Sinh viên và nhân viên một trường y tham gia chiến dịch nâng cao nhận thức về tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở Bangalore, Ấn Độ ngày 25-1 - Ảnh: AFP
Tính tới sáng 26-1, toàn thế giới đã có hơn 100 triệu ca mắc COVID-19, theo thống kê của trang wordometers.info, trong đó hơn 2 triệu người đã chết, riêng Mỹ chiếm khoảng 1/4 với hơn 25 triệu ca.
Vắc xin được xem là tia hi vọng duy nhất của nhân loại để chấm dứt đại dịch. Theo số liệu thống kê độc lập của báo Nikkei (Nhật) và báo Financial Times, tính tới ngày 24-1, hơn 65 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ dẫn dắt COVAX?
Tới nay, Mỹ và Trung Quốc là hai nước tiêm vắc xin cho dân được nhiều nhất. Hầu hết các nước ở châu Phi và châu Á vẫn chưa thể bắt đầu tiêm vắcxin COVID-19 cho dân.
Chính phủ các nước đều đang rốt ráo thương lượng để ký được hợp đồng mua vắcxin COVID-19 với các nhà cung cấp. Theo số liệu của ĐH Duke, tính tới 20-1, hơn 7 tỉ liều vắcxin COVID-19 đã được ký kết hợp đồng. Trong đó Hãng AstraZeneca của Anh đang chiếm tỉ lệ cung cấp lớn nhất với các hợp đồng cung cấp hơn 1,9 tỉ liều cho 28 quốc gia.
Ủy ban châu Âu đang đặt mua số lượng vắcxin COVID-19 lớn nhất và sẽ phân phối lại theo tỉ lệ dân số từng nước EU.
Tình trạng "nước chảy chỗ trũng", vắcxin được dồn về một nhóm chỉ khoảng 10 quốc gia trong khi nhiều nước nghèo không thể tiếp cận vắcxin là vấn đề được cảnh báo nghiêm túc trong báo cáo công bố ngày 25-1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo WHO, trừ khi các nước phát triển giúp các nước đang phát triển tăng tốc tiêm chủng vắcxin, còn không, ngay cả khi đã chủng ngừa vắcxin cho hầu hết dân số trong nước, các nước giàu vẫn sẽ đối mặt với những tổn thất kinh tế nghiêm trọng do đứt gãy hoạt động thương mại toàn cầu và các chuỗi cung cấp vì đại dịch COVID-19.
Cụ thể, báo cáo nghiên cứu của WHO cho biết nếu tiến độ triển khai vắcxin COVID-19 tiếp tục diễn ra như hiện tại, các nước giàu sẽ bị tổn thất kinh tế lên tới 2.400 tỉ USD, tương đương 3,5% GDP hằng năm gộp lại của các nước này ở giai đoạn trước đại dịch. Trong viễn cảnh cực đoan nhất, khi các nước giàu đều nhận được vắcxin trong năm nay nhưng các nước đang phát triển thì không, tổn thất kinh tế toàn cầu sẽ là 9.200 tỉ USD.
"Không ai an toàn cho tới khi mọi người an toàn" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh.
Tín hiệu tích cực là Mỹ có vẻ như đang trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống COVID-19 dưới thời Tổng thống Joe Biden, khi Washington chủ động gia nhập trở lại WHO và tham gia sáng kiến COVAX - cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng với vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Cho đến nay, theo WHO, đã có 182 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Việt Nam, tham gia sáng kiến COVAX.
Nguồn: Nikkei - Đồ họa: N.KH.
Nỗi lo biến thể
Đã có ít nhất 4 chủng virus corona biến thể mới được phát hiện ở Anh, Nam Phi, Brazil và Mỹ, trong đó biến thể mới ở Anh đang ghi nhận những dữ kiện bước đầu cho thấy lây lan nhanh hơn và có thể gây tử vong cao hơn so với chủng ban đầu.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới mà virus corona hoành hành khắp nơi và biến đổi gen nhanh chóng tới mức sẽ còn có thêm những biến thể mới xuất hiện" - ông Anthony Harnden, chuyên gia y tế cố vấn cho Chính phủ Anh, bình luận với Đài Sky News.
"Thậm chí có thể chúng ta còn phải có vắcxin COVID-19 hằng năm", để ứng phó với các chủng virus corona mới phát sinh, chuyên gia này cảnh báo.
Các nhà khoa học tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đang liên hệ với giới chức y tế Anh để tiếp cận dữ liệu và tìm hiểu thêm về nguy cơ gây tử vong của biến thể virus mới.
Phát biểu trên Đài CBS (Mỹ) ngày 24-1, bác sĩ Anthony Fauci - trưởng cố vấn y khoa của Tổng thống Joe Biden - cho rằng Mỹ cần mở rộng các biện pháp tầm soát gen để phát hiện các biến thể mới của virus corona.
Ông Fauci cho rằng các vắc xin COVID-19 hiện có vẫn đang phát huy tác dụng. "Những gì chúng ta đang làm và sẽ làm là sự chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta có thể cần chỉnh sửa và nâng cấp các vắcxin. Nhưng chúng ta không cần làm việc đó ngay lúc này" - ông nói.
"Cách tốt nhất để ngăn chặn sự tiến hóa thêm nữa của các biến thể là tiêm vắc xin cho càng nhiều người càng tốt, bằng những loại vắc xin hiện có" - ông Fauci nói.
Điểm nóng Thái Lan, Indonesia
Thái Lan. Ngày 25-1 chính phủ thông báo trong tháng 2 sẽ bắt đầu tiêm 50.000 liều vắcxin do AstraZeneca sản xuất cho các nhóm nguy cơ cao. Tới nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 13.687 ca bệnh và 75 người đã chết. (Reuters)
Indonesia. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati chia sẻ với Đài CNBC (Mỹ) rằng sẽ mất ít nhất một năm để đạt ngưỡng "miễn dịch cộng đồng" với COVID-19. Bà Indrawati cũng nói Chính phủ Indonesia sẽ ưu tiên chi ngân sách mua vắcxin COVID-19, cũng như hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. (CNBC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận