25/08/2016 09:14 GMT+7

Colombia có thỏa thuận hòa bình lịch sử

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Chính phủ Colombia và lực lượng phiến quân FARC đã đạt được một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ qua.

Đại diện chính phủ Colombia và phiến quân FARC bắt tay tại Havana - Ảnh: AFP
Đại diện chính phủ Colombia (phải) và đại diện FARC bắt tay tại Havana - Ảnh: AFP
 

AFP cho biết sau gần 4 năm đàm phán hòa bình tại Cuba, ngày 24-8, chính phủ Colombia và phiến quân FARC cho biết họ đã kết thúc đàm phán thành công và đi đến một thỏa thuận cuối cùng.

"Chính phủ Colombia và FARC thông báo rằng chúng tôi đã đạt được một hòa ước chính thức, đầy đủ và cuối cùng để chấm dứt cuộc xung đột và xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài ở Colombia" - hai bên cho biết trong một tuyên bố chung tại Havana.

Phát biểu trước đó tại Colombia, tổng thống Juan Manuel Santos ca ngợi tin tức "lịch sử" này. Ông Santos đã mỉm cười khi nói về "một ngày rất đặc biệt" cho Colombia.

"Có thể đất nước mà các bạn đang tưởng tượng và vẽ ra ở đây đang trở thành hiện thực" - ông Santos nói với một nhóm trẻ em đang tham gia một cuộc thi vẽ do chính phủ tài trợ mang tên "Vẽ một Colombia trong Hòa bình".

Ông thông báo ngay trong ngày 25-8 sẽ trình quốc hội thỏa thuận chính thức dài hơn 200 trang vừa được ký kết và cuộc trưng cầu dân ý về văn bản này dự kiến được tiến hành vào ngày 2-10. 

Ông kêu gọi người dân đoàn kết, bỏ phiếu trưng cầu dân ý (dự kiến trong vài tuần tới) thông qua thỏa thuận để văn bản chính thức được thực thi và nhấn mạnh đây là cơ hội cuối cùng cho một nền hòa bình vĩnh viễn ở Colombia, tạo thuận lợi cho đất nước phát triển. Nhà lãnh đạo Colombia cũng đánh giá cao những nỗ lực của các bên trong suốt gần 4 năm đàm phán ở La Habana, đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của Cuba, Na Uy, Venezuela và Chile đối với tiến trình đàm phán.

Trong khi đó lãnh đạo của lực lượng cách mạng vũ trang Colombia (FARC), ông Timoleon "Timochenko" Jimenez cho biết họ đã may mắn để đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chúc mừng thành công của tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Colombia và FARC, chấm dứt hơn 50 năm nội chiến ở quốc gia Nam Mỹ. Ông Obama nhấn mạnh đây là một ngày lịch sử, một sự kiện quan trọng, mở đường cho một nền hòa bình dài lâu, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở Colombia. 

Trong vài ngày qua, AFP dẫn nguồn tin từ đoàn đàm phán từ hai bên, chính phủ Colombia và FARC đã thảo luận về một loạt chủ đề chưa được giải quyết và làm việc muộn vào đêm 23-8 để soạn thảo một tuyên bố chung.

Người dân Colombia tại TP Bogota vui mừng đổ ra đường tối 24-8 sau thông tin có được thỏa thuận - Ảnh: Reuters
Người dân Colombia tại TP Bogota vui mừng đổ ra đường tối 24-8 sau thông tin có được thỏa thuận - Ảnh: Reuters

Văn bản thỏa thuận giữa hai bên bao gồm 6 điểm được xác định trong lộ trình ban đầu và toàn bộ nội dung các thỏa thuận từng phần đã được ký kết trước đó.

Theo đó, điểm đầu tiên là việc tiến hành một cuộc cải cách nông thôn toàn diện, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, thực thi bình đẳng và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người nông dân.

Điểm thứ 2 là thỏa thuận về việc quá trình tham gia chính trường và mở cửa dân chủ để xây dựng hòa bình cho các lực lượng chính trị mới của Colombia, bao gồm cả FARC sau khi chấm dứt xung đột. 

Điểm thứ 3 là thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, bao gồm cả việc tái hòa nhập các du kích quân vào đời sống dân sự, kinh tế và xã hội Colombia cũng như đảm bảo về an toàn và việc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm vũ trang, trong đó có cả các nhóm bán quân sự cực hữu.

Điểm thứ 4 quy định các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ma túy. Điểm thứ 5 bao gồm các giải pháp cho vấn đề nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

Điểm cuối cùng trong thỏa thuận là về việc thành lập và vận hành các cơ chế để thông qua, triển khai và giám sát thực hiện thỏa thuận hòa bình, cũng như giải quyết những khác biệt còn tồn tại và có thể nảy sinh giữa hai bên. 

Một khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, FARC sẽ bắt đầu chuyển những tay súng của lực lượng này từ nơi ẩn náu trong rừng và trên núi vào các trại giải trừ quân bị do LHQ thành lập để giúp giám sát thỏa thuận ngừng bắn này.

Nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã cam kết giúp đỡ tài chính, kỹ thuật và hậu cần để Colombia tái thiết đất nước khi nền hòa bình được thiết lập.

Đối thủ hàng đầu của ông Santos là cựu tổng thống Alvaro Uribe đang dẫn đầu chiến dịch nói "Không" với cuộc trưng cầu dân ý trên, lập luận rằng ông Santos đã nhượng bộ FARC quá nhiều.

Cuộc nội chiến dân sự ở Colombia bắt đầu vào năm 1964 và trở thành một cuộc xung đột vũ trang lớn nhất châu Mỹ. Cuộc xung đột này đã khiến 260.000 người thiệt mạng và 45.000 người mất tích.

Các băng đảng ma túy cũng châm ngòi bạo lực thêm trong cuộc nội chiến tại đất nước sản xuất cocaine lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận hòa bình với FARC, chính phủ Colombia vẫn còn phải chiến đấu với một nhóm phiến quân nhỏ hơn là Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN). Nhóm này liên tục làm trật đường ray những nỗ lực để mở các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ.

 

Một khi thỏa thuận được thông qua, FARC sẽ tham gia giải giáp vũ khí trong 3 giai đoạn. Theo đó, 30% vũ khí sẽ được giao nộp trong 90 ngày; 30% tiếp theo sẽ được giao trong 120 ngày và số còn lại trong vòng 150 ngày. Chính phủ Colombia cho biết trong vòng 180 ngày, FARC sẽ phải giao nộp tất cả vũ khí cho đại diện của Liên hợp quốc (LHQ).

Cơ chế 3 bên gồm Chính phủ Colombia, FARC và nhóm các quan sát viên LHQ với các thành viên chủ yếu đến từ khu vực Mỹ Latinh, sẽ có mặt tại 8 khu lán trại và 23 khu vực vành đai chuyển tiếp nhằm thúc đẩy quá trình tái hội nhập xã hội từng bước của các tay súng sau khi giao nộp vũ khí. 

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp