Năm 2019 sẽ đi vào lịch sử khi đây là năm đầu tiên mà phụ nữ da màu đã giành trọn các ngôi vị sắc đẹp cao nhất trong năm.
5 cô gái da màu lên ngôi
Theo báo Washington Post, chiếc vương miện Hoa hậu thế giới 2019 vừa trao cuối năm nay cho hoa hậu Jamaica, cô Toni-Ann Singh, đã khép lại một năm đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử, vương miện của cả 5 cuộc thi nhan sắc lớn nhất đã thuộc về phụ nữ da màu.
Nụ cười rạng rỡ của tân Hoa hậu hoàn vũ 2019 Zozibini Tunzi - Ảnh: Instagram Zozibini Tunz
Đó là Hoa hậu thế giới (Miss World) Toni-Ann Singh, người Jamaica; Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universe) Zozibini Tunzi, người Nam Phi; Hoa hậu Mỹ (cuộc thi Miss America), cô Nia Franklin; Hoa hậu Mỹ (cuộc thi Miss USA), cô Cheslie Kryst và Hoa hậu tuổi teen Mỹ (Miss Teen USA 2019), cô Kaliegh Garris.
Đây thực sự là một cột mốc lịch sử bởi trong suốt nhiều thập kỷ đã qua ở Mỹ, các cuộc thi sắc đẹp từng được mặc định chỉ dành cho người da trắng vì các cô gái da màu không được phép tham dự.
Mất suýt soát nửa thế kỷ để thế giới bước qua giai đoạn từ thời điểm có hoa hậu da màu đầu tiên (năm 1970) tới lúc trao tới 5 vương miện hoa hậu cho phụ nữ da màu chỉ trong cùng một năm.
Miss World 2019 Toni-Ann Singh
Trái chuối thành "hot trend"
Cũng là câu chuyện diễn ra cuối năm nhưng lại trở thành điểm nhấn đáng nhớ cho làng văn nghệ thế giới năm nay, mà tới giờ vẫn chưa tắt dư âm tranh luận.
Đó là tác phẩm nghệ thuật trái chuối chín dùng băng keo gắn lên tường của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan tại Tuần lễ nghệ thuật thường niên Miami, đã bán được 120.000 USD nhưng sau đó bị nghệ sĩ biểu diễn David Datuna "vặt" xuống... ăn.
Nghệ sĩ biểu diễn David Datuna (trái, người đã ăn quả chuối) khiến tác phẩm quả chuối dán trên tường trị giá 120.000 USD trở nên nổi tiếng hơn - Ảnh: Reuters
Câu chuyện ấn tượng này đã trở thành "hot trend" trên mạng Internet, bởi giá trị đắt tới mức "vô lý" của trái chuối dán băng keo.
Có thể có nhiều góc nhìn khác nhau khi giải mã sự kiện này, song theo bình luận của hai nhà báo Mara Siegler và Natalie O’Neil của tờ New York Post, "có một điều gì đó đã mục ruỗng trong thế giới nghệ thuật".
Triển lãm đã bán "một trái cây cũ mèm với giá cắt cổ" này cho rằng đó "không phải một chuyện đùa", mà là một sự bình luận mang ý nghĩa sâu sắc về cách mà xã hội đang gán ghép các giá trị vô lý như thế nào cho mọi thứ.
Người xem selfie bên trái chuối gần 3 tỉ
Nhiều buồn hơn vui
Năm qua, thế giới văn nghệ cũng đã chứng kiến không ít chuyện buồn.
Đầu tiên, không thể không kể tới vụ bê bối gian lận tuyển sinh đầu vào lớn nhất trong lịch sử Mỹ có liên quan một số sao Hollywood.
Vụ việc gây chấn động không chỉ với dư luận Mỹ, mà cả với dư luận thế giới bởi nó đánh vào điểm dễ gây phẫn nộ nhất: tiền bạc đã được lợi dụng để chiếm cơ hội theo cách bất công và tước đoạt ước mơ của những người vươn lên bằng thực lực.
Kế đến là những xôn xao quanh bộ phim tài liệu Leaving Neverland của đạo diễn người Anh Dan Reed, cáo buộc ông hoàng nhạc pop Michael Jackson từng lạm dụng tình dục trẻ em. Bộ phim tài liệu đã gây chia rẽ sâu sắc trong dư luận về cách ứng xử với những di sản âm nhạc của Jackson.
Michael Jackson và James “Jimmy” Safechuck - một trong những bức ảnh được đưa vào phim tài liệu Leaving Neverland - Ảnh: PINTEREST
Năm qua, người hâm mộ thế giới cũng đã rất sốc khi liên tục nhận tin dữ từ truyền thông về các trường hợp nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc tự tử.
Chỉ trong ba tháng cuối năm, hai ngôi sao nữ được yêu thích của nước này là Sulli và Goo Hara (cùng 25 tuổi) và nam diễn viên Cha In-ha (27 tuổi) đã cùng chọn cái chết để giải thoát khỏi những phiền lụy cuộc đời.
Tần suất đáng sợ của những bi kịch đã làm dấy lên rất nhiều tranh cãi về áp lực quá lớn dồn trút lên những nghệ sĩ còn trẻ hoặc quá trẻ. Những cấm kỵ, kỳ thị với bệnh tâm thần khiến nhiều người không muốn nhờ giúp đỡ khi rơi vào trầm cảm.
Goo Hara và Sulli là bạn thân
Ngày 13-12, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) phát thông báo rút bỏ lễ hội carnival thường niên ở thành phố Aalst của Bỉ khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể "vì lặp lại định kỳ các màn trình diễn phân biệt chủng tộc và bài Do Thái".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận