Quân đội được huy động dọn dẹp hậu quả của siêu bão Meranti ở Hạ Môn - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hàng chục chuyến bay và tàu du lịch đến và đi từ Hạ Môn cũng như 140 chuyến tàu hỏa đã bị hủy bỏ đúng vào thời điểm Trung Quốc bước vào ngày đầu tiên trong ba ngày nghỉ Tết Trung thu trên cả nước.
Thành phố Hạ Môn, nơi hứng trọn sức mạnh của siêu bão trong những giờ đầu tiên đổ bộ vào Trung Quốc, trở nên tan hoang sau một đêm đầy mưa gió.
Hình ảnh trên Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho thấy các con đường ở Hạ Môn ngập trong nước, cây cối ngã đổ và đè bẹp dí xe cộ, còn các nhân viên cứu hộ thì ngồi trên thuyền sơ tán người dân.
Mưa lớn còn gây ra lũ lụt cuốn trôi một cây cầu hơn 800 năm tuổi ở tỉnh Phúc Kiến. Lở đất cũng được ghi nhận tại thành phố Phúc Châu và Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, theo Reuters.
Chỉ tính riêng ở Hạ Môn, đã có khoảng 320.000 gia đình và trên toàn tỉnh Phúc kiến là 1,65 triệu hộ bị mất điện trong những giờ đầu bão đổ bộ. Không chỉ vậy, người dân ở Hạ Môn còn phải đối mặt với tình trạng cúp nước.
Một người đàn ông chạy xe trên đường phố ngập đầy nước ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến - Ảnh: Reuters |
Tính đến thời điểm hiện tại, bão Meranti đã khiến ít nhất một người chết và một người mất tích, Tân Hoa xã cho biết.
Truyền thông Trung Quốc gọi Meranti là cơn bão mạnh nhất tấn công Trung Quốc trong gần 67 năm qua.
Chiều 15-9, sau gần một ngày siêu bão đổ bộ, các nhà khí tượng Trung Quốc đã hạ cấp Meranti từ siêu bão xuống còn áp thấp nhiệt đới và dự đoán nó sẽ tiếp tục suy yếu khi tiến sâu vào đất liền và hướng về phía Thượng Hải nhưng cảnh báo nó vẫn sẽ gây ra mưa lớn, thậm chí lở đất.
Cây cầu 800 năm tuổi ở Phúc Kiến bị cuốn trôi vì siêu bão Meranti - Ảnh: Mạng xã hội Weibo |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận