25/07/2013 02:54 GMT+7

Thể thao mang đến nụ cười

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Ngày 24-7, lễ khai mạc và ngày thi đấu đầu tiên Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 đã diễn ra tại Hà Nội. Những cơ thể không còn lành lặn tìm cách vươn tới đích đến, những tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt đến từ khán đài khiến các cuộc tranh tài tràn ngập niềm vui...

oJEVcZym.jpgPhóng to
Nỗ lực đẩy tạ của VĐV Nguyễn Phạm Tú Uyên - Ảnh: Quang Thắng

Tham dự Giải thể thao người khuyết tật 2013 có 27 đoàn với hơn 900 VĐV. Ngoại trừ hai đoàn Hà Nội và TP.HCM có điều kiện hơn một chút, hầu hết các đoàn còn lại đều ở trong hoàn cảnh rất khó khăn. Có những địa phương, VĐV thậm chí không có cả tiền công tập luyện.

Đi thi là một nỗ lực

Tham dự giải đấu với 15 VĐV, Hà Giang có lẽ là một trong những đoàn ít VĐV và gặp nhiều khó khăn nhất. Ông Lê Thanh Ước - lãnh đạo đoàn Hà Giang - cho biết để chuẩn bị cho giải, đoàn Hà Giang chỉ có vỏn vẹn khoảng hai tuần tập luyện tại sân vận động Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Giang. Thế nhưng sau hai tuần tập luyện, các VĐV vẫn chưa nhận được một đồng thù lao. Đoàn chỉ được lo chỗ ở và xe đưa VĐV từ Hà Giang về Hà Nội và được trả tiền ăn 150.000 đồng/người trong 10 ngày.

Khó khăn không kém Hà Giang là đoàn Đồng Nai dù đại diện miền Đông Nam bộ chỉ có tám VĐV dự giải (năm VĐV điền kinh và ba VĐV cử tạ). Được biết, tỉnh Đồng Nai cũng chỉ lo được hơn 20.000 đồng/ngày hỗ trợ mỗi VĐV. Ông Nguyễn Ngọc Quân - cán bộ môn điền kinh Sở VH-TT&DL Đồng Nai - cho biết các VĐV được tập trung hai tháng trước giải, tuy nhiên tiền hỗ trợ VĐV thì chẳng đáng bao nhiêu. Ông Quân nói VĐV chỉ được hỗ trợ hơn 20.000 đồng/ngày, tập xong các VĐV tự về nhà ăn cơm.

Ông Vũ Thế Phiệt - tổng thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật VN - chia sẻ: “Thể thao khuyết tật rất khó khăn, một năm các VĐV cũng chỉ có một giải trong nước để thi đấu. Tuy nhiên để xin được kinh phí từ các địa phương cho đoàn thể thao khuyết tật cũng không phải đơn giản. Có nhiều đoàn đăng ký thi đấu cũng đã là một thành công với ban tổ chức giải. Thậm chí các đoàn đăng ký muộn, ban tổ chức cũng sẵn sàng đợi để các VĐV được dự thi”.

nRcdm4op.jpgPhóng to
Cú nhảy xa khó quên của VĐV Nguyễn Viết Tuấn - Ảnh: Q.Thắng
5Hcnh2mF.jpgPhóng to
Mẹ vui khi con về đến đích - Ảnh: Nga Nguyễn

Mỗi VĐV là tấm gương về nghị lực sống

Sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, nhưng ở tuổi 18 - tuổi đẹp nhất của đời thanh niên, VĐV Nguyễn Văn Chung (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã vĩnh viễn mất đi đôi chân sau một lần đi làm ngoài đồng bị máy bơm nước làm gãy nát cả hai chân. Chung nằm bất động trên giường hơn một năm, bao nhiêu tài sản của gia đình nông dân nghèo gồm sáu đứa con tan theo mây khói để dồn kinh phí chữa trị cho Chung. Đôi chân của Chung bị cưa đến sát hông.

Năm 2003, Chung theo bạn bè xin tập bơi để rèn luyện cơ thể. Cánh cửa thể thao mở ra và anh trở thành VĐV bơi khuyết tật của Hà Nội đã 10 năm nay. Với tiền hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, Chung thuê nhà cùng người thân tại Hà Nội, làm thêm nghề bán hàng qua mạng để có tiền trang trải cuộc sống. Chung tâm sự lạc quan: “Tôi sinh ra là người bình thường nhưng chẳng may trở nên khuyết tật, tôi không thể ngồi yên để trở thành gánh nặng cho gia đình. Thể thao đã cho tôi niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, cho tôi một công việc”.

Cô gái đến từ Tây Ninh Lê Kim Thúy có khuôn mặt xinh xắn và nụ cười hiền hậu ngồi tại bể bơi Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội không ngớt cổ vũ cho đồng đội. Bị bại liệt phải ngồi xe lăn nên từ khi sinh ra đến nay, Kim Thúy chưa một lần được bước chân đến trường học như những đứa trẻ bình thường khác. Gia cảnh quá nghèo khó, mấy năm trước Thúy về TP.HCM và tìm đến Trường khuyết tật Hóc Môn học nghề may. Thế nhưng chỉ may được một thời gian, vì sức khỏe quá yếu cô phải nghỉ may, ở nhờ nhà chị gái thuê tại huyện Bình Chánh. Đến với bơi lội cách đây ba năm, Thúy theo bạn đi tập bơi để giữ sức khỏe, từ đó cô khỏe lên rõ rệt.

“Đi tập thể thao tôi vui lắm vì khỏe hơn và được gặp, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Công việc của tôi hiện nay là trông trẻ cho chị em công nhân ở khu vực Bình Chánh. Nếu không có thể thao thì không biết làm sao tôi có thể vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống này. Vì thấy con cái nghèo khổ quá, mẹ của tôi đã lên chùa đi tu cầu mong cho con cái bớt khổ” - Kim Thúy chia sẻ.

Nguyễn Thị Mai - VĐV điền kinh của đoàn Hà Giang - bị liệt nửa thân trái từ nhỏ. Học hết lớp 12, mang ước mơ thi đại học sư phạm để trở thành cô giáo nhưng với cơ thể khiếm khuyết, gia cảnh nghèo khó, chị Mai không đủ tự tin nộp đơn dự thi. Chị ở nhà đi bán vé số kiếm sống qua ngày để không là gánh nặng cho gia đình. 24 tuổi, chị Mai quyết tâm làm bà mẹ đơn thân và tìm nguồn vui sống từ đứa con bé bỏng. 13 năm qua, chị nuôi con một mình cùng sự giúp đỡ của người mẹ già tại TP Hà Giang. “Ba chúng tôi tựa vào nhau mà sống, mẹ tôi bán bánh cuốn kiếm thêm nguồn thu, còn tôi bán vé số nuôi con ăn học. Ba năm trước tôi học lớp tin học văn phòng và xin được việc ở phòng văn thư Hội khuyết tật Hà Giang. Với hơn 1 triệu đồng tiền lương/tháng, mẹ con tôi sống cùng cực lắm nhưng có con là điều tuyệt vời, giờ ngoài con tôi có thêm thể thao là niềm vui cuộc đời”.

Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 diễn ra từ ngày 24 đến 28-7 tại Hà Nội với sự góp mặt của 926 VĐV đến từ 27 đoàn thể thao khuyết tật trên cả nước. Các VĐV sẽ tham gia tranh tài ở sáu môn thể thao: điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cầu lông, cử tạ và cờ vua. Ngoài môn điền kinh thi đấu tại sân vận động Trịnh Hoài Đức, các môn còn lại diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội.

Thông qua giải đấu năm nay, Tổng cục TDTT sẽ tuyển chọn những VĐV xuất sắc nhất để tham dự Giải thể thao trẻ khuyết tật châu Á vào tháng 10 tại Malaysia và Asean Para Games lần thứ 7 tại Myanmar vào tháng 1-2014.

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp