Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết văn kiện giữa doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
“Việt Nam đang tăng trưởng nhanh trong nhiều năm và tôi được biết Chính phủ các bạn đang mong muốn phát triển bền vững thân thiện với môi trường. Do đó, đây cũng là cơ hội tốt cho chúng tôi
|
Ông Jan Jaap Folmer (lãnh đạo Công ty Upp! chuyên về tái chế chất thải thành nhựa) |
Diễn đàn khai mạc chiều 10-7 tại The Hague, Hà Lan, với chủ đề hướng đến một tương lai bền vững, thu hút khoảng 400 doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam.
Đây là một trong những hoạt động chính trong chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi”
Phát biểu mở đầu diễn đàn doanh nghiệp, ông Lodewijk Asscher - Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng các vấn đề xã hội và việc làm Hà Lan - cho rằng gặp gỡ trực tiếp để xúc tiến làm ăn chính là một trong những nguyên tắc dẫn đến thành công.
“Chúng ta có mối quan hệ truyền thống về thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hệ thống đê chắn sóng, công trình thủy lợi, quản lý cảng biển cũng là thế mạnh của Hà Lan và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam” - Phó thủ tướng Asscher khẳng định.
Ông Asscher còn dẫn câu tục ngữ của Việt Nam “Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi” và tự ông giải thích câu tục ngữ này là “hãy chọn bạn cũ để kinh doanh” vì từ thế kỷ 17, các thương nhân Hà Lan đã tìm đến Việt Nam để làm ăn.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện có nhiều thương hiệu của Hà Lan được người Việt tin dùng như Heineken, Unilever, sữa Cô gái Hà Lan, đồ gia dụng Philips…
“Chúng tôi có thế mạnh độc đáo trong nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, các loại trái cây nhiệt đới, cây lương thực và dược liệu. Chúng tôi khuyến khích Hà Lan giúp Việt Nam nâng cao năng lực, hướng Việt Nam định vị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu” - Thủ tướng nói với các doanh nghiệp Hà Lan.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn chào đón nhiều doanh nghiệp Hà Lan, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến Việt Nam đầu tư và làm ăn.
Luật thông thoáng
Trả lời câu hỏi của chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan Michael van Straalen: “Làm thế nào để giúp các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội? Việt Nam có thách thức gì?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam cũng đối diện các thách thức nhưng không nặng nề như các nước khác trong và ngoài khu vực.
Theo Thủ tướng, thách thức lớn nhất vẫn là biến đổi khí hậu như Hà Lan đang đối mặt.
“Chúng tôi đang tích cực hợp tác với Hà Lan để khắc phục thách thức này, tạo môi trường tốt hơn nữa để chuyển giao khoa học công nghệ, môi trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư nhiều hơn. Chúng tôi có luật pháp minh bạch, Luật đầu tư nước ngoài rất thông thoáng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư” - Thủ tướng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết có tổng cộng 9 thỏa thuận với tổng trị giá ước lượng khoảng 800 triệu USD được ký kết giữa doanh nghiệp hai bên trong ngày 10-7 và sắp tới sẽ ký tiếp thêm 2 thỏa thuận.
Trong số các văn kiện ký kết có thỏa thuận phát triển bền vững ĐBSCL, hợp tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam, thỏa thuận giữa lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Tập đoàn đóng tàu Damen về dự án đóng 6 tàu cảnh sát biển đa năng, Hà Lan hỗ trợ TP.HCM chống ngập và thỏa thuận hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai, đào tạo hàng hải...
Có thể sản xuất nông sản ôn đới không? Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Đại học Wageningen và tham quan Viện nghiên cứu an toàn thực phẩm RIKILT ở Hà Lan. Nói chuyện với các sinh viên Việt Nam học tại Đại học Wageningen, Thủ tướng đặt vấn đề tại sao một nước ôn đới như Hà Lan lại có thể trồng được các loại nông sản xứ nhiệt đới, liệu Việt Nam có thể làm ngược lại là sản xuất, trồng các loại cây trồng ôn đới? Và chính ông cũng đưa ra lời giải đáp: “Để hiện thực hóa những điều này, chúng ta cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc chống biến đổi khí hậu, công nghệ thực phẩm, công nghiệp chế biến”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận