Ngày 7-10, Đặc phái viên hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Trung Đông Tor Wennesland đã lên án các cuộc tấn công vào Israel. "Đây là một vực thẳm nguy hiểm và tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy rút lui khỏi bờ vực", ông cảnh báo.
Ông Wennesland cũng kêu gọi kiềm chế tối đa và yêu cầu tất cả các bên bảo vệ dân thường.
Trong khi đó, Malta đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp kín sau các cuộc tấn công vào Israel. Các nhà ngoại giao nước này cho biết cuộc họp có thể được lên kế hoạch vào ngày 8-10.
Mỹ và đồng minh bảo vệ Israel
Theo Đài CNN, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết Mỹ "lên án dứt khoát" các cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas nhằm vào thường dân Israel và kiên quyết đứng về phía chính phủ cùng người dân Israel.
Cũng theo người phát ngôn này, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã nói chuyện với người đồng cấp Israel, ông Tzachi Hanegbi, và sẽ giữ liên lạc chặt chẽ.
Ngày 7-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng Israel "có những gì họ cần để tự vệ".
"Trong những ngày tới, Bộ Quốc phòng sẽ làm việc để đảm bảo rằng Israel có những gì cần thiết để tự vệ và bảo vệ dân thường khỏi bạo lực bừa bãi và khủng bố", ông Austin nói.
Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án "cuộc tấn công khủng bố" nhằm vào Israel, đồng thời nhấn mạnh quyền tự vệ của nước này là "không thể nghi ngờ".
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa, cũng như các cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas và các nhóm vũ trang Palestine khác vào lãnh thổ Israel.
Bộ này cho biết Nhật Bản kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa để ngăn chặn thiệt hại thêm.
Nhiều nước Trung Đông ủng hộ Palestine
Bộ Ngoại giao Iran cho biết các cuộc tấn công của Hamas ngày 7-10 là bằng chứng cho thấy người Palestine ngày càng tự tin trước Israel, hãng thông tấn bán chính thức của Iran ISNA đưa tin.
Theo ISNA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói: "Trong hoạt động này, yếu tố bất ngờ và các phương pháp kết hợp khác đã được sử dụng, cho thấy sự tự tin của người dân Palestine khi đối mặt với những kẻ chiếm đóng".
Tương tự, người phát ngôn chính thức của Chính phủ Iraq cho biết động thái của Palestine là kết quả tự nhiên của nhiều thập kỷ "áp bức có hệ thống" của Israel.
Người phát ngôn của Iraq cũng cảnh báo xung đột sẽ leo thang ở các vùng lãnh thổ của Palestine, điều mà họ cho rằng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.
Kuwait cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về những diễn biến giữa Israel và Palestine, đồng thời đổ lỗi cho Israel về "các cuộc tấn công trắng trợn".
Bộ Ngoại giao Kuwait kêu gọi cộng đồng quốc tế "chấm dứt các hành vi chiếm đóng mang tính khiêu khích" và "chính sách mở rộng các khu định cư".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng chỉ một mình Israel phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang bạo lực đang diễn ra với người dân Palestine.
Qatar kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn Israel sử dụng những sự kiện này như cái cớ để phát động một cuộc chiến không cân xứng chống lại thường dân Palestine ở Gaza.
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã kêu gọi Israel và Palestine hôm thứ bảy ngăn chặn bạo lực tiếp theo và đảm bảo an toàn cho dân thường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ mối quan ngại sâu sắc nhất của Matxcơva trước sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột Israel - Palestine.
"Chúng tôi kêu gọi các bên Palestine và Israel thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức, từ bỏ bạo lực, thực hiện các biện pháp kiềm chế cần thiết và thiết lập, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, một tiến trình đàm phán nhằm thiết lập một nền hòa bình toàn diện, lâu dài", bà Zakharova nói.
Nga đang liên lạc với Israel, Palestine và các nước Ả Rập về xung đột bùng phát mới đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận