10/10/2017 15:08 GMT+7

Thầy Văn Như Cương: 'Đừng vì muốn con hơn người mà hại con'

HẢI LONG (Hà Nội)
HẢI LONG (Hà Nội)

TTO - Tôi gặp thầy Văn Như Cương vào đầu tháng trước. Thầy chào đón tôi bằng cái bắt tay thật chặt và câu hỏi: "Nay nắng quá, chị đi lại chắc cũng vất vả?".

Thầy Văn Như Cương: Đừng vì muốn con hơn người mà hại con - Ảnh 1.

Thầy Văn Như Cương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Uống ly nước của thầy đưa cho và chúng tôi bắt đầu về câu chuyện giáo dục. Trong câu chuyện với tôi, ánh mắt thầy sáng hơn mỗi khi nhắc đến các em học sinh. 

Thầy bảo, thay vì học theo lối cũ, học bị động, khi học chương trình mới, chúng ta phải học theo tinh thần chủ động hơn, sáng tạo hơn, có suy nghĩ hơn, có phản biện hơn. Tất cả những điều đó đòi hỏi phương pháp học tập mới chứ không phải phương pháp thụ động.

"Chúng ta không chú ý dạy con người"

Thầy nói, thầy lo lắm, lâu nay việc dạy chữ và dạy người chưa cân bằng. Hầu như các em học ngày học đêm, học ở trường học ở nhà, rồi học thêm, tức là chỉ học chữ chứ chưa chú ý đến dạy làm người. 

Do đó, tình trạng học sinh đánh hội đồng, bạo lực học đường, nói bậy… càng ngày càng tăng lên. Đấy là dấu hiệu chúng ta không chú ý dạy con người.

Thầy nhấn mạnh đến thực trạng xã hội hiện nay phức tạp, về nhà nếu cha mẹ không có thời gian quan tâm con cái, nhà trường không đảm nhận được trách nhiệm dạy trẻ làm người, làm một người tử tế thì rất nguy hiểm.

Thầy lại nói đến những điều mà hiện nay giáo dục chưa làm được, đó là chúng ta mới dạy học sinh chứ chưa huấn luyện được thầy giáo, chưa huấn luyện được gia đình để cùng nhà trường chung tay giáo dục các em.

"Tôi thấy căn bệnh thành tích đã ngấm vào bố mẹ. Tại sao muốn chúng phải toán điểm 10, văn cũng điểm 10, lý, hóa cũng phải điểm 10? Cha mẹ đừng vì muốn con mình hơn người, lúc nào cũng đi đầu mà hại con" - thầy nói.

Thầy nhấn mạnh đến việc chúng ta phải làm thế nào để giáo dục con cái mình trở nên thông minh, hiếu học. Vì thế, cha mẹ không thể bỏ mặc con cái, trăm sự nhà trường lo. Bởi đấy tức là không giúp con mình trở thành một công dân hữu ích của đất nước, gia đình nên xem lại cách giáo dục con em mình, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta.

Căn bệnh thành tích đã ngấm vào bố mẹ. Thấy con học trong lớp với thứ hạng thấp là về quát mắng con mà không biết rằng mỗi đứa có một năng lực riêng".

Thầy Văn Như Cương

Thầy cũng nhắc cha mẹ hãy để cho con tự chủ. "Bây giờ trẻ con đi học mẫu giáo, cô dạy phải để dép và ba lô đúng vị trí, trẻ con làm được sẽ cảm thấy thích thú. Đến khi về nhà, vào đến cửa là vứt dép, tụt quần để đó cho ôsin. Sáng sớm trẻ đi học, ôsin sẽ lấy quần áo cho trẻ mặc. Vì thế, lâu dần, trẻ không làm được gì cả" - thầy nói.

"Giáo dục mà rách ở đâu vá ở đấy là không ổn"

Thầy cũng phân tích nguyên nhân của thực trạng giáo dục hiện nay là do bệnh thành tích, khoa trương. Ở các lễ khai giảng chủ yếu là báo cáo thành tích, nâng tầm thành tích chứ không đề cập đến việc có bao nhiêu vụ đánh nhau trong trường.

"Theo tôi, một dàn chỉ huy của giáo dục không đủ tầm cỡ, chưa có tầm nhìn xa mà giáo dục hiện nay là theo kiểu rách ở đâu vá ở đấy. Thấy học sinh đi học thêm, thấy không hay, không hay thật thì cấm học thêm. Thế cho nên vá đùm vá chụp, thành ra cái áo đầy miếng vá, màu này màu khác, miếng vá này chồng lên miếng vá kia.

Tổng thể định hướng phải có triết lý giáo dục và chúng ta làm theo triết lý đó. Triết lý giáo dục thành con người tử tế - tử tế về mặt nhận thức, về mặt kiến thức, về mặt giao tiếp… Tất cả những điều đó đều cần phải học, phải định hướng. Không thể có chuyện ở trên thì trải thảm, ở dưới thì lót đinh, ai dám nhảy xuống?" - thầy bộc bạch.

Thầy bảo, trong trường học hãy học trí thức ít đi, bỏ bớt đi, nhất là những thứ vô bổ. Người làm nhà báo, nhà văn cần gì đạo hàm, tích phân? Người làm toán việc gì mà phải phân tích những bài văn như một nhà phê bình văn học? 

Tức là học phổ thông đúng cốt lõi của phổ thông, để dành thời gian học sinh học những thứ khác bổ ích hơn nhiều như học về giao tiếp, học về xử lý, học về phần mềm, học về quan hệ, học về thực tế, học về cuộc sống… 

Thứ hai là tăng cường giáo dục ở con người trong trường học. Đó là hai vấn đề cốt lõi.

Tôi ra về trong cảm giác may mắn vì nhận được bao bài học quý giá từ thầy - một người thầy có nhân cách lớn. Tôi sẽ đem những lời khuyên của thầy ứng dụng vào dạy con. Tôi sẽ dạy các con những bài học làm người.

Ta thiếu những lớp dạy làm bố mẹ

Nói về việc dạy con ngày nay, thầy khuyên: "Hãy để trẻ được vừa học vừa chơi. Thế chúng mới trưởng thành được. Khi xã hội có nhiều tác động tiêu cực đến học sinh, nếu như phụ huynh thời hiện đại bận rộn, các em sẽ trông cậy vào đâu?

Ở trên thành phố, nhiều gia đình thuê gia sư về dạy con, thuê ôsin để chăm con. Trong khi đó, theo tôi, đó là hai thứ làm cho trẻ vừa học dốt đi, vừa lười lao động".

Rồi thầy băn khoăn, ở các nước có những lớp học làm bố làm mẹ như thế nào? "Vậy mà thời buổi này tôi chưa thấy ai tổ chức cuộc học cho những bố mẹ trẻ nuôi con ở tuổi mẫu giáo thì dự những bài học gì? Khi con vào lớp 1 thì có những bài học như thế nào? Khi con đến tuổi trưởng thành, yêu đương phải như thế nào? Tất cả những cái đó đều phải học" - thầy trăn trở.

HẢI LONG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp