13/11/2019 12:00 GMT+7

'Thầy viết đúng không mà viết theo? Viết theo sai ráng chịu'

DIỄM THÚY
DIỄM THÚY

TTO - Thầy viết một bài toán thật dài trên bảng, cả lớp hí hoáy viết theo. Rồi thầy thủng thỉnh đi từ cuối bảng sang bàn giáo viên, hỏi: 'Ủa mà thầy viết đúng không mà tụi bây viết theo?'.

Thầy viết đúng không mà viết theo? Viết theo sai ráng chịu - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Marie Curie, Q.3 (TP.HCM) trong giờ học toán - Ảnh tư liệu: NHƯ HÙNG

Tôi gặp thầy lần đầu khi vào học lớp 10 trường THPT Vĩnh Kim. Khi ấy thầy nổi tiếng là dạy giỏi và nghiêm khắc.

Thú thật là ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy không mấy tốt đẹp. Hôm đó, thầy ra một câu hỏi thuộc dạng định nghĩa cho cả lớp. Sau khi nhìn khắp lượt mà không có cánh tay nào giơ lên, thầy liền chỉ định tôi - lớp trưởng, trả lời câu hỏi ấy. 

Trong khi tôi còn đang ấp úng, thầy đã nghiêm mặt lại, mắng một câu: "Không trả lời được chứ gì? Nhìn mặt là biết khờ rồi".

Hôm đó với tôi là một ngày thật tệ. Trên đường đạp xe về nhà, tôi tự nhủ: "Rồi một ngày nào đó, nhất định thầy sẽ phải nói rằng thầy rất nể vì thành tích học Toán của em".

Ai học thầy vào thời của tôi (niên khóa 2005-2008) đều nhớ thầy có bốn món "đặc sản" mà học sinh nào là học trò của thầy đều không thể nào quên được.

Kiểm tra 5 phút đầu giờ mỗi tiết Toán. Đầu mỗi tiết học, thầy sẽ phát cho lớp một bài kiểm tra. Hết 5 phút, thầy sẽ lên bục giảng, gõ một cái thật to lên bảng và đi thu bài rất lẹ.

Mấy bài kiểm tra 5 phút ấy từng là cơn ác mộng với học sinh chúng tôi vì độ khó của chúng. Hiếm có đứa nào có thể đạt điểm tuyệt đối những bài kiểm tra khó nhằn ấy. Và việc phải làm bài kiểm tra hàng ngày đồng nghĩa với việc chúng tôi không dám không làm bài tập bất cứ ngày nào có tiết Toán.

Bài tập về nhà = Không bao giờ có thể làm hết (kể cả đứa giỏi Toán nhất lớp). Ngày đầu tiên lên lớp với một lô bài không giải được, mấy đứa học sinh giỏi hoang mang hỏi nhau có làm được hết bài tập không. Và bạn giỏi nhất lớp cũng chỉ có thể làm phân nửa số bài tập ấy mà chưa chắc là làm đúng. 

Lúc vào tiết, thầy hỏi lớp: "Sao, tụi bây có làm hết bài không?". Cả lớp nhao nhao "Dạ không thầy" rồi bắt đầu thanh minh rằng bài tập gì khó nhằn. Thầy gật gù rồi cười lớn: "Làm hết chắc tụi bây thành siêu nhân. Thầy cho đề của học sinh chuyên Toán mà". 

Từ đó, vở bài tập Toán của chúng tôi cứ toàn 200 trang, mỗi trang ghi một đề bài. Về nhà cứ bài nào làm được thì làm, không thì chừa trống.

Hồi đó học nhóm chưa được phổ biến như bây giờ, nhưng nhờ mấy cái đề toán siêu khó của thầy, chúng tôi tập hợp nhau lại, đi tìm tài liệu và hỏi mấy anh chị khóa trên... rồi cùng nhau giải. 

Những gì thầy viết trên bảng = "Đúng không mà viết theo? Viết theo sai ráng chịu". Lần đầu tiên cả lớp bị thầy dụ là lần giải một bài toán thật dài. Thầy viết hết cả bảng. Chúng tôi hí hoáy viết theo. 

Viết đến dòng cuối cùng, thầy quay xuống hỏi cả lớp "Xong chưa, thầy xóa". Chúng tôi vừa viết vừa lắc đầu "Dạ chưa". Thế là, thầy thủng thỉnh đi từ cuối bảng sang bàn giáo viên, trên tay vẫn còn cầm phấn và bông bảng, hỏi: "Ủa mà đúng không mà tụi bây viết?". 

Tới lúc đó chúng tôi mới ồ lên, dò lại và phát hiện ra cái bài giảng của thầy, nó đã sai từ phần điều kiện mất rồi.

Sau chuyện đó, lớp tôi luôn dò lại thật kỹ những gì thầy viết trước khi chép vào tập. Ấy thế mà có những khi sơ sẩy lại gạch gạch xóa xóa rồi cười khì khì khi biết mình lại bị thầy dụ.

Học công thức = Học làm chi. Môn Toán của thầy không cần phải học bài. Thầy biểu sao mà nhớ nổi. Thế là mỗi lần có công thức mới, mỗi đứa đều phải viết ra một tờ giấy, để ngay trên bàn học. Mỗi lần làm bài là nhìn vô cho đến khi thuộc thì bỏ. Vậy mà với cách học ấy, lớp tôi không đứa nào là không thuộc công thức Toán.

Trở lại câu chuyện đầu tiên của tôi. Sau biết bao ngày học hành chăm chỉ, tôi đã nhận được lời khen của thầy khi giải Toán bằng nguyên lý ngăn kéo Dirichlet. Thầy gật gù bảo: trong suốt nghiệp giảng của thầy, thầy chưa thấy ai giải bài này bằng phương pháp đó.

Bây giờ, công việc của tôi hoàn toàn không liên quan đến Toán học. Nhưng tôi vẫn nhớ những bài học mà thầy đã dạy. Mỗi khi có khó khăn gì đó làm tôi chùn bước, tôi lại nhớ tới thành tích Toán và lời khen của thầy. 

Bài học lớn nhất mà tôi nhận được là: dù rằng xuất phát điểm có thể thấp hơn người khác, nhưng với nghị lực, sự chăm chỉ và tâm huyết cho những điều mình làm, mình sẽ chiến thắng với thành tích mà chính bản thân mình không ngờ tới.

Đã 10 năm kể từ ngày tôi rời xa ngôi trường cấp 3 yêu dấu. Từ đó đến nay, tôi vẫn luôn thấy mình may mắn khi được gặp thầy vào ngày ấy. Người thầy đã truyền cảm hứng cho tôi suốt một quãng đường dài. Người thầy đã cho tôi hiểu rằng không có vinh quang nào không có nước mắt.

Con cảm ơn thầy vì tất cả!

Tri ân gởi đến thầy Hồ Quang Đức.

Đời học sinh ai cũng từng được gặp những người thầy, người cô lưu dấu ấn đặc biệt trong lòng mình. Người thầy, người cô khiến bạn nhớ mãi là ai? Bạn có muốn chia sẻ câu chuyện về họ? Mời bạn gửi bài viết đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ: [email protected].

Mọi người quay lưng, thầy tôi lại bảo lãnh cậu trò cá biệt Mọi người quay lưng, thầy tôi lại bảo lãnh cậu trò cá biệt

TTO - Mọi người quay lưng lại với T. nhưng thầy vẫn đứng ra xin được bảo lãnh để T. khỏi bị đuổi học cùng lời hứa: sẽ nghỉ dạy nếu T. không thay đổi.

DIỄM THÚY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp