở nhảy xa nam - nữ, nhảy cao nam - nữ nhưng đại hội này, chúng ta không có bất cứ HCV nào. Lỗ hổng đó còn ở nội dung cự ly ngắn 100m, 200m khi chưa có VĐV đạt thành tích tiệm cận Tú Chinh.
Đã có đề án đào tạo VĐV tài năng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-12, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết: "SEA Games 30 là một trong những đại hội thành công nhất của thể thao Việt Nam. Cụ thể, ở SEA Games 25 tại Lào, đoàn Việt Nam cũng từng đứng thứ 2 nhưng vị trí top 2 của SEA Games 30 là hoàn toàn khác biệt.
Theo đó, các môn thể thao Olympic, bóng đá giành chiến thắng ngoạn mục tại SEA Games 30. Trước đây, các môn đi bằng hình thức xã hội hóa giành rất ít HCV nhưng năm nay các VĐV này đã mang về hơn 20 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam ".
Ngay sau SEA Games 30, ông Thắng cho biết một số đội tuyển sẽ không được nghỉ ngơi do phải đi tập huấn nước ngoài ngay để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, sau đó là SEA Games 31 tại Việt Nam và Asiad 2022 tại Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho các mục tiêu quan trọng này, ông Thắng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa bổ sung kinh phí hơn 100 tỉ đồng cho Tổng cục TDTT để thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Năm 2020, ngân sách nhà nước cấp cho TDTT dự kiến cũng sẽ tăng thêm để chuẩn bị cho SEA Games 31.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án đào tạo VĐV tài năng để tổng cục phối hợp thực hiện với các địa phương trong thời gian tới. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thiện - bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch: "Trong thời gian tới, ngành thể thao sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của SEA Games 30 để chuẩn bị lực lượng VĐV, cơ sở vật chất cho SEA Games 31 tại Hà Nội và các đại hội quốc tế khác".
Bài học đắt giá
Sai lầm trong đầu tư cho Ánh Viên thời gian qua là bài học đắt giá và Tổng cục TDTT đã nhìn thấy điều này.
Hiện bơi lội Việt Nam đang sở hữu tài năng đặc biệt là Nguyễn Huy Hoàng, kình ngư đã giành 2 HCV SEA Games 30 và đạt 2 chuẩn A đến Olympic Tokyo 2020. Việc đầu tư trọng điểm cho Huy Hoàng tập trung vào vài nội dung mũi nhọn ở các cự ly: 400m, 800m, 1.500m tự do là việc Tổng cục TDTT đang có kế hoạch.
Các môn đoạt nhiều HCV của thể thao Việt Nam
Điền kinh: 16 HCV
Vật: 12 HCV
Bơi lội: 11 HCV
Kurash: 7 HCV
Taekwondo: 5 HCV
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận