"Các nhân vật ủng hộ dự án xây dựng đường sắt cao tốc của Hàn Quốc đã đúng khi cho rằng nguồn tài nguyên quý giá và luôn thiếu thốn nhất đối với con người chúng ta chính là thời gian. Vì vậy, tốc độ đoàn tàu giúp tiết kiệm thời gian chính là mang lại lợi ích kinh tế".
Đó là phát biểu của giám đốc Trung tâm giao thông đường sắt thuộc Viện Nghiên cứu giao thông vận tải Hàn Quốc, ông Choi Jin-suk, về tuyến đường sắt Gyeongbu đầu tiên từ Seoul đi Busan thông tuyến năm 2004.
Con đường hiện đại thời điểm ấy đã chính thức đưa Hàn Quốc gia nhập câu lạc bộ năm quốc gia trên thế giới có đoàn tàu cao tốc gồm Nhật, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Hàn Quốc.
Những tranh luận trái chiều
Ngày nay dù qua thập niên thứ ba của thế kỷ 21 và thế giới có những tuyến đường sắt cao tốc đã đến hàng tuổi "lão" vận hành ngót nghét 60 năm như cung đường chạy tàu Shinkansen của Nhật Bản, nhưng hầu như quốc gia nào toan tính xây dựng hệ thống giao thông hiện đại này vẫn phải sa vào những cuộc tranh luận dằng dặc nên - không nên, lời - lỗ ra sao và nếu quyết định làm thì sẽ làm thế nào.
Người dân, báo chí, các nhà kinh tế, chuyên gia khoa học, quốc hội, quan chức chính phủ đều có những luồng tranh luận trái chiều nhau.
Luồng ý kiến phản biện thường tập trung vào ba vấn đề chính như bài toán khó khi làm đường sắt cao tốc: 1/ phải đầu tư vốn quá lớn, 2/ thời gian làm kéo dài nhiều năm, 3/ khả năng thu lợi nhuận trên vốn đầu tư rất chậm như nhiều tuyến đường ở Trung Quốc, thậm chí Nhật đến nay vẫn bị lỗ nặng vì ít hành khách.
Ngoài ra việc tính toán làm đường sắt cao tốc ở một số quốc gia đang phát triển còn bị phản biện thêm các vấn đề có thể mắc phải như "sa bẫy" nợ quốc tế, mất cân đối trong việc xây dựng các hệ thống giao thông khác khi nguồn đầu tư có hạn, năng lực quản trị công chưa đủ để làm tốt và đặc biệt là nạn tham nhũng xà xẻo dự án.
Trong từng nội dung này, phe e ngại đường sắt cao tốc đều có dẫn chứng cụ thể, dù đó là những nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản đều ít nhiều cũng mắc phải.
Tuy nhiên, phe ủng hộ (thường chiếm đa số) cũng đưa ra nhiều lập luận thuyết phục về việc cần làm con đường hiện đại cho phép đoàn tàu đạt đến tốc độ cao, góp phần quan trọng chắp thêm đôi cánh cho quốc gia bước vào kỷ nguyên phát triển.
Trong đó, quan điểm cốt lõi bao trùm chính là phát biểu của ông Choi Jin-suk: "Tài nguyên quý giá và luôn thiếu thốn nhất đối với con người chúng ta chính là thời gian".
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Bảy thập niên đã qua kể từ khi đoàn tàu Shinkansen, Nhật Bản lao vun vút với vận tốc 300km/h trên đường ray, phương tiện giao thông hiện đại này ở những quốc gia đã có đều cho thấy giá trị huyết mạch để lưu thông hành khách và hàng hóa một cách nhanh chóng qua những cung đường xa.
Các phương tiện truyền thống khác khó kham nổi dù là ô tô chạy trên đường cao tốc (vẫn kém xa đoàn tàu cao tốc về tốc độ và lượng chuyên chở) hay máy bay vốn không thể chở được nhiều hành khách và hàng hóa.
Đó chính là giá trị hàng đầu của đường sắt cao tốc: góp phần hữu hiệu giảm tải cho các phương tiện giao thông khác, giảm bớt được tình trạng kẹt đường mà rất nhiều quốc gia dù đang phát triển hay đã phát triển cũng đều mắc phải.
Điều này là rất rõ ràng khi đoàn tàu cao tốc chạy trên diện tích đường sắt nhỏ hơn lại chở được nhiều hành khách hơn với thời gian ngắn hơn. Thêm nữa, dù đã xuất hiện vài tai nạn thảm khốc nhưng xét trên lượng hành khách khổng lồ chuyên chở thì đoàn tàu cao tốc vẫn là phương tiện giao thông rất an toàn và tiện lợi.
Trong ngành logistics, tốc độ cao của đoàn tàu khổng lồ sẽ đưa nguyên liệu đến nhà máy sản xuất nhanh hơn và cũng nhanh chóng giúp hàng hóa gia nhập thị trường, điều này cũng hoàn toàn đúng với việc di chuyển của nhân lực lao động.
Tốc độ trên con đường giúp tốc độ vòng quay hàng hóa, cung - cầu trên thị trường nhanh chóng gặp nhau để thúc đẩy kinh tế phát triển. Hơn nữa, nó cũng góp phần kết nối và mở rộng thị trường trong nước ra khu vực và thế giới như kinh nghiệm nhiều nước đã cho thấy. Tương lai một quốc gia không thể là mắt xích bị đứt đoạn, tụt hậu trên hành trình xuyên biên giới này.
Đặc biệt, ngay từ lúc mới vận hành ở Nhật giữa thập niên 1960, đoàn tàu cao tốc đã cho thấy sự giảm thiểu phát thải ô nhiễm so với các phương tiện giao thông khác (nếu tính trên khối lượng chuyên chở). Công nghệ ngày càng hiện đại, vấn đề phát thải ô nhiễm từ các đoàn tàu cao tốc cũng ngày càng được cải thiện dù là trực tiếp hay gián tiếp từ nhà máy cung cấp điện.
Ngoài ra, công nghệ làm đường sắt tốc độ cao phát triển cũng góp phần thúc đẩy công nghệ - kỹ thuật của quốc gia phát triển theo. Kinh nghiệm các nước cho thấy điều này rất rõ. Hàn Quốc học hỏi hệ thống công nghệ làm đường và tàu cao tốc của Pháp.
Trung Quốc chọn cả bốn nước Nhật, Pháp, Đức, Canada làm đối tác. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều tự chủ được công nghệ - kỹ thuật đường sắt cao tốc hiện đại của riêng mình.
Dù đi sau Nhật, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, cả hai quốc gia châu Á đều xuất khẩu được công nghệ - kỹ thuật này sang nước có nhu cầu. Chất lượng sản phẩm của họ không hề thua kém, thậm chí có những mặt vượt trội, trong khi luôn có lợi thế về giá cả cạnh tranh. Đặc biệt thêm nữa, có công nghệ - kỹ thuật đường sắt tốc độ cao làm trục cốt lõi, nhiều ngành nghề khác cũng sẽ phát triển theo như luyện kim, xây dựng, hệ thống tự động hóa, sản xuất thiết bị điện và viễn thông...
Tất nhiên, một ngành kinh doanh thời hiện đại cũng sẽ thêm điều kiện phát triển mạnh mẽ khi có phương tiện giao thông nhanh chóng, chính là du lịch. Các nước khi bỏ ra vô số tiền bạc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao đều lấy bùng nổ du lịch làm một trong những mục tiêu hàng đầu.
Không phải máy bay mà chính những đoàn tàu khổng lồ, tiện lợi chạy trên đường ray với vận tốc nhanh gấp 3-4 lần vận tốc lưu thông của ô tô đã làm xuất hiện khái niệm "du lịch trong ngày".
Những đoàn tàu nhanh đã kích thích du khách đeo ba lô ra đi và tất nhiên là kèm theo tiêu tiền. Rồi chuỗi xúc tác kinh tế cũng được kích hoạt, khi ngành du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác cùng hưởng lợi, phát triển.
Du lịch bùng nổ
Tổ chức Du lịch Hàn Quốc đã cho biết con số cụ thể sau khi có KTX (Korea Train eXpress) từ Seoul đi Busan năm 2004, lượng du khách qua cung đường này đã tăng 25% ngay trong năm sau đó và mỗi năm đều tiếp tục tăng. Kết quả hưởng lợi của ngành kinh tế du lịch khi đoàn tàu cao tốc 300km/h đã rút ngắn thời gian du khách đi từ Seoul đến Busan chỉ còn 2 giờ, trong khi trước đó họ phải mất 5 giờ.
Người Hàn Quốc có thể du lịch trong ngày, sáng họ ngủ dậy ở Seoul, vui chơi và tiêu tiền ở Busan, đêm lại về ngủ trong căn hộ quen thuộc của mình ở Seoul.
Ngoài ra, chính con đường sắt nhanh chóng, tiện lợi và an toàn này còn làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển hạ tầng giao thông và các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế vệ tinh quanh trục nó đi qua.
Một khảo sát từ Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy giai đoạn 2004-2014, tổng đầu tư đã tăng khoảng 50% vào bất động sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ ở các khu vực xung quanh nhà ga trên trục đường sắt cao tốc Seoul - Busan.
Nhờ đó, các trung tâm kinh tế và công nghiệp mới của Hàn Quốc đã xuất hiện thêm, thay vì chỉ tập trung ở Busan hay Seoul như trước, góp phần cơ cấu lại bản đồ hạ tầng kinh tế, giảm sự quá tải ở các đô thị cũ...
Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cũng xuất bản một báo cáo cho thấy tỉ lệ dân số sống tại các thành phố vệ tinh quanh ga KTX đã tăng trung bình 7% mỗi năm trong giai đoạn 2005-2015 (sau khi có đường sắt cao tốc), còn tỉ lệ này tại các thành phố không có KTX chỉ tăng 2%.
Nhờ đoàn tàu nhanh, người dân có thêm nhiều cơ hội học hành, tìm kiếm việc làm, kể cả chăm sóc y tế ở nơi xa hơn chứ không chỉ quanh quẩn gần nơi mình ở.
Tiện lợi này cũng góp phần làm tăng năng suất người lao động như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế đã báo cáo sự phát triển giao thông hiệu quả đã giúp Hàn Quốc nâng năng suất lao động trung bình từ 2,3%/năm trong giai đoạn 2004-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận