30/11/2024 12:26 GMT+7

Thế giới loay hoay với chất độc hại từ rác thải nhựa

Các nhà khoa học khí hậu ước tính trung bình nhân loại thải ra hơn 350 triệu tấn nhựa mỗi năm. Trong số đó, chỉ dưới 10% được tái chế.

Thế giới loay hoay với chất độc hại từ nhựa - Ảnh 1.

Cô bé cùng chú chó ngồi giữa bãi rác đầy rác thải nhựa ở Rodriguez, tỉnh Rizal (Philippines) ngày 28-11 - Ảnh: Reuters

Ngày 25-11, các đại biểu từ hơn 175 quốc gia đã tập trung tại thành phố biển Busan, Hàn Quốc để tham gia vòng đàm phán thứ 5 nhằm đạt được một hiệp ước quốc tế, trong đó đặt mục tiêu chấm dứt rác thải nhựa vào năm 2040.

Đến ngày 28-11, các nhà đàm phán cho biết họ đang làm việc "liên tục không ngừng nghỉ" để đi đến một thỏa thuận thống nhất, mặc dù quá trình thảo luận này được dự đoán vẫn còn nhiều khó khăn.

Ai cũng có thể bị phơi nhiễm

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán quốc tế đang được tổ chức trong tuần này tại Hàn Quốc, 12 quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc đã hoàn thành thử nghiệm đeo những chiếc vòng tay có khả năng đo mức độ tiếp xúc của họ với các hóa chất độc hại trong không khí.

Đây là những chiếc vòng được làm từ silicone có thể uốn cong, với những lỗ nhỏ có kích thước tương tự tế bào trong cơ thể. Chất liệu này mô phỏng cách cơ thể con người hấp thụ các loại hóa chất trong môi trường.

Sau một thời gian đeo, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu nghiên cứu những loại hóa chất trong chiếc vòng, từ đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những chất gây hại mà con người có thể vô tình dính phải trong sinh hoạt thường ngày.

Dự án đặc biệt này được khởi xướng bởi Mạng lưới xóa bỏ chất độc quốc tế (IPEN) - một mạng lưới toàn cầu bao gồm nhiều tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh để hướng tới quy định cứng rắn hơn đối với hóa chất, với sự tham gia của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo tờ New York Times.

Kết quả công bố ngày 28-11 ghi nhận các quan chức Liên Hiệp Quốc đã tiếp xúc với hơn 30 hóa chất khác nhau, cho thấy chính những người đàm phán hiệp ước cũng dễ bị tổn thương trước những hóa chất gây hại.

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu đã xác định được 34 loại hóa chất khác nhau trong chiếc vòng tay của ông Marcos A.Orellana - báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về hóa chất và nhân quyền. Trong đó có phthalates (loại hóa chất có tác dụng tạo độ dẻo cho nhựa) và chất ổn định tia UV (loại hóa chất được thêm vào một số vật liệu để bảo vệ chúng khỏi bức xạ tia cực tím).

Nhà khoa học môi trường Sara Brosché tại IPEN nhận định: "Những đại biểu ngồi trong các phòng hội nghị thường rất dễ tách rời khỏi thực tế. Nhưng tất cả mọi người đều có khả năng bị phơi nhiễm".

Tuy nhiên cách thế giới giải quyết các hóa chất có trong nhựa đã trở thành điểm tranh cãi lớn trong các cuộc đàm phán về hiệp ước toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa, vốn đang bị trì trệ do bất đồng về thủ tục, cũng như những quan điểm trái chiều xoay quanh việc có nên hạn chế sản xuất nhựa hay không.

Vô vàn tranh cãi

Vòng đàm phán lần này tại Busan được cho là vòng đàm phán cuối cùng, sau vòng đàm phán không thành công trước đó ở thủ đô Ottawa (Canada). Tuy nhiên những bất đồng kéo dài đã đặt ra mối nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng, theo Hãng tin Reuters.

Dẫn đầu bởi Na Uy và Rwanda, 66 quốc gia cùng Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ muốn giải quyết triệt để vấn đề nhựa trên toàn cầu bằng cách kiểm soát khâu thiết kế, sản xuất, tiêu thụ và tất cả những gì diễn ra trong suốt vòng đời của loại vật liệu này. Điều này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các quốc gia sản xuất nhựa và khai thác dầu khí như Saudi Arabia.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cần thành lập một cơ quan khoa học để xác định danh sách những loại hóa chất đáng lo ngại và Brazil tiếp tục đề xuất các tiêu chí cụ thể để đánh giá các hóa chất này. Thế nhưng Canada, Georgia, Ghana và một số quốc gia khác lại thúc đẩy các nghĩa vụ mang tính ràng buộc nhằm loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại ra khỏi nhựa.

Do đó các nhà đàm phán sẽ phải quyết định xem hiệp ước có nên quy định về vấn đề giảm hoặc loại bỏ nhựa dùng một lần hay không. Ngoài ra họ cần phải xem xét đến việc có nên dừng sử dụng các hóa chất nguy hiểm có trong nhựa hay không, và quy định dừng (nếu có) sẽ mang tính bắt buộc hay chỉ đơn giản là khuyến khích. Tất cả những điều này phải được xem xét một cách nghiêm túc nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người.

Mặt khác ngành công nghiệp hóa chất lại lập luận rằng các quốc gia nên thiết lập một hiệp ước tập trung vào biện pháp tái chế, thay vì hạn chế sản xuất nhựa hoặc các hóa chất độc hại. Giáo sư Kim A.Anderson về độc học tại Đại học Oregon State, người đi đầu trong các thí nghiệm sử dụng vòng tay silicone để đo hóa chất, lưu ý rằng "không phải tất cả các hóa chất độc hại đều xuất phát từ nhựa".

Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia cùng đồng thuận. Họ muốn thiết lập một số điều khoản trong hiệp ước liên quan đến việc tái thiết kế các sản phẩm nhựa để chúng có khả năng tái chế và tái sử dụng, cũng như nâng cao khâu quản lý rác thải nhựa. Các nước muốn tăng tỉ lệ tái chế, đồng thời giúp nghề thu gom rác trở thành một công việc an toàn hơn.

350 triệu tấn rác thải nhựa

Các nhà khoa học khí hậu ước tính trung bình nhân loại thải ra hơn 350 triệu tấn nhựa mỗi năm. Trong số đó, chỉ dưới 10% được tái chế và hơn 20% bị vứt ra ngoài môi trường để đi vào hệ sinh thái tự nhiên.

Dựa trên một nghiên cứu của nhà khoa học môi trường Samuel Pottinger công bố vào đêm trước ngày đàm phán tại Busan, lượng tiêu thụ nhựa toàn cầu đạt 547 triệu tấn trong năm 2020, trong đó 86% là nhựa nguyên sinh và 14% là nhựa tái chế.

Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, lượng tiêu thụ nhựa sẽ tăng lên 749 triệu tấn vào năm 2050.

Thế giới loay hoay với chất độc hại từ nhựa - Ảnh 2.Phát hiện đáng lo ngại: Vi nhựa làm biến đổi thời tiết

Nghiên cứu mới phát hiện vi nhựa có thể ảnh hưởng đến lượng mưa, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu và thậm chí gây nguy hiểm cho máy bay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp