Ngày 1-11 tới đây đánh dấu 23 năm thành lập của EU với tiền thân là Cộng đồng châu Âu (European Community). Ý tưởng về một châu Âu hợp nhất, như để đối trọng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhen nhóm từ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Nhưng hiện nay, việc xóa bỏ biên giới một tập hợp không biên giới - trong những giá trị cơ bản của liên minh 28 nước với hơn 510 triệu dân này - lại đang bị thử thách.
Lập rào gây tốn kém
Vấn đề kiểm tra tại biên giới được đặt ra sau khi dòng người tị nạn ồ ạt kéo vào khối EU cuối năm 2015, dẫn theo nguy cơ có bọn tội phạm, khủng bố trà trộn vào.
Từ tháng 1-2016, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Áo và Na Uy đạt một thỏa thuận với Brussels về việc kiểm tra giấy tờ tùy thân tại biên giới các nước nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, kiểm soát số người tị nạn qua biên giới cùng phát hiện những phần tử khả nghi.
Thỏa thuận này hết hạn vào ngày 12-11 tới nên Đan Mạch đang thuyết phục các nước còn lại đồng ý gia hạn thêm 6 tháng nữa.
Bộ trưởng Bộ Người nước ngoài của Đan Mạch, bà Inger Støjberg, xem việc kiểm tra này là cần thiết khi EU còn chưa áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới vòng ngoài của khối.
Hiện Đức, Áo và Na Uy chưa đưa ra quyết định chính thức, còn Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman thì tỏ ra dè dặt, cho rằng điều này làm mất nhiều thời gian và quá tốn kém.
Theo tin trên báo Berlingske (Đan Mạch) ngày 14-10, riêng chi phí phát sinh từ việc kiểm tra hành khách qua lại cây cầu Oeresund nối liền Thụy Điển và Đan Mạch đã lên tới 237 triệu kroner (khoảng 31,8 triệu euro) mỗi năm do số người qua lại mỗi ngày rất lớn.
Ngày 20-10 vừa qua, Đài truyền hình TV2 của Đan Mạch còn đưa tin 565 người Thụy Điển làm việc tại Đan Mạch đòi chính quyền Stockholm bồi thường cho họ tổng cộng 25 triệu kroner (2,58 triệu euro) vì những thiệt hại do chuyện kiểm tra như đi làm trễ giờ, phải bỏ việc...
Chính phủ Đức hiện nay cũng muốn thắt chặt các quy chế về người tị nạn. Theo Bộ Nội vụ Đức, trong năm 2015 đã có 890.000 người tị nạn đến Đức. Trong tám tháng đầu năm 2016 có 210.209 người bị bác đơn xin tị nạn nhưng họ vẫn ở lại đây.
Do vậy trong bản dự thảo quy chế mới về người tị nạn mà Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere trình lên chính phủ có điều khoản cho phép trục xuất những người không đáp ứng các điều kiện ở lại theo luật pháp Đức.
Dự thảo này được xem như một nỗ lực của chính phủ Thủ tướng Angela Merkel trước những cáo buộc từ cả trong lẫn ngoài nước là chủ trương mở rộng cửa đón người tị nạn vào đã làm gia tăng tình trạng bất ổn tại châu Âu.
Lợi hại song hành
Một EU không biên giới đem lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Lưu thông tự do tạo điều kiện cho rất nhiều người lao động tại các nước Trung, Đông và Nam Âu - nghèo và kém phát triển hơn các nước Tây và Bắc Âu - có cơ hội tìm việc làm ngoài nước, đồng thời cũng giúp các nước giàu giải quyết vấn đề thiếu lao động cho những công việc lương thấp hay thời vụ.
Tuy nhiên điều này cũng đem lại nhiều rắc rối. Như tại Đan Mạch, nếu 10, 15 năm trước đây tại các tỉnh nhỏ, thị trấn hay vùng nông thôn, chủ nhà không cần phải khóa cửa khi đi ra ngoài, nay nở rộ các dịch vụ an ninh bảo vệ.
Tại thủ đô Copenhagen yên bình thì các vụ cướp có vũ trang của những bọn cướp từ Romania, Ba Lan, Lithuania xảy ra như cơm bữa. Theo báo cáo của cảnh sát Đan Mạch thì các vụ phạm tội của người nước ngoài trong năm 2016 tăng gấp đôi so với năm 2009.
Tháng 6 năm ngoái, cảnh sát bắt một băng nhóm người Romania thực hiện tới 164 vụ đột nhập và phá két sắt các doanh nghiệp, siêu thị trong hai năm 2013 và 2014.
Theo quy chế của EU thì các biện pháp kiểm tra giấy tờ tùy thân ở biên giới giữa các nước trong khối chỉ có tính tạm thời. Tuy nhiên từ hai năm qua, khi nguy cơ khủng bố gia tăng, tình hình an ninh diễn biến phức tạp, người tị nạn, nhập cư vẫn tiếp tục tìm đến mỗi ngày thì không ít người dân tại đây cho rằng việc kiểm tra tại biên giới là cần thiết.
Nhưng khi vấn đề biên giới giữa các nước được đặt ra thì EU có còn là EU?
Dọn dẹp “Rừng Calais”: khó khăn phía trước Hôm qua (26-10), công tác chuyển người nhập cư bất hợp pháp tại khu “Rừng Calais” ở miền bắc nước Pháp tiếp tục ngày làm việc thứ ba. Sau hai ngày, chính quyền Paris thông báo đã giải quyết được 4.000 trường hợp trong khi nơi này dự báo có khoảng 6.000 - 8.000 người. Đã có một số lán trại bị đốt vào chiều 25-10 trước khi các xe ủi của chính quyền xông vào. Có nguồn tin cho rằng đó là truyền thống “đốt nhà” trước khi đi của người dân một số nước châu Phi. Lực lượng cứu hỏa vì vậy phải can thiệp dưới sự bảo vệ của cảnh sát chống bạo động. Có một số trường hợp ném đá sỏi về phía lực lượng chức năng. Chiến dịch dự trù kéo dài trong một tuần lễ này được cho là sẽ gặp khó khăn trong những ngày cuối vì còn khoảng 2.000 người nhập cư quyết bám trụ với niềm tin được sang Anh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận