07/05/2017 11:23 GMT+7

Thế giới dõi theo bầu cử Pháp

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Cử tri Pháp hôm nay (7-5) đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử mà kết cuộc không chỉ định đoạt số phận nước Pháp, mà còn cả EU cùng bàn cờ chính trị thế giới.

Những người ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron tụ tập trước nhà ông một ngày trước khi bỏ phiếu chính thức  - Ảnh: AFP
Những người ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron tụ tập trước nhà ông một ngày trước khi bỏ phiếu chính thức - Ảnh: AFP

Cử tri Pháp đi bỏ phiếu với hành trang là những cảm nhận còn đọng lại từ những thông điệp đủ loại mà ứng cử viên của họ đã đưa ra, hay ngược lại từ những phản ứng bất đồng với ứng cử viên mà họ đã định chọn không bỏ phiếu cho.

Sự phân lập này là rõ nét nơi số cử tri đã bỏ phiếu ở vòng một, trong đó 24,01% số phiếu hợp lệ ngả về ông Emmanuel Macron, còn về phía bà Marine Le Pen là 21,3%.

Biết làm sao bây giờ khi mà vào năm 2017 này cả cánh hữu và cánh tả truyền thống đều “tan tác”, và nay chủ trương dồn phiếu cho một ứng cử viên tự định nghĩa là “mới một năm trước chưa ai biết đến” song “khác hẳn với những chính khách đi trước do lẽ đã có một nghề nghiệp thực sự trong lĩnh vực tư và trong lĩnh vực công” - lý do đầu tiên trong số “10 lý do để chọn Macron” trên trang web “Tiến lên” của ông này.

Ứng cử viên 40 tuổi này tin rằng sẽ sớm hạ tỉ lệ thất nghiệp bằng cách dựa vào kinh nghiệm đã có khi còn làm việc trong ngân hàng tư và là bộ trưởng tài chính.

Cách nói như thế chính là một trong những nhát liễu kiếm ngọt sớt mà ứng cử viên trẻ tuổi này đã đâm thẳng vào đối thủ Marine Le Pen: “Xin lỗi bà, trong chừng đó năm bà đã là nghị sĩ (Nghị viện châu Âu), song công chuyện duy nhất của bà là chỉ trích, là chửi bới chứ không đóng góp gì tích cực”!

Ông Macron còn lạnh lùng cảnh báo chẳng “nợ nần” gì ai (lý do thứ tư), do lẽ đường lối của ông chắc chắn khác trước. Đầu tiên là cắt giảm 1/3 số ghế trong quốc hội (lý do thứ nhì)! Cái khoản “tinh giản biên chế” trong lưỡng viện quốc hội ắt hẳn không “hạp nhĩ” cả lô chính khách cả đời chỉ có mỗi công chuyện là... “làm chính trị”.

Dù cuộc tranh luận tối thứ năm vừa qua được cho là bất quá chỉ “thêm mắm thêm muối” vào những chọn lựa có sẵn của các cử tri, song rõ ràng bà Le Pen cứ tạo cơ hội cho ông Macron hỏi vặn bà từ đầu đến cuối cuộc tranh luận.

“Thế dự án cầm quyền của bà là gì?” - ông Macron vặn lại khi “được” bà Le Pen hăng say chỉ trích “khơi khơi” kiểu: “Ông Macron là ứng cử viên của sự toàn cầu hóa man dại, của nạn “Uber hóa”, của công ăn việc làm tạm bợ, của sự tàn nhẫn xã hội, của sự phá nát các tập đoàn lớn của chúng ta... Đối đầu lại điều đó, tôi là ứng viên của nhân dân, của nước Pháp mà chúng ta yêu mến, của nền văn hóa Pháp, của nhà nước bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ biên giới...”.

Cứ mải mê “chửi đổng” như thế, đến khi bị đối thủ đâm nhát ân huệ: “Thế lấy gì bảo vệ biên giới?”, bà Le Pen lúng túng trả lời: “Thì nhờ nhân viên hải quan lo”, để rồi bị ông này “lên lớp”: “Nhân viên hải quan đâu có được huấn luyện, trang bị để bảo vệ biên giới... Bà lầm rồi” và chê tất tần tật: “Nước Pháp xứng đáng một điều gì tốt hơn, chứ không chỉ là chỉ trích, sợ hãi và hận thù”!

Trong bối cảnh ông Macron hầu như đang thắng thế như thế đó, chỉ có “trời” mới có thể cản được ông này. Và “ông trời” đó đã đợi sát giờ đi bỏ phiếu để ra chiêu “rò rỉ” tố cáo này nọ ông Macron. Đúng - sai chưa rõ, cứ gạch tên đi đã!

Lại chuyện tin tặc

Ngày 5-5, khoảng 9 gigabyte dữ liệu được cho là liên quan tới chiến dịch tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron đã bị đăng tải lên một trang chia sẻ dữ liệu công khai, Đài truyền hình France 24 cho biết. Theo Đài BBC, các tài liệu này được xào nấu, trộn lẫn với các tài liệu và thông tin giả nhằm gây hoang mang trong dư luận chỉ 2 ngày trước ngày bỏ phiếu chính thức.

Cùng ngày, đại diện Đảng Tiến lên! của ông Macron xác nhận: “Chúng tôi đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công tin tặc khổng lồ có sự phối hợp vào tối nay. Vụ tấn công đã gây ra và làm tăng sự hỗn loạn về tin tức trên các mạng xã hội”.

Hiện vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau vụ tấn công tin tặc nhắm vào chiến dịch của ứng viên Macron. Bộ Nội vụ Pháp và các quan chức cấp cao đều từ chối bình luận, viện dẫn quy định im lặng 44 tiếng trước ngày bầu cử. Theo Reuters, điều đáng chú ý là 9 gigabyte dữ liệu đó được đăng tải chỉ vài tiếng trước khi quy định 44 tiếng bắt đầu có hiệu lực.

Ủy ban bầu cử tổng thống Pháp tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp, nếu chiến dịch tranh cử của ông Macron thông báo với ủy ban về vụ tấn công và công bố dữ liệu liên quan.

Ben Nimmo, một chuyên gia về an ninh mạng thuộc Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, tiết lộ với Reuters rằng các dữ liệu phân tích ban đầu cho thấy các nhóm hoạt động cực hữu Mỹ đứng đằng sau nỗ lực truyền bá các tài liệu bị rò rỉ nói trên qua mạng xã hội. Những thông tin này sau đó được các nhóm ủng hộ bà Marine Le Pen, đối thủ của ông Macron, sử dụng để tăng thêm uy tín cho bà.

DUY LINH

Công dân Pháp ở nước ngoài bỏ phiếu sớm

Ngày 6-5, các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp và công dân Pháp sống ở nước ngoài đã bắt đầu đi bỏ phiếu, sớm hơn ngày bỏ phiếu chính thức 1 ngày. Theo Đài truyền hình France 24, khoảng 1,3 triệu công dân Pháp sống ở nước ngoài đủ điều kiện bỏ phiếu trong đợt bầu cử lần này.

Người dân Pháp sẽ chính thức đi bỏ phiếu vào 8h sáng 7-5 (giờ địa phương).

Kết quả thăm dò mới nhất của Elabe được công bố trước “giờ giới nghiêm” (44 tiếng trước giờ bầu cử) trên BFM TV và L’Express cho thấy ông Macron có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với 62% số phiếu ủng hộ.

DUY LINH

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp