"Sự ra đời của thần Vệ nữ" của danh họa Sandro Botticelli (ảnh trên) và ảnh vẽ lại của một học sinh Việt Nam tại Ý. |
Bên trên trong ảnh là bức tranh "Sự ra đời của thần Vệ nữ" (1486) của danh họa Sandro Botticelli, một trong những nhân vật lỗi lạc của nghệ thuật thời đầu Phục hưng. Bức dưới là những nét vẽ của con gái tôi đang học ở Ý.
Đấy là bài tập môn nghệ thuật của con gái ở trường. Thông qua các bài tập vẽ những bức tranh cổ điển mà bọn trẻ thích, giáo viên sẽ truyền cho chúng các kiến thức liên quan đến lịch sử nghệ thuật.
Yêu cầu của bài tập này không đòi hỏi phải vẽ thật giống (cách giống nhất là chụp ảnh!) mà là cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh, nắm được cái hồn của nó và phải tìm hiểu khá nhiều các thông tin về nó cùng với quá trình vẽ.
Tôi đăng tranh của con gái không phải để khoe con, mà để nói về giáo dục. Trong rất nhiều năm, cảm nhận nghệ thuật nói chung và giáo dục thẩm mỹ nói riêng được áp dụng cho bọn trẻ bên này như thế. Từ mẫu giáo, khi cô giáo cho bọn trẻ vẽ gần như hàng ngày, cho đến khi học dần lên, với những bài học về nghệ thuật sơ đẳng và rất nhiều những buổi đi bảo tàng.
Giáo dục thẩm mỹ (và giáo dục thể chất) được đánh giá rất cao và chiếm tỉ trọng lớn trong chương trình học ở trường. Ở đây không có môn chính hay môn phụ. Tất cả đều quan trọng như nhau.
Bọn trẻ có rất nhiều giờ thảo luận và thực hiện các bài tập về nghệ thuật, được học về âm nhạc và khi lớn lên, chúng đã có một nền tảng cơ bản liên quan đến thẩm mỹ.
Sau giờ học chính khóa, bọn trẻ lại được nhà trường và gia đình tạo điều kiện cho học ngoại khóa các môn nghệ thuật nữa (học đàn, học hát, học nhảy, học các môn thể thao).
Lũ trẻ luôn bận rộn là vậy. Ở trường, chúng không xem nghệ thuật chỉ là các môn năng khiếu. Tất cả đều phải học như nhau. Đứa nào có năng khiếu thì bố mẹ hoặc nhà trường sẽ tạo điều kiện cho học nhiều hơn.
Mấy hôm nay thấy ở Việt Nam tranh cãi về chuyện học ngoại ngữ nào, tôi thấy nản. Bao năm rồi thí điểm, thử nghiệm hàng bao nhiêu thế hệ để rồi cuối cùng từ ghế nhà trường bước ra đời, nhiều người trong chúng ta sống lệch.
Chúng ta lệch rất nhiều về kiến thức và lỗ hổng lớn nhất thực ra không phải về văn toán hay ngoại ngữ, mà là kĩ năng sống và nhận thức liên quan đến thẩm mỹ, đến việc tạo ra nền tảng cho phần hồn của đứa trẻ.
Dạy trẻ kiếm tiền cũng tốt, nhưng khi ta nêu khẩu hiệu "chân thiện mỹ" trong giáo dục mà coi nhẹ chuyện giáo dục nghệ thuật, ta chỉ tạo ra những thế hệ con trẻ thực dụng về tính cách và khô khan về tâm hồn.
Quan trọng là tư duy giáo dục của chúng ta có nhìn thấy nhu cầu của việc giáo dục về cái ĐẸP hay chỉ nói đến nó mà không làm gì, hoặc không biết làm.
Nếu ta thất bại trong việc dạy bọn trẻ hiểu về cái ĐẸP hoặc thể hiện cái ĐẸP theo cách nhìn của chúng, ta sẽ có lỗi với chúng và xã hội. Mà việc ấy nhiều khi lại từ chính các gia đình.
Thay vì vứt cho bọn trẻ những cái smartphone, iPad để ta rảnh tay làm việc của ta, hãy cho chúng cây bút và tờ giấy, hoặc những quyển sách.
Hãy để chúng vẽ, chúng đọc, hoặc đọc cho chúng. Điều đó không chỉ tốt cho bọn trẻ, mà còn tốt cho chính các bậc cha mẹ...
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có ý kiến gì xin gửi vào mục Bình luận bên dưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận