Tác giả thực hiện “tập thể thao tại gia” với “môn” giặt đồ bằng tay và hít xà đơn - Ảnh: NVCC
Trước hết, hai nhóc (tuổi lên 8 và 12) đều đặn tập thể dục bằng "môn" làm việc nhà cùng cha mẹ. Đó là cách dạy cho con trẻ biết làm việc nhà (quét dọn, nhặt rau, nấu ăn, rửa chén...). Mỗi lúc các con làm, chúng tôi đã biết dạy con làm việc nhà, vừa dạy con sống có trách nhiệm, đó cũng là thời gian để cả gia đình "tương tác".
Ngoài những bộ môn đặc biệt ấy, các con vẫn thường xuyên đá bóng ở sân nhà (sân rộng 5m, dài hơn 6m), dù nhỏ nhưng cũng đủ cho hai đứa trẻ cũng như những đứa trẻ hàng xóm có sân chơi. Có lúc chúng chơi trò ném bóng rổ bằng cách ném cao lên bức tường nhà bên, ngoài đường (hẻm trước nhà) và ở sân bóng đặc biệt cách nhà hơn trăm mét (một miếng đất rộng khoảng 5m, dài 30m được tráng ximăng nên đã trở thành... sân bóng cho những đứa trẻ khu vực này). Vào dịp hè, bơi lội vẫn là môn lựa chọn của ba cha con.
Trong khi đó, vợ tôi đi bộ cùng những phụ nữ trong xóm vào buổi tối. Về phần mình, tôi chọn thể dục tại nhà vì nhiều lý do. Công việc chính của tôi là giáo viên. Trường cách xa nhà hơn 30km, tôi tập thể dục mọi lúc trong điều kiện có thể (đi bộ nhiều, hạn chế đi thang máy, hít đất...).
Ngoài việc thỉnh thoảng hít đất, chạy nhảy, đá bóng trước sân, tôi tập thường xuyên hai "môn chính" mỗi ngày. Môn thứ nhất là xà đơn. Biết tôi thích thể thao, anh hàng xóm khi làm nhà mới đã "thiết kế" tặng tôi cái xà đơn. Xà đơn được đặt cạnh một góc sân phía hông nhà. Mỗi buổi sáng và chiều, tôi thường dành từ 5 đến 10 phút để tập luyện. Chỉ cần bấy nhiêu thời gian cũng đủ để mình thường xuyên rèn luyện mỗi ngày.
Hít xà đơn rất thú vị khi "tung mình trong không gian". Khi tôi hít, gập người, lộn người (nôm na là vậy), những đứa trẻ hàng xóm trầm trồ "ngưỡng mộ". Mặc dù những động tác này khá đơn giản (thời sinh viên tôi thường chơi xà đơn, xà kép) nhưng trong mắt những đứa trẻ, đây là điều rất khó vì các cháu hiếm khi thấy ngoài thực tế. Những đứa trẻ và hai nhóc nhà tôi cũng rất thích tập nên thỉnh thoảng cũng hít vài cái. Nhóc lớn đã trang bị cho mình một đôi găng tay để hít mỗi ngày. Chiếc xà đơn này còn có tác dụng khi nhiều người đàn ông trong xóm thỉnh thoảng qua tập.
Bộ môn thứ hai vô cùng đặc biệt, đó là môn... giặt đồ. Nhiều người đến nhà tôi ngạc nhiên vì nhà ở thành phố lại giặt quần áo bằng tay. Nhà tôi "chia" công việc hẳn hoi: vợ nấu ăn và rửa chén, tôi làm "nhiệm vụ cao cả" là... giặt đồ. Hai nhóc thường phụ giúp công việc của cha. Những năm trước, vợ tôi nhiều lần bàn với tôi mua máy giặt, tôi không thích vì tôi muốn vận động chân tay nhiều hơn.
Nhiều năm nay, vợ không bàn điều này nữa bởi giặt đồ bằng tay có nhiều lợi ích: sạch, tiết kiệm nước (ngoài sử dụng lượng nước ít hơn máy giặt, nước sau khi giặt sử dụng để giặt giẻ lau chân, để tưới làm mát, làm sạch sân trước và sân sau; những lúc bưng tưới cũng là vận động).
Khi giặt và phơi đồ, bản thân mình vận động nhiều hơn, đó chính là lúc mình thể dục thể thao (đều đặn mỗi ngày). Buổi tối, tôi thường làm việc trên máy tính, tôi thường "nghỉ giải lao" để bảo vệ mắt bằng cách đi giặt đồ rồi vào làm việc tiếp. Ngoài việc lợi ích thể thao mỗi ngày, tôi còn truyền thông điệp đến thế giới đàn ông về bình đẳng giới: đàn ông cũng cần phải làm việc nhà.
Bản thân mình vận động nhiều hơn, các thành viên trong gia đình vì thế mà biết trân trọng tình cảm gia đình bằng việc chia sẻ công việc, cùng làm, cùng gắn kết yêu thương và sống nghĩa tình. Tập thể dục tại gia, khỏe đẹp cả nhà là vậy!
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi
Bài viết bằng chữ tiếng Việt, độ dài tối đa 1.000 chữ, kể lại những câu chuyện có thật, những trải nghiệm cùng thể thao của bản thân hoặc người xung quanh, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Cuộc thi sẽ kết thúc và trao thưởng trong tháng 9-2019. Các giải thưởng giá trị bao gồm: giải nhất 20 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng, 2 giải ba 5 triệu đồng/giải và 10 giải khuyến khích 1 triệu đồng/giải.
Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].
Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip) gửi qua email, xin ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận