Sự thiếu hụt này gây nên tình trạng mức đường huyết trong máu cao, trong khi tế bào lại không có glucose để chuyển hóa thành năng lượng giúp cho tế bào hoạt động, người ta còn gọi hiện tượng này là "tế bào chết đói trước đống glucose".
Mức đường huyết tăng trong máu kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể và từ đó gây nhiều biến chứng nặng đe dọa tính mạng của bệnh nhân hoặc làm tàn phế suốt đời. Biến chứng hay gặp là tổn thương mạch máu, gây xơ hóa mạch máu, đặc biệt các mạch máu ở võng mạc, thận, não làm tổn thương các cơ quan này dẫn đến các bệnh cao huyết áp, suy thận, mù lòa, hoại tử chi (phải cắt cụt)...
Có thể nói đái tháo đường là kẻ sát nhân giấu mặt vì các biến chứng của nó hết sức nguy hiểm, nhưng lại kéo dài, âm ỷ làm cho người bệnh nhiều lúc không chú ý, khi có biểu hiện rõ ràng thì đã quá muộn. Đái tháo đường tùy theo mức độ tiết insulin của tuyến tụy, người ta chia làm hai loại chính, đó là đái tháo đường phụ thuộc insulin (đái tháo đường týp I) và đái tháo đường không phụ thuộc insulin (đái tháo đường týp II).
Đái tháo đường týp II chiếm trên 90% các trường hợp bị đái tháo đường. Đái tháo đường phụ thuộc insulin là khi tuyến tụy hoàn toàn không tiết được insulin, việc điều trị phải đưa insulin từ bên ngoài vào (tiêm insulin).
Đái tháo đường không phụ thuộc insulin là khi tuyến tụy vẫn tiết được insulin nhưng không đủ cho nhu cầu của cơ thể, hoặc lượng insulin đủ nhưng vì "một lý do nào đó" tế bào lại không nhạy cảm được với insulin (tế bào kháng với insulin).
Với cơ chế bệnh sinh như vậy, khi bị bệnh đái tháo đường, việc điều trị phải đảm bảo duy trì được lượng đường huyết an toàn trong máu để tránh biến chứng, đồng thời cơ thể phải đủ năng lượng cho hoạt động và tồn tại. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến đái tháo đường týp II.
Điều trị bệnh nhân đái tháo đường týp II có 3 biện pháp quan trọng đó là: chế độ ăn, rèn luyện thể dục thể thao và sử dụng thuốc. Những trường hợp đái tháo đường do chế độ dinh dưỡng quá mức thường điều chỉnh chế độ ăn đem lại một số kết quả nhất định, nhưng đa số các trường hợp đái tháo đường đều phải phối kết hợp cả 3 biện pháp, trong đó thể dục thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thông thường ở bệnh nhân đái tháo đường phải thực hiện một chế độ ăn "kiêng khem" như hạn chế glucide, hạn chế mỡ, phải chia nhỏ bữa ăn... nhưng dù cho hạn chế như thế nào thì chế độ ăn cũng phải đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động (tối thiểu phải đủ 2.200kcal/ngày), nếu không sẽ dẫn đến hạ đường huyết (một biến chứng khá nguy hiểm). Một chế độ ăn "khổ hạnh" sẽ làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đáng kể.
Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực hóa dược, nên đã có nhiều thuốc điều hòa đường huyết giúp cho bệnh nhân có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, sử dụng thuốc hạ đường huyết, hay thuốc tăng nhạy cảm của tế bào đối với insulin phải thường xuyên và đều đặn mới duy trì được mức đường an toàn trong máu. Nhưng dù thuốc có tốt đến đâu, độ an toàn cao như thế nào, thì sử dụng kéo dài cũng dẫn đến nhờn thuốc (kháng thuốc) và ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan và thận. Vì lẽ đó, việc điều trị cho bệnh nhân bị đái tháo đường phải đảm bảo mức đường máu an toàn với một lượng thuốc sử dụng thấp nhất là điều quan tâm của các thầy thuốc.
Luyện tập thể dục thể thao có tầm quan trọng làm ổn định mức đường huyết. Các nhà khoa học bằng nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã phát hiện thể dục thể thao làm cho tế bào nhạy cảm hơn đối với insulin. Đồng thời khi luyện tập, các cơ quan, bộ phận trong cơ thể tăng cường hoạt động làm cho co cơ nhiều hơn, lượng máu đến tế bào nhiều hơn, tế bào được cung cấp dinh dưỡng tốt hơn.
Khi rèn luyện thể dục thể thao các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn tăng hoạt động, nhịp tim tăng làm cho máu lưu thông trong lòng mạch nhanh hơn, mạch máu co dãn tốt hơn (chống được xơ hóa mạch máu); nhịp thở tăng, lưu thông khí trong đường hô hấp tốt hơn, lượng khí "ứ đọng" trong đường thở được đẩy ra ngoài nhiều hơn, nên giúp giảm được các bệnh lý về đường hô hấp.
Hơn nữa rèn luyện thể dục thể thao làm kích hoạt các hóa chất trung gian hướng thần kinh nên tạo được tâm lý sảng khoái, nhờ trạng thái tâm lý này não bộ tiết ra endorphin (morphin nội sinh), một hormon giúp giảm đau, tạo sảng khoái, giảm quá trình lão hóa và tăng sức đề kháng của cơ thể.
Như vậy điều trị đái tháo đường phải phối hợp 3 biện pháp như đã nói ở trên. Và việc rèn luyện thể dục, thể thao không chỉ giúp giảm đường huyết, mà qua đó còn giúp lượng thuốc dùng hàng ngày cũng chỉ ở liều thấp. Đồng thời nhờ thể dục, thể thao chất lượng cuộc sống của người bệnh được nâng lên đáng kể.
Tuy vậy, tùy theo mức độ bệnh, điều kiện của từng bệnh nhân mà chọn môn thể dục, thể thao phù hợp nhằm đạt hiệu quả tốt nhất khi luyện tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận