Bệnh viện al-Quds hoang tàn sau loạt bom không kích - Ảnh: Reuters |
Ông Ban Ki-moon cho rằng, những cuộc không kích nhằm vào thường dân như vậy là sự vi phạm “không thể chấp nhận” các điều luật nhân quyền. Ông nói: “Chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm cho những tội ác này”.
Trong số hơn 50 người thiệt mạng vì vụ đánh bom nhằm vào bệnh viện Al-Quds vốn là nơi được tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) hỗ trợ, có các bác sĩ nhi khoa còn sót lại cuối cùng của thành phố Aleppo và 3 trẻ em.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên tham chiến “ngay lập tức thực thi trở lại cam kết của họ” trong thỏa thuận ngừng bắn đã có hiệu lực từ cuối tháng 2.
Ông cũng hối thúc các nước lớn ủng hộ quá trình hòa bình tại Syria, đặc biệt là Mỹ và Nga, để “đảm bảo việc tiến hành cuộc điều tra nghiêm túc về các vụ việc như vụ tấn công vào bệnh viện Al-Quds”.
Ông Ban Ki-moon nói: “Thay vì đánh bom các khu vực có dân thường, tất cả các bên tham chiến tại Syria phải tái tập trung vào tiến trình chính trị”.
Trong một phát biểu khác, người đứng đầu cơ quan cứu trợ LHQ, ông Stephen O’Brien, cũng kêu gọi các nước lớn khởi động lại thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt việc gây ra thảm cảnh với người dân ở Syria.
Ông O’Brien nói: “Tất cả chúng ta đều phải xấu hổ khi điều này xảy ra trong sự giám sát của chúng ta”.
5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Ai Cập, Nhật Bản, New Zealand, Tây Ban Nha và Uruguay đang soạn thảo một nghị quyết lên án các vụ tấn công nhằm vào bệnh viện ở các khu vực chiến sự, không chỉ ở Syria mà còn ở Yemen, Afghanistan và Nam Sudan.
Theo đại sứ New Zealand tại LHQ, Gerad Bohemen, dự thảo nghị quyết dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong tuần tới nhằm gửi đi “một thông điệp rất mạnh mẽ về vấn đề này”.
Hơn 270.000 người thiệt mạng tại Syria và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa kể từ khi xung đột xảy ra năm 2011.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận