Những chiếc xe tăng hoạt động tại căn cứ không quân Al-Anad, Yemen - Ảnh: AFP
Đài DW của Đức dẫn thông tin vừa được công bố trong báo cáo nghiên cứu về tình hình buôn bán vũ khí trên toàn thế giới của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Theo đó, lần đầu tiên sau 5 năm, hoạt động buôn bán đạn dược, xe tăng, máy bay không người lái và nhiều vũ khí, khí tài quân sự khác đã tăng trở lại trong năm 2016.
Mỹ sản xuất hơn 50% vũ khí toàn cầu
Doanh số mua bán vũ khí toàn cầu năm 2016 tăng 1,9% so với năm 2015, và tăng 38% so với năm 2002.
Theo SIPRI, trong năm 2016 tính về doanh số, 100 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã bán được các loại vũ khí và hệ thống vũ khí với tổng giá trị 374,8 tỉ USD.
Đáng chú ý nhất là ở Mỹ, các tập đoàn sản xuất vũ khí tại quốc gia này đang sản xuất và bán ra nhiều vũ khí hơn cả.
Theo báo cáo của SIPRI, doanh số bán vũ khí của các công ty Mỹ tăng 4% trong năm 2016, đạt tổng cộng 217,2 tỉ USD.
Điều này không phải chỉ vì nguyên nhân quân đội Mỹ tăng cường điều động vũ khí ra nước ngoài, mà còn vì lượng mua vũ khí Mỹ từ các nước khác cũng tăng lên thời gian qua.
Có thể thấy rõ điều này qua ví dụ của tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới của Mỹ là Lockheed Martin. Mặc dù khách hàng lớn nhất của họ là Không quân Mỹ, tuy nhiên năm 2016 Lockheed Martin cũng kiếm bộn tiền từ việc bán các loại máy bay chiến đấu F-35 cho các nước như Anh, Ý hay Na Uy.
Các đại gia vũ khí như Lockheed Martin chiếm thế đa số trong top 100 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới thuộc đối tượng nghiên cứu của SIPRI.
Một lần nữa báo cáo cung cấp những dữ liệu cho thấy rõ ràng phần lớn vũ khí sử dụng trên thế giới hiện nay có nguồn gốc từ các công ty Mỹ. Sản phẩm của họ chiếm tới 57,9% tổng doanh số bán vũ khí toàn cầu.
Các doanh nghiệp vũ khí ở Tây Âu chiếm vị trí thứ 2 về lượng cung cấp vũ khí và tiếp theo đó là Nga với 7,1% doanh số bán vũ khí trên toàn thế giới.
Thiếu dữ liệu về vũ khí Trung Quốc
Cũng từ báo cáo của SIPRI, người ta biết Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ hoạt động tự trang bị vũ khí trong nước.
Năm 2016, các công ty sản xuất vũ khí nước này tăng doanh số bán 20,6% với nguồn thu chủ yếu từ việc bán sản phẩm cho chính Bộ quốc phòng nước này.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rõ ràng là nguyên nhân dễ hiểu của việc chính phủ Hàn Quốc chi "bạo" tay hơn cho vũ khí.
Một thông tin nữa đáng chú ý từ báo cáo của SIPRI là các chuyên gia nghiên cứu của tổ chức này cho rằng Trung Quốc cũng có thể là quốc gia sản xuất vũ khí hàng đầu.
Tuy nhiên lý do nước này không xuất hiện trong báo cáo của họ là vì SIPRI không có được nguồn dữ liệu tin cậy về hoạt động buôn bán vũ khí của Trung Quốc.
Chuyên gia Aude Fleurant vẫn khẳng định: "Chúng tôi cho rằng các tập đoàn sản xuất vũ khí của Trung Quốc sẽ thuộc nhóm 20 nhà thầu vũ khí lớn nhất thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận