Vào những ngày cuối tháng 12-2023, Malaysia đã bật đèn xanh cho phép xe Toyota và Daihatsu cùng thương hiệu nội địa Perodua trở lại. Perodua dùng khung gầm của Toyota/Daihatsu và do đó cũng chịu ảnh hưởng vì bê bối gian lận an toàn vừa qua.
Như vậy, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á thứ 2 cho phép Daihatsu và Toyota quay lại vận hành như bình thường sau khi thử nghiệm lại thành công. Quốc gia nhanh nhất trong khu vực là Indonesia cho phép hãng xe Nhật vận hành lại không lâu sau ngày bê bối bùng nổ.
Trong khi đó, các quốc gia khác bao gồm Việt Nam vẫn đang chờ công đoạn thử nghiệm an toàn lại, để đưa ra quyết định cuối cùng về những mẫu xe đang phải tạm ngừng mở bán.
Không chỉ người tiêu dùng ở nhiều nước Đông Nam Á phải chờ đợi, các đối tác của Daihatsu cũng không còn cách nào khác ngoài việc kiên nhẫn theo dõi tình hình. Daihatsu đã ngừng toàn bộ quá trình sản xuất vì bê bối gian lận an toàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất của các đối tác.
Theo tờ báo kinh tế Nhật Nikkei Asia, ước tính Daihatsu sẽ lỗ 100 tỉ yen (17,2 nghìn tỉ đồng) vì việc đóng cửa nhà máy cũng như đền bù các nhà cung ứng.
Bên cạnh đó, các khoản phạt cũng như chi phí điều tra phải trả cho các bên thứ 3 và phí thử nghiệm an toàn lại cũng sẽ khiến Daihatsu hứa hẹn báo lỗ lớn nhất lịch sử. Xét tới khoản lãi ròng của Daihatsu trong năm tài khóa 2022 chỉ vượt 100 tỉ yen một chút (102,2 tỉ yen), gần như 100% hãng sẽ có năm thua lỗ đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại đây.
Việc Bộ Giao thông Nhật vào cuộc điều tra Daihatsu và yêu cầu họ dừng toàn bộ việc bàn giao xe mới có thể kéo dài ngoài dự tính, thậm chí trong trường hợp nặng nhất có thể lên tới hàng tháng.
Việc thu hồi giấy phép sản xuất cũng là một hình phạt có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến Toyota/Daihatsu đứng trước rất nhiều khó khăn trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận