Các tấm pin mặt trời ở thành phố New York, Mỹ - thị trường năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới - Ảnh: AP
Cụ thể, công suất năng lượng mặt trời đã tăng 50% trong năm ngoái, phát triển nhanh nhất trong số các nguồn năng lượng mới. Điều này khiến cho các nhà khoa học đánh giá đây là một kỷ nguyên mới của thế giới.
Dẫn đầu là Trung Quốc
IEA cũng dự đoán rằng năng lượng mặt trời sẽ thống trị tăng trưởng tương lai, với công suất toàn cầu trong 5 năm tới nhiều hơn so với công suất điện của cả Ấn Độ và Nhật Bản hiện tại cộng lại.
Đến năm 2022, công suất năng lượng mặt trời dự báo sẽ chiếm tới một nửa so với công suất năng lượng từ than, đồng thời trở thành nguồn năng lượng lớn nhất trong các nguồn năng lượng tái tạo.
Thay đổi tích cực này được thúc đẩy nhờ vào việc giảm giá cũng như những chính sách hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay, đất nước này chiếm tới phân nửa số tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn thế giới.
"Điều mà chúng ta đang chứng kiến chính là sự ra đời của một kỷ nguyên năng lượng mới", Giáo sư Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, nói.
Theo đó, dự đoán về công suất năng lượng tái tạo vào năm 2022 đã tăng thêm so với báo cáo vào năm ngoái, do mức tăng thêm khoảng 1/3 ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ là một quả "bom" năng lượng mặt trời trong 5 năm tới, khi những nút thắt về cơ sở hạ tầng và thiết bị kĩ thuật được khắc phục. Khi đó, công suất năng lượng tái tạo Ấn Độ được sẽ tăng gấp đôi, vượt qua cả mức tăng trưởng của liên minh châu Âu (EU).
Thách thức từ Tổng thống Trump
Hệ thống pin mặt trời kết hợp với điện gió ở Diêm Thành, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - thị trường năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới - Ảnh: Getty Images
Theo báo cáo, Mỹ là thị trường năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh thứ hai mặc dù Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ làm sống lại ngành công nghiệp than đá của đất nước này.
Paolo Frankl, người đứng đầu lĩnh vực năng lượng tái tạo ở IEA, cho biết những khoản trợ cấp cho nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Mỹ trước nay đã làm cho những tác động từ chính sách của Tổng thống Trump với nguồn năng lượng xanh vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu có sự tính toán lại trong việc phân chia các khoản tiền trợ cấp hoặc nếu khi Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu với những tấm pin năng lượng mặt trời có nguồn gốc từ Trung Quốc.
"Còn ở Vương quốc Anh, bức tranh về năng lượng mặt trời khá phức tạp", Frankl cho biết. Theo đó, IEA dự đoán các cơ sở năng lượng xanh sẽ được xây dựng ở đất nước này trong giai đoạn 2017-2022 chỉ bằng 1/5 số lượng thiết lập trong suốt 5 năm qua.
Mặc dù số cánh đồng năng lượng mặt trời xuất hiện nhiều hơn ở Anh, động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành năng lượng nước này lại là những bãi điện gió ngoài khơi.
Rẻ hơn năng lượng hóa thạch trong 5 năm tới
Báo cáo cũng cho rằng những nguồn năng lượng tái tạo ngày càng có khả năng cạnh tranh cao về giá với nguồn hóa thạch. Điển hình, những dự án điện mặt trời và điện gió liên tục lập kỉ lục giá rẻ trong những đợt đấu thầu ở nhiều quốc gia.
"Những nguồn năng lượng mới có thể sẽ rẻ hơn các nguồn năng lượng hóa thạch trong ít nhất 5 năm tới. Tuy nhiên, hiện nay khi đầu tư vào lĩnh vực này, các nhà kinh doanh có thể vẫn gặp nhiều rủi ro về lợi nhuận", Frankl nói.
Tăng trưởng của năng lượng tái tạo có thể gấp 2 lần khí của gas và than đá cộng lại trong 5 năm tới, IEA nói.
Ngoài ra, dù đóng góp của năng lượng tái tạo trong sản lượng điện sẽ tăng từ 24% năm 2016 lên 30% trong năm 2022, than đá vẫn sẽ là nguồn lớn nhất cung cấp cho phát điện.
Cũng theo IEA, các quốc gia sẽ phải tiếp tục ban hành những chính sách linh hoạt hơn để thúc đẩy nguồn năng lượng xanh trên toàn cầu. Đây là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững cũng như bảo tồn những nguồn tài nguyên có hạn cho các thế hệ tiếp theo.
Trong báo cáo môi trường 2017 vừa công bố ngày 11-10, hãng công nghệ Google tuyên bố vào cuối năm 2017 sẽ dùng 100% (điện gió và điện mặt trời) cho toàn bộ các hoạt động của mình. Hà Lan cũng cam kết ngừng khai thác nhiệt điện vào năm 2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận