Người biểu tình ở thủ đô Paris của Pháp ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
Phong trào diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng mạnh mẽ nhất tại Pháp bởi nước này là nơi tiêu thụ thuốc trừ sâu nhiều thứ hai ở châu Âu và nhiều thứ ba trên thế giới.
Theo hãng tin Reuters, hàng ngàn người dân tại khoảng 40 thành phố lớn của Pháp đã tham gia cuộc tuần hành phản tập đoàn Mỹ Monsanto trong ngày 18-5.
Ở Đức, Thụy Sĩ, Nhật cũng có hàng ngàn người xuống đường trong "Ngày tuần hành thế giới chống Monsanto". Đây là cuộc tuần hành năm thứ bảy liên tiếp, được tổ chức hằng năm từ năm 2013 tại khoảng 50 quốc gia.
Tại Nhật, người biểu tình tập trung trước văn phòng của tập đoàn Bayer của Đức - vốn hoàn tất việc mua lại tập đoàn Monsanto của Mỹ vào tháng 6 năm ngoái, ở các thành phố Tokyo và Okinawa với những tấm biển in hình đầu lâu.
Phong trào cũng có sự tham dự của người dân Mỹ và các nước khối châu Mỹ trong ngày 18-5.
Hai người trẻ ở Thụy Sĩ kêu gọi mọi người "Hãy mở to mắt" trước những tai hại của thuốc trừ sâu trong cuộc biểu tình ngày 18-5 ở Basel - Ảnh: REUTERS
Nhà sản xuất này đang lưu hành loại thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có nguy cơ gây ra bệnh ung thư đối với người sử dụng.
Tại Pháp, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của các nhà môi trường và nhiều thủ lĩnh đảng phái chính trị, một tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Nhiều ứng cử viên của cuộc bầu cử này đã tuyên bố kiên quyết chấm dứt các hoạt động vận động hành lang của Monsanto tại các cơ quan đầu não châu Âu tại Brussels (Bỉ).
Họ dự định sẽ đưa việc ngừng sử dụng thuốc hóa học trừ sâu trở thành ưu tiên trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu.
Tổng thống Emmanuel Macron mới đây tuyên bố hoạt chất glyphosate sẽ bị hạn chế sử dụng ở Pháp từ năm 2020. Ông cũng không đồng tình với quyết định gia hạn Giấy phép Sử dụng glyphosate trong vòng 5 năm của Liên minh châu Âu.
Người biểu tình chống Monsanto và thuốc trừ sâu ở Quảng trường Cộng hòa, thủ đô Paris (Pháp) ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
Nhà sản xuất thuốc diệt cỏ chứa glyphosate và các thực phẩm biến đổi gen này của Mỹ hiện đang gặp nhiều bất lợi do liên tiếp thua kiện.
Ngày 13-5 vừa qua, Monsanto đã bị tòa án tại thành phố Oakland, bang California (Mỹ), yêu cầu bồi thường 2 tỉ USD cho một cặp vợ chồng ở độ tuổi 70 bị ung thư do đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này chứa glyphosate. Mức bồi thường kỷ lục này được đưa ra sau hai bản án khác tại Mỹ.
Chỉ 2 tháng trước đó, một tòa án liên bang ở San Francisco (cũng thuộc bang California) đã tuyên bố sản phẩm Roundup đã gây bệnh u lympho không Hodgkin cho một người đàn ông và phải bồi thường 80 triệu USD. Tháng 8-2018, tòa án thành phố San Francisco cũng phán quyết Roundup gây ung thư cho một người thợ làm vườn và phải bồi thường 289 triệu USD. Một thẩm phán đã giảm con số này xuống còn 78 triệu USD. Tập đoàn Monsanto đã kháng cáo cả 3 phán quyết này, nhưng vẫn phải đối mặt với 13.400 vụ kiện đang chờ xét xử ở Mỹ.
Người biểu tình yêu cầu cứu lấy loài ong và không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ của Monsanto tại TP Hamburg (Đức) ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình chống Monsanto và Bayer ở Nhật vào ngày 18-5 - Ảnh: TWITTER
Đoàn biểu tình chống Bayer và Syngenta ngày 18-5 ở Basel (Thụy Sĩ) - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình ở thành phố Bordeaux của Pháp ngày 18-5 chống tập đoàn Bayer-Monsanto - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình chống Monsanto tại TP Hamburg (Đức) ngày 18-5 với biểu ngữ chống thực phẩm biến đổi gen của Monsanto, trong đó các đầu lâu được thể hiện ở vị trí hạt bắp (ngô) - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận