Nguyễn Thế Vinh trong chương trình Siêu trí tuệ - Ảnh: BTC
Dùng mắt quan sát đôi tay của nghệ sĩ chơi piano, không nghe âm thanh tiếng đàn, chỉ trong vài giây Vinh có thể đoán người đó đang chơi bản nhạc gì.
Mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng thiên bẩm khác nhau. Điều quan trọng là bố mẹ phải tìm ra điều gì phù hợp với khả năng của con mình nhất. Chúng tôi hạnh phúc khi tìm ra được khả năng của Vinh, cho con được làm những gì con đam mê, yêu thích.
Mẹ của Nguyễn Thế Vinh
Cha mẹ Vinh không biết con có năng khiếu âm nhạc cho đến khi mua đàn organ cho chị gái Vinh (hơn Vinh 7 tuổi). Chỉ nghe lỏm thôi mà Vinh nhanh chóng biết chơi.
Đến 5 tuổi, Vinh bắt đầu học đàn piano, cô giáo rất ngạc nhiên vì để phối hợp được tay trái và tay phải, người chơi piano cần nhiều thời gian để luyện, trong khi Vinh chưa được học mà tay trái đã tự đánh được hợp âm.
Bộ não của Vinh là cả một thế giới bí ẩn. Để đến giờ khi nhìn con tự tin xuất hiện trong chương trình Siêu trí tuệ, cha mẹ Vinh đều xúc động nghẹn lời.
Trích: Tóc Tiên thảng thốt với phần thi cảm âm bằng thị giác của Nguyễn Thế Vinh - Video: SIÊU TRÍ TUỆ
"Cuộc chiến" vào lớp 1
Như ông Nguyễn Thế Quang - cha Vinh - đã chia sẻ trong Siêu trí tuệ, Vinh (cậu bé sinh năm 2000) không câm, không điếc nhưng đến hai tuổi rưỡi Vinh không nói nữa. Các bác sĩ nhận định Vinh sau này "tự phục vụ được bản thân đã là may". Kể từ đó, cuộc sống của cả nhà chỉ xoay quanh việc làm sao để "thủ trưởng" Vinh giao tiếp bình thường.
Cha Vinh đã hi sinh sự nghiệp để có thời gian chăm sóc con. Việc học tập nâng cao chuyên môn của mẹ Vinh liên tục gián đoạn. Chị gái cũng phụ kèm cặp em. Có những ngày cha Vinh phải đi về 8 bận đưa đón hai con. "Chúng tôi phân công nhau, anh ấy dành nhiều thời gian chăm con vì Vinh rất nghe bố, còn tôi lo kinh tế cho gia đình", bà Nguyễn Thị Anh Thư, mẹ của Vinh, chia sẻ.
Khoảng thời gian áp lực nhất là trước khi Vinh vào lớp 1, cả gia đình đã lao vào "cuộc chiến" giáo dục Vinh. Một tuần có 9 thầy cô thay phiên nhau đến dạy Vinh, cứ một cô hỏi, một cô trả lời để Vinh học cách giao tiếp thông thường. Mỗi lần cha đưa Vinh đi học về là mẹ và chị lại chạy ra nói: "Con chào bố", và cha trả lời lại: "Bố chào Vinh". Đó là cách gia đình tạo đường mòn trí nhớ cho Vinh.
Vinh rất ghét những thầy cô hay quát tháo, nếu bị quát hôm sau cậu nhất định không chịu đi học. Cha mẹ phải dùng nhiều biện pháp, từ cứng rắn đến mềm dẻo, để giáo dục Vinh.
Chính họ cũng phải thích nghi với hệ thống giáo dục vốn không phải lúc nào cũng sẵn sàng với những đứa trẻ đặc biệt. Vinh từng bị nhiều trường từ chối nhưng cuộc đời Vinh may mắn vì vẫn có nhiều ngôi trường, nhiều thầy cô tốt dang rộng vòng tay với cậu.
Khi Vinh vào lớp 1, cha ghi trong nhật ký: "Hôm nay là ngày trọng đại… Thế là Vinh đã bắt đầu đi học, con đường của Vinh còn rất dài. Cầu mong cho con trai tiến bước được thuận buồm xuôi gió". Cuối năm lớp 1, cả nhà hỉ hả khi Vinh được 10 toán, chỉ có môn tiếng Việt vẫn còn hơi yếu.
Âm nhạc đưa Vinh bước ra thế giới
Ông Quang không bao giờ quên lần đưa con trai đi xem concours ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Vinh chăm chú xem tới mức gần như quên hết mọi sự xung quanh. Những ngón tay nhỏ bé của cậu vô thức gõ lên phần nỉ bọc ở chỗ ngồi khiến bụi bay lơ lửng.
Còn lần vào Nhà hát lớn (Hà Nội) xem nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chơi piano, giờ nghỉ giải lao cha nói thế nào Vinh cũng không chịu ra ngoài, quyết ngồi đợi hết chương trình mới chịu rời ghế.
Sau nhiều năm cho Vinh học piano, gia đình biết đã đến lúc cho Vinh vào Học viện Âm nhạc quốc gia. Vinh vào học viện từ năm cấp hai, hồn nhiên vô tư như cá trở về với nước. Còn cha mẹ cậu, những người cậu vẫn trêu "một nốt nhạc bẻ đôi không biết", lòng đầy lo lắng, bởi thế giới âm nhạc cổ điển vô cùng khắc nghiệt và đắt đỏ.
Làm ra bao nhiêu tiền hai vợ chồng đều dồn vào việc học hành của hai con. Rất may, chị gái của Vinh học giỏi, đỗ Trường Amsterdam (Hà Nội) và sau này có học bổng du học và định cư ở Mỹ.
Từ năm 2010, Vinh liên tục gặt hái giải thưởng trong nước và quốc tế, liên tục nhận được những lời mời tham dự các cuộc thi quốc tế. Chi phí đi thi tốn kém nên mỗi lần đưa con đi thi ở nước ngoài, mẹ Vinh mang theo chiếc nồi cơm điện.
Đến nơi, chị ra siêu thị mua gạo, rau, thịt về nấu (nấu lần lượt các món trong nồi cơm điện). Tháng 8-2017, Vinh đoạt giải trình diễn tác phẩm lãng mạn hay nhất tại trại hè của Đại học Minnesota, bang Minnesota, Mỹ. Sau đó, cậu được Trường Shattuck-St. Mary’s School (Mỹ) cấp học bổng toàn phần 3 năm theo dự án âm nhạc của trường.
Đã có lúc cha mẹ Vinh tự nhủ không biết quyết định cho con đi học nhạc có phải là lựa chọn sai hay không? Nhưng niềm đam mê âm nhạc của Vinh cho họ biết họ đã đi đúng đường.
"Tôi còn nhớ ngày Vinh ra đời, chị gái Vinh đã điền vào phiếu cân nặng sức khỏe: Vinh nặng 3,2kg. Ước muốn của cha mẹ là lớn lên Vinh sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đến bây giờ, ước muốn này mới trở thành hiện thực", mẹ Vinh bồi hồi khi nhớ lại.
Từ cậu bé mà bác sĩ nói "lớn lên biết tự phục vụ mình là may", nay Vinh đã có thể tự bay đi các nước tham dự các cuộc thi quốc tế mà không cần cha mẹ đi cùng. Tháng 5-2020, Vinh sẽ tốt nghiệp lớp 12 bên Mỹ, con đường phía trước còn rất dài và cha mẹ Vinh nói họ tôn trọng nguyện vọng của con.
Bảng vàng thành tích
Huy chương vàng cuộc thi Asia International Piano Academy Festival and Competition (2010), giải nhì và giải Người chơi nhạc cổ điển hay nhất tại cuộc thi Piano quốc tế lần thứ 2 tại Hà Nội, giải nhì concerto category bảng A trong cuộc thi Piano ASEAN quốc tế lần thứ 5 tại Malaysia (2012), giải nhì cuộc thi Tài năng trẻ Steinway Việt Nam (2014), giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ Steinway lần thứ 3 tại Việt Nam (2016), giải Trình diễn tác phẩm lãng mạn hay nhất tại trại hè của Đại học Minnesota, Mỹ (2017).
Nguyễn Thế Vinh đã đạt danh hiệu Nghệ sĩ nổi bật của năm trong cuộc thi Minnesota Varsity của Đài phát thanh công cộng bang Minnesota, Mỹ tổ chức vào tháng 5-2018.
Vinh còn tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình từ thiện ở Việt Nam như Khăn ấm cho em, Nhà chống lũ, Vì cộng đồng nghệ thuật Tây Bắc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận