Ba diễn viên kỳ cựu Joe Pesci, Robert De Niro và Al Pacino (từ trái qua) cùng đóng phim The Irishman - Ảnh: IMDb
Tưởng tượng sẽ nhàm chán biết chừng nào khi ngồi suốt ba tiếng để nghe một ông già gần đất xa trời kể lể. Phim The Irishman chính xác được kể theo cách như thế.
Và đây là thành công đầu tiên của Martin Scorsese khi kéo khán giả tập trung lắng nghe câu chuyện đời của Frank Sheeran (do Robert De Niro thủ vai), một gã giang hồ về chiều đang gặm nhấm lại thời oanh liệt của mình.
Kỳ công thứ hai của Scorsese chính là việc thêm một lần hiếm hoi để những tên tuổi như De Niro, Al Pacino và Joe Pesci hội tụ trong cùng một phim.
The Irishman | Final Trailer | Netflix
Một thế giới đậm đặc nam tính
Cũng giống như nhiều bộ phim tội phạm khác của Martin Scorsese, The Irishman được bao trùm bởi một thế giới đậm đặc nam tính, quay ngược lại thời điểm nước Mỹ sau những năm Đệ nhị thế chiến liền lao vào cuộc chiến khác, trong lòng một đất nước giàu có, nơi luôn ban phát cơ hội cho bất kỳ kẻ nào lạc lối tìm đến nó, kể cả đó là những tên tội phạm.
The Irishman là một phim tiểu sử từ một cá nhân tiểu tốt đã phóng chiếu ra cả guồng máy nơi mà thế giới ngầm có thể can thiệp chính trị, thậm chí can dự vào kết quả bầu cử tổng thống. Một tiểu sử đi song song trên nền lịch sử nước Mỹ với những biến động, thế giới ngầm và giới chính khách chỉ là hai mặt của đồng xu vàng chi phối đời sống xã hội.
Martin Scorsese đưa người xem nhận diện lại thứ mà một thời thường được kiêu hãnh xem là giá trị Mỹ, với những quý ông lịch lãm, tận tụy cống hiến cho xã hội và chăm sóc gia đình; với những gia đình kiểu mẫu vợ chồng con cái thanh lịch, với những người cha sẽ mua hoa về tặng vợ sau khi hạ sát một người trên đường, như bất kỳ một công chức nào khác.
Nước Mỹ của Scorsese, được điều hành bởi bàn tay những người đàn ông như thế, xem phạm tội về hình thức cũng là công việc mưu sinh, tù tội, bị giết chỉ là một trong những tai nạn nghề nghiệp.
Sheeran thực chất chỉ là tay chân của các ông trùm, dẫu mối quan hệ của y có khắng khít với họ tới đâu, y chỉ là con tốt trong cái đế chế ngầm nơi những kẻ vừa bàn chuyện tham nhũng vừa nói về tình yêu nước.
The Irishman
Tội ác và hình phạt
Bậc thầy của dòng phim tội phạm Martin Scorsese không "bạch hóa" giới tội phạm với những triết lý hay đạo nghĩa giang hồ. Cách Martin Scorsese đối diện với cái ác cũng giống như cách khán giả thấy đoạn kết báo trước của phim này.
Với từng tên tội phạm xuất hiện, thông tin về cái chết của chúng như một dòng chú thích trong cuốn sách về tội ác và cả hình phạt.
Jimmy Hoffa (Al Pacino thủ vai) gợi nhắc đến nhân vật trong tiểu thuyết All The King’s Man, với tài diễn thuyết mị chúng và các hoạt động ngầm để ngoi lên vị trí lãnh đạo, và đã có những người như y trở thành vị trí lãnh đạo.
Còn De Nero dẫu trong vai kẻ ẩn nhẫn và biết phục tùng thế nào vẫn hiển hiện một sự tinh quái, nhất là lúc ông cười, một sự tinh quái được che đậy của kẻ không tỏ ra thông minh, không có tham vọng lãnh đạo nhưng lại là kẻ sống sót cuối cùng. Trở thành chứng nhân cho cả một thời đại, để ở lại chịu tội trước bản án thời gian, bị con cái từ mặt và sống đời cô quạnh.
Cuối phim có đoạn cảnh sát tìm đến Sheeran, lúc này chỉ còn là ông lão ngồi trên xe lăn đếm ngày tàn. Dĩ nhiên, như thói quen, Sheeran đòi luật sư thân tín của mình. "Ông ta chết rồi", viên cảnh sát thông báo. Theo phản xạ, Sheeran hỏi: "Chết rồi ư? Ai giết?" và viên cảnh sát còn lại đáp rằng: "Ung thư".
Vậy đó, những tay anh chị chọc trời khuấy nước có thể không bao giờ bị trừng trị đích đáng, rồi cũng chịu thua trước thời gian. Sự tương phản hình ảnh "bố già" ở đầu và cuối phim nhấn mạnh vào một sự thật hiển nhiên, không gì là trường cửu hay bất biến. Những kẻ quyền lực của hôm nay hôm sau có thể bị ghẻ lạnh, hất hủi, chết không một nấm mồ.
Cảnh Frank Sheeran chống nạng đi chọn hầm mộ cho chính mình chính là giây phút ông chọn đối diện với hình phạt. Ông xưng tội, ông để cửa phòng khép hờ như để chờ đợi.
Chờ đứa con gái? Chờ thần chết? Và khán giả cũng chỉ có thể nhìn qua cánh cửa hé mở một thế giới thuộc về quá vãng, một vàng son không chỉ của Sheeran mà còn của Scorsese, cái thuở mà người ta phân định rõ điện ảnh đích thực là thế nào.
Trước khi The Irishman công chiếu không lâu, Scorsese làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ từ những người hâm mộ dòng phim siêu anh hùng, khi ông nhận định đó không phải điện ảnh thực thụ. Nhiều người quá khích cho rằng Scorsese là người bài công nghệ, không hiểu về kỹ xảo điện ảnh.
Nhưng ngay từ đầu phim, đạo diễn đã sử dụng hợp lý kỹ xảo để làm tài tử Robert De Niro trẻ lại cho phù hợp với độ tuổi nhân vật. Ông chỉ muốn tránh lạm dụng kỹ xảo để tạo ra những đại cảnh hoành tráng, những vụ cháy nổ hay một cái búng tay có thể hủy diệt cả vũ trụ.
Một số hình ảnh The Irishman:
The Irishman
The Irishman
The Irishman
The Irishman
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận