Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho hành khách chuẩn bị bay từ thành phố Johannesburg (Nam Phi) đến London (Anh) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Nam Phi cho biết họ đang "bị trừng phạt" bởi năng lực phát hiện các biến thể mới từ sớm của chính mình, giữa bối cảnh các lệnh cấm đi lại và giới hạn mới vì biến thể Omicron đe dọa nền kinh tế.
Quốc gia này đã bị nhiều nước trên thế giới gần như cô lập vì phát hiện biến thể Omicron.
Bộ Hợp tác và quan hệ quốc tế Nam Phi tuyên bố: "Đợt cấm đi lại mới nhất này giống như trừng phạt Nam Phi vì trình độ phát hiện trình tự gene tiên tiến và khả năng phát hiện các biến thể mới nhanh hơn".
"Khoa học xuất sắc nên được hoan nghênh chứ không phải bị trừng phạt", cơ quan trên nhấn mạnh.
Nam Phi sở hữu nhiều chuyên gia dịch tễ học hàng đầu thế giới. Những nhà khoa học này đã sớm phát hiện sự trỗi dậy của nhiều loại biến thể và các đột biến của chúng từ khi mới hình thành.
Biến thể Omicron đã được phát hiện ở Nam Phi, Botswana, Bỉ, Hong Kong, và Israel.
Hôm 24-11, các nhà khoa học Anh đã cảnh báo về sự xuất hiện của biến thể Omicron với số lượng đột biến cao lên tới 32 đột biến trong protein gai.
Trong ngày 27-11, các nước tiếp tục nỗ lực truy vết biến thể này và siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Một người dân tại Schiphol (Hà Lan) đăng ký xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các quan chức cân nhắc những kế hoạch nới lỏng giới hạn đi lại hiện nay, giữa lúc những lo ngại về Omicron đang tăng lên.
Ấn Độ - quốc gia đứng thứ 2 thế giới về việc chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 - chỉ mới quyết định khôi phục các chuyến bay quốc tế với những nước thuộc diện “có nguy cơ” từ hôm 26-11.
Chủ tịch Andean Ivan Duque của Colombia thì thông báo quốc gia của ông sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế đến ngày 28-2 do sự xuất hiện của Omicron.
Tại châu Âu, Đức phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron mới ở tiểu bang Bavaria và 1 ca nghi nhiễm khác ở phía tây nước này. Theo cơ quan y tế địa phương, hai ca nhiễm mới nhập cảnh vào Đức tại sân bay Munich từ hôm 24-11, trước khi Nam Phi bị xác định là khu vực có biến thể mới của COVID-19 và cô lập.
Trong khi đó, Anh đã công bố nhiều biện pháp mới nhằm hạn chế tốc độ lây lan của Omicron. Lãnh đạo y tế hàng đầu của quốc gia này thừa nhận “có khả năng” các loại vắc xin sẽ kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người dân trước biến thể này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo tất cả những cá nhân đến từ nước khác sẽ buộc phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Ông cũng nhấn mạnh rằng người dân cần đeo khẩu trang khi đi mua sắm và đây là thời điểm để xúc tiến việc tiêm vắc xin mũi thứ 3.
Cơ quan y tế tại Hà Lan thông báo đã phát hiện 61 ca COVID-19 mới trong số những người trở về từ Nam Phi. Họ cho rằng ít nhất có vài ca đã nhiễm biến thể Omicron.
Những trường hợp này nằm trong số 624 hành khách thuộc 2 chuyến bay đáp xuống sân bay Schiphol thuộc thành phố Amsterdam từ ngày 26-11, trước khi Chính phủ Hà Lan áp lệnh giới hạn chuyến bay đến từ Nam Phi.
Biến thể Omicron mới đang gây lo ngại trên toàn thế giới do số lượng đột biến cao. Các chuyên gia cho rằng đặc điểm này có thể giúp nó lây lan hoặc thậm chí trốn tránh các kháng thể.
Tin tức về biến thể trên đã khiến các quốc gia công bố các hạn chế đi lại mới từ ngày 26-11. Các nhà sản xuất thuốc hiện cũng đang cố gắng xem xét liệu vắc xin COVID-19 của họ có còn bảo vệ được người dân trước biến thể này hay không.
Ngày 26-11, Hãng dược BioNTech cho biết họ hy vọng sẽ có thêm dữ liệu về Omicron trong vòng hai tuần sắp tới để xác định tính hiệu quả của vắc xin. Cả hai hãng dược Pfizer và BioNTech cho biết họ nhắm có thể xuất xưởng một loại vắc xin mới phù hợp với biến thể này trong vòng 100 ngày, nếu cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận