Bang California đã đảo ngược lại quyết định mở cửa doanh nghiệp, trường học trước đó - Ảnh: AFP
Cùng lúc, đại dịch cũng đã giết chết hơn nửa triệu người chỉ trong 7 tháng.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 13-7 cũng cảnh báo các nước sẽ không thể trở lại cuộc sống "bình thường cũ" trong tương lai gần và "quá nhiều nước đã đi sai hướng".
Ông Tedros cho rằng thông điệp hỗn loạn từ các nhà lãnh đạo nhiều nước đang làm suy yếu phần quan trọng nhất trong bất kỳ phản ứng chống đại dịch nào: niềm tin.
Chính phủ cần thông tin rõ ràng cho công dân và đưa ra một chiến lược toàn diện để ngăn dịch lan rộng và cứu sống bệnh nhân. Người dân cần tuân theo các quy định y tế công cộng cơ bản về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, ở nhà khi bị bệnh. "Không có lối đi tắt trong đại dịch", người đứng đầu WHO khuyến cáo.
Hãy để tôi nói thẳng, quá nhiều nước đang đi sai hướng, virus này vẫn là kẻ thù số 1. Nếu không tuân theo những biện pháp cơ bản, hướng duy nhất của đại dịch sẽ là ngày càng tồi tệ hơn và tồi tệ hơn.
Tổng giám đốc WHO TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS
4 tình huống
"Tất cả các nước đều có nguy cơ nhiễm virus nhưng, như chúng ta đã biết, không phải tất cả các nước đều bị ảnh hưởng theo cùng một cách. Có 4 tình huống đang diễn ra trên toàn thế giới tại thời điểm này", người đứng đầu WHO nói.
Tình huống đầu tiên là các nước đã cảnh giác và nhận thức sự nguy hiểm của virus, đã chuẩn bị và phản ứng nhanh chóng, hiệu quả với các ca nhiễm đầu tiên. Lãnh đạo những nước này đã theo đuổi một chiến lược toàn diện để truy vết, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc tốt các ca bệnh cũng như cách ly tốt các ca nghi nhiễm.
Kết quả là đến nay họ đã tránh được những ổ dịch lớn. Các nước ở khu vực sông Mekong, Thái Bình Dương, Caribê và châu Phi nằm trong tình huống này.
Tình huống thứ hai là những nước có ổ dịch lớn được kiểm soát nhờ sự lãnh đạo tốt của chính phủ kết hợp với sự đồng lòng tuân thủ tốt các biện pháp ngăn dịch lây lan trong cộng đồng. Nhiều quốc gia ở châu Á và các nơi khác đã chứng minh điều này.
Tình huống thứ ba là những nước đã vượt qua đỉnh bùng phát dịch đầu tiên, nhưng vì nới lỏng các hạn chế nên hiện đang chật vật ứng phó với các đỉnh dịch mới và số ca nhiễm tăng nhanh, khiến hệ thống y tế lại rơi vào cảnh quá tải.
Tình huống thứ tư là những quốc gia đang trong giai đoạn lây nhiễm dữ dội. "Chúng ta đang chứng kiến chuyện này xảy ra trên khắp châu Mỹ, Nam Á và một số quốc gia ở châu Phi", ông Tedros cho biết.
Không quá muộn
Dựa trên số liệu của chính phủ các nước, Mỹ Latin đang trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19. Châu Mỹ nói chung đã chiếm gần nửa số ca bệnh và gần nửa số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu.
Nước Mỹ, với hơn 3,3 triệu ca bệnh, vẫn đang chứng kiến số người nhiễm tăng lên trong làn sóng thứ nhất của đại dịch COVID-19. Một số nơi như Melbourne của Úc và Leicester của Anh đang phải áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ hai khi có ngày càng nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Hong Kong, dù chỉ có 1.522 ca, cũng đang thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội vì lo lắng về rủi ro đợt sóng thứ ba.
Dù vậy, tổng giám đốc WHO nhận định rằng từ hai tình huống đầu tiên có thể thấy "không bao giờ là quá muộn" để kiểm soát virus corona, thậm chí ở nơi đang chứng kiến sự bùng nổ các ca lây nhiễm. Ông Tedros nhấn mạnh vai trò của các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
83 là số triệu phú trên thế giới, tự gọi mình là "Các triệu phú vì nhân loại" (Millionaires for Humanity), cùng ký vào thư thỉnh nguyện, yêu cầu chính phủ nước họ tăng thuế lên những người có tài sản lớn như họ để hỗ trợ thế giới phục hồi từ cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19.
Lá thư đề gửi "công dân toàn cầu của chúng tôi". Hầu hết họ là triệu phú ở Mỹ, một số đến từ Đức, Anh, Canada và New Zealand, theo báo Business Insider.
California lại đóng cửa doanh nghiệp, trường học
Do dịch tăng trở lại, Thống đốc Gavin Newsom của bang California, Mỹ ngày 13-7 tuyên bố đóng cửa lại các quán bar, quán ăn trong nhà, rạp chiếu phim, bảo tàng và vườn thú trên toàn bang; đóng cửa nhà thờ, phòng tập gym, tiệm làm tóc tại 30 quận bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tại Los Angeles và San Diego, nơi giảng dạy khoảng 706.000 học sinh và tạo việc làm cho 88.000 người, cũng thông báo sẽ chuyển sang dạy trực tuyến khi trường học mở cửa lại vào tháng 8, theo Hãng tin Reuters.
Tính đến chiều 14-7 (giờ Việt Nam), bang California ghi nhận hơn 336.000 ca nhiễm và 7.096 người chết vì COVID-19, theo trang worldometers.info.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận