Cao Ngọc Hùng thi đấu tại Asian Para Games 2018 - Ảnh: T.P
Nhưng rồi thể thao trở thành một liều thuốc chữa lành tất cả.
Hơn 15 năm qua, tôi được làng VĐV khuyết tật VN biết đến bởi bộ sưu tập thành tích khổng lồ, từ các giải quốc gia đến quốc tế ở ASEAN Para Games, Asian Para Games... và đỉnh cao là HCĐ tại Paralympic Rio 2016 ở bộ môn ném lao.
Giống như nhiều đồng nghiệp khác, tôi trải qua một tuổi thơ đầy rẫy khó khăn vì khiếm khuyết của mình. Năm 2 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến chân trái tôi cứ teo dần.
Tôi ban đầu vốn là một cậu bé cởi mở, hoạt bát và rất... quậy. Khiếm khuyết của chân trái không thể cản tôi tham gia những hoạt động thể chất. Hồi nhỏ tôi vẫn thường theo chân anh trai đi đá banh, chơi ở vị trí thủ môn. Khi đó tôi chơi thể thao chỉ vì mê, hiếu động chứ không suy nghĩ gì cả, nhiều lúc tôi cũng bị la vì hiếu động quá.
Nhưng khi lớn dần, sự cởi mở của tôi lại bắt đầu nhận gáo nước lạnh từ những trêu chọc ác ý của chúng bạn. Đi học, đi chơi hay làm gì, tôi vẫn thường bị bạn bè gọi là "thằng què". Nhiều lúc tủi lắm, chỉ biết cầu nguyện.
Đến một lần hồi học cấp II, bị trêu chọc tức quá không chịu nổi tôi còn đánh bạn nữa. Sau đó thầy phân xử công bằng nên cũng bớt nóng giận đi, nhưng càng lớn tôi càng mặc cảm vì nhận ra mình thực sự quá khác so với các bạn.
Bước ngoặt cuộc đời tôi đến vào năm 13 tuổi, trong một lần tình cờ được gọi tham gia đội thể thao khuyết tật quận Tân Bình, TP.HCM - cái nôi của phong trào thể thao khuyết tật cả nước. Tôi chơi được nhiều môn, chạy nhảy, đá bóng... nhưng xuất sắc nhất là với ném lao.
Sau vài lần thắng giải, tôi dần dà có được thu nhập, và rồi quyết định phấn đấu trở thành một VĐV khuyết tật chuyên nghiệp. Thể thao đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nhưng điều quan trọng nhất thể thao mang lại chính là sự tự tin.
Tôi không biết phải mô tả những cảm xúc của mình khi còn nhỏ ra sao. Nhiều lúc tôi mặc cảm, lúc lại giận dữ vì bị trêu chọc. Nhưng từ khi tập thể thao thường xuyên, nhìn thấy xung quanh mình có rất nhiều VĐV khuyết tật khác - nhiều người còn bị nặng hơn tôi, các mối cảm xúc của tôi dần đằm lại.
Nhiều người gọi tôi là què, ừ thì tôi què, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không thể làm việc. Tôi thậm chí còn chơi thể thao được mà.
CAO NGỌC HÙNG
Tiền bạc, tinh thần, sức khỏe... thể thao ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, nếp sống của tôi, và đều theo hướng tích cực. Sự tự tin giúp tôi lao vào mọi công việc mà không e ngại điều gì, với suy nghĩ "cả thể thao mình cũng chơi được mà".
Trưởng thành từ mặc cảm, tôi cảm thương những người đồng cảnh ngộ. Từ năm 2012, tôi tham gia làm HLV thể thao cho các em bị thiểu năng. Công việc cực, thậm chí bị các em chống đối, nhưng tôi đủ kiên nhẫn và bản lĩnh để "thu phục" các em. Nhìn các em được vui chơi, có thêm niềm vui trong cuộc sống, tôi cũng thấy vui lây.
Giờ đây, ngoài sự nghiệp thể thao vẫn đang ở đỉnh cao phong độ, tôi cũng đã có một gia đình êm ấm (vợ tôi Nguyễn Thị Hải cũng là VĐV khuyết tật) lẫn nghề tay trái chủ một quán ăn.
Thể thao đã giúp tôi vượt qua tất cả và tôi muốn dùng thể thao lan tỏa đến những người bất hạnh như mình".
Lan tỏa cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình"
Sau 2 tuần phát động cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình", ban tổ chức đã nhận được rất nhiều bài viết tham dự của độc giả. Chất lượng các bài viết ngày càng nâng lên với những câu chuyện có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng và được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online.
Tuần qua, ban tổ chức đã nhận được bài dự thi của các bạn đọc: Mai Đức Dũng (TP.HCM), Dương Thị Bích Vân (Đồng Nai), Tạ Tư Vũ (TP.HCM), Nguyễn Thanh Bình (TP.HCM), Lương Tấn Thành (TP.HCM), Đào Đình Tuấn (TP.HCM), Lãng Nhơn (TP.HCM), Phạm Công Thành (Thừa Thiên Huế), Ngô Xuân Hội (TP.HCM)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận