TT - Đó là chia sẻ của giáo sư Dương Nghiệp Chí, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao, xung quanh thất bại của thể thao VN tại Olympic London.
Ông Chí nói:
- Trước Olympic London, dù hi vọng nhưng tôi nghĩ việc thể thao VN đoạt huy chương gần như không thể xảy ra. Xét dưới góc độ khoa học, nguyên nhân dẫn tới việc trắng tay tại Olympic xuất phát từ những yếu tố sau:
1. VĐV không được đào tạo căn bản, khoa học từ nhỏ nên mất cơ bản về tố chất thể lực và khả năng tiếp thu kỹ thuật, ý chí thi đấu. Ngoài ra, thể thao trường học ở VN yếu kém nhất Đông Nam Á khi không có CLB thể thao nào tại trường học.
2. Toàn bộ hệ thống tuyển chọn VĐV năng khiếu VN chưa có quy chế, tiêu chuẩn, phương tiện kỹ thuật.
3. Tuyển chọn VĐV không tốt, công tác huấn luyện lại càng kém. Thể thao VN đã đầu tư quá dàn trải trong khi lẽ ra chỉ nên tập trung đầu tư tối đa 10 VĐV cho Olympic. VN làm gì có nhiều người tài nhưng mỗi năm hiện nay vẫn tập trung từ 1.500-2.000 VĐV quốc gia tại tất cả trung tâm đào tạo. Từ xưa đến nay ngành thể thao chưa bao giờ có kiểm tra, đánh giá về công tác huấn luyện. Do vậy không ít tiền của Nhà nước đầu tư cho thể thao đã bị lãng phí vì không có ai đánh giá, kiểm định chất lượng để biết xem họ đã tiêu tiền nhà nước thế nào. Nếu chỉ đầu tư 2-3 tháng mà đòi có huy chương Olympic, VĐV chỉ có thể là “thánh sống” mới làm được.
Theo tôi dự đoán, chắc chắn trong 10-15 năm tới thể thao VN còn tiếp tục phải trả giá cho đầu tư sai lầm và những yếu kém suốt thời gian qua. Việc thể thao VN đề ra chỉ tiêu Olympic 2016 tại Brazil sẽ có HCV là điều không tưởng. Nếu ngay lập tức bắt tay vào làm lại từ bây giờ cũng phải mất một thế hệ nữa, đến khoảng năm 2025-2030 thể thao mới hi vọng có thể vực dậy được.
- Nếu chỉ coi đến Olympic để lấy huy chương thì không đúng tinh thần và hiến chương Olympic. Sai lầm của thể thao VN là không đào tạo VĐV từ nhỏ và đưa thể thao vào học đường.
* Viện Khoa học thể dục thể thao đã có công trình nghiên cứu môn thể thao nào phù hợp với thể chất người Việt?
- Chưa làm vì không có tiền. Tiền nhà nước cung cấp cho khoa học thể thao có nhưng ít và không yêu cầu tập trung cụ thể vào cái gì cả. Như năm 2012 viện chỉ được cấp 8 tỉ đồng, trong đó chỉ có 4 tỉ đồng làm khoa học thể thao... Cũng vì thiếu tiền, chưa VĐV nào được kiểm tra để biết chỉ số cơ thể như thế nào, xem có phù hợp với môn nào, khả năng phát triển ra sao... nên việc tuyển chọn VĐV của VN chỉ dựa trên chủ quan, kinh nghiệm. Dụng cụ, khoa học kỹ thuật để đánh giá, kiểm tra VĐV càng không có nên huấn luyện đôi khi cũng không rõ đúng sai thế nào.
* Theo ông, thể thao VN nên phát triển thể thao thành tích cao theo hướng luyện “gà nòi” hay từ thể thao học đường?
- Từ trước đến nay VN có vẻ như làm theo kiểu luyện “gà nòi”, còn thể thao học đường là số 0. Theo quan điểm của tôi, muốn phát triển thể thao thành tích cao phải kết hợp cả hai phương pháp là đào tạo “gà nòi” và phát triển thể thao học đường. Trong đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt từ năm 2011-2030 đã được Chính phủ phê duyệt có chương trình 3 nói rất kỹ phải làm và làm như thế nào để phát triển thể thao học đường. Tuy nhiên đề án đã được phê duyệt hai năm nhưng chưa làm được gì. Nhìn bảng tổng sắp huy chương Olympic thì thấy nước nào phát triển thể thao học đường mạnh như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản... đều thành công.
* Học sinh, sinh viên VN cũng có các cuộc thi để thi thố tài năng như Đại hội thể thao sinh viên, Hội khỏe Phù Đổng?
- Các VĐV tham gia các cuộc thi này đều là VĐV ăn lương của các sở, ngành và là kiểu “gà chọi nửa mùa”. Do vậy bản chất của các cuộc thi này để phát triển thể thao học đường không thực hiện được.
* Ngành thể thao nhìn thấy sự tụt hậu từ bao giờ?
- Từ những năm 1970-1980 thể thao VN đã biết mình tụt hậu rồi. Nhưng lúc ấy có ba lý do không thể làm được là: nghèo, khoa học công nghệ kém, tri thức hạn chế. Hiện nay đã tốt hơn trước đây nhiều nhưng do đội ngũ cán bộ quản lý từ cơ sở đến cấp cao yếu nên không làm được. Họ không có khát vọng, dũng khí, dám làm dám chịu, quyết tâm thực hiện để thay đổi và phát triển thể thao VN.
KHƯƠNG XUÂN
Cần cải tổ thể thao Việt Nam Sau hai bài “” (Tuổi Trẻ 14-8) nói về thất bại của thể thao VN ở Olympic London, 74 bạn đọc đã gửi phản hồi cho Tuổi Trẻ với mong muốn phải chấn chỉnh ngay công tác quản lý của ngành thể thao VN. Bạn đọc Thanh Huynh viết: “Thảm họa không ở chỗ không đạt huy chương mà nằm ở chính bộ phận quản lý thể thao và ở chính cơ quan quản lý cao nhất. Từ khi để xảy ra lùm xùm chuyện ở lại hay về của đội bơi lội tập huấn tại Mỹ, ngay khi đó tôi đã thấy không hi vọng gì ở bộ phận quản lý cấp cao của thể thao VN”. Còn theo bạn đọc Trương Trà: “Muốn có chiến lược tốt, nhà quản lý phải có tư duy tốt và định hướng đúng ngay từ đầu, nếu không sẽ chạy theo sửa những thứ không đúng do chiến lược và định hướng sai. Chẳng người VN nào vui khi hết VĐV rồi đến quan chức ngành thể thao cứ thi nhau đổ thừa với hàng trăm ngàn lý do mà không bao giờ dám nhìn thẳng vào năng lực quản lý yếu kém của mình, từ đó tìm cách khắc phục, cải thiện để ngày một tốt hơn”. Từ đây, bạn đọc phanvany57@... đề xuất VN cần xem xét điều chỉnh chiến lược phát triển con người, trong đó có thể thao. Theo đó, chiến lược phát triển con người phải quan tâm nhiều đến thể chất, thể hình, và công tác thể thao ở mọi cấp độ theo một lộ trình nhất định với các mục tiêu cần phải đạt theo chiến lược phát triển đất nước, có so sánh với các nước khu vực và thế giới. Từ đây, Nhà nước nên xem xét lại từ gốc rễ sâu xa thất bại này để tìm những giải pháp trước mắt và lâu dài cho chiến lược phát triển con người VN nói chung và thể thao nói riêng. Bên cạnh sự yếu kém từ lãnh đạo, HLV, bạn đọc dungle32@... cũng đặt lại trách nhiệm của các VĐV: “Chúng ta đã thất bại ngay trong tư tưởng, thất bại về ý chí, khát vọng chiến thắng. Hãy nhìn những VĐV tham dự Olympic mà xem, có người cụt hai chân vẫn thi đấu được tại Olympic. Trong khi đó, VĐV VN chỉ đặt ngưỡng là các giải quốc gia hoặc cao lắm là SEA Games. Từ đó họ không tạo được động lực phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn”. Bạn đọc dudo777@... bày tỏ bức xúc với cách hành xử của các quan chức thể thao VN khi nhắc lại câu chuyện: “Olympic mùa đông lần trước, chủ tịch Ủy ban Olympic Nga đã phải xấu hổ từ chức khi đoàn Nga không đạt chỉ tiêu về số huy chương. VN mình quá thiếu cái gọi là văn hóa từ chức và khi thất bại thì chỉ “họp” lấy lệ, không bao giờ mổ xẻ đến tận gốc vấn đề. Tôi rất nản lòng với cách làm của các lãnh đạo ngành thể thao”. H.V. tổng hợp |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận