Hồi ấy, tức hơn 50 năm về trước, làng báo Sài gòn có 3 "lão tướng" là 3 cây bút "đắt sô" chuyên viết về vụ "năm nào con ấy", là 3 ký giả rất được các chủ báo ưu tiên đặt hàng viết bài báo Tết. Đó là 3 "hảo thủ" gồm "sư phụ" Tô Văn - Trần Đức Lai, Hoàng Ly và Cát Hữu.
KÝ GIẢ GIÀ CẬU CHÓ
Tô Văn - Trần Đức Lai của hơn nửa thế kỷ về trước là một cây bút nổi đình nổi đám với Feuilleton "Cậu Chó" mà dân Sài Gòn thời ấy chẳng ai mà không biết qua tác phẩm "bất hủ" này.
Chẳng biết cụ Tô nhà ta moi ở đâu ra câu chuyện ly kỳ, liêu trai chí dị... hụ về một chàng công tử con quan ở xứ Huế. Ngay từ lúc mới sinh ra người công tử đã mọc đầy lông lá nên cậu ta chẳng dám đi đâu ra ngoài, cả ngày cứ luẩn quẩn trong gian buồng riêng chỉ vui chơi cùng mấy cô người làm.
Mà cũng lạ, chẳng hiểu sao Trời lại phú cho cậu công tử này có một sức khỏe về sinh lý rất phi phàm, chẳng có chị người ăn người làm nào thoát qua được bàn tay nhám nhúa của cậu ta. Do vậy mà các chị em người ăn người làm trong nhà quan rất sợ mỗi khi tới ca phải cơm bưng nước rót phục vụ cậu.
Thậm chí mấy chị ôsin lớn tuổi đã có nhiều kinh nghiệm chuyện đời rồi mà vẫn phải kêu trời như bộng mỗi khi phải tiếp xúc với cậu, như cho ăn, cho uống, tắm rửa vệ sinh cho cậu ta. Bốc hốt, quơ quào, khều móc, chụp giựt là "nghề" của cậu.
Tuy nhiên, dù hình dung dị dạng, tính cách thô lỗ tục tằn nhưng chẳng ai dám phản ứng với cậu, bởi cậu là con nhà quan mà! Do con người toàn thân lông lá đen sì rậm rạp lại ham mê sắc dục nên mấy chị ôsin rỉ tai nhau gọi cậu ta là "Cậu Chó".
Phải công nhận Tô tiên sinh có một sức viết phi thường, ngày nào cũng đánh máy cả chục trang giấy pelure trong đó có tiểu thuyết "Cậu Chó" cho nhiều tờ nhật báo mà chẳng thấy ông ấy than mệt bao giờ.
Truyện "Cậu Chó" được viết tràng giang đại hải chẳng biết bao giờ mới chấm dứt.
Có lần sốt ruột, tôi hỏi: "Chừng nào bác Tô mới chịu hạ màn cái cậu... Le chien này?".
Ổng nhăn răng cười rồi vò vò cái đầu hói láng trơn như cái phi trường Tân Sơn Nhứt gạt ngang: "Chuyện bí mật mi hỏi làm chi?".
HỒNG CẨU QUẢY
Theo nhà văn chuyên viết chuyện đường rừng kinh dị Hoàng Ly thì hồi xửa hồi xưa ở miền biên địa thượng du có một giống "Sài Kíu", tức giống chó rừng.
Giống chó này rất ma mị, đêm đêm nó dám leo lên các nhà sàn của người dân sơn cước mà gõ cửa. Nếu ai vô tình tưởng có người quen đến thăm nhà giữa đêm khuya mà ra mở cửa là nó nhào tới cắn cổ tha đi vào rừng xé thịt.
Theo nhà văn Hoàng Ly mô tả thì đêm đêm bầy đàn "Sài Kíu" chạy qua rừng tiếng chúng tru lên như tiếng ai cầm vốc thủy tinh vỡ mà ném vứt đi trong không khí. Và vì ban đêm mắt bọn "Sài Kíu" ma quái lại phát ra màu đỏ như máu nên dân miền sơn cước gọi chúng là hồng cẩu quảy (chó mắt đỏ).
Chẳng hiểu nhà văn Hoàng Ly có thêm mắm dặm muối cho chuyện kinh dị này thêm rùng rợn không, nhưng ông viết rằng bọn hồng cẩu quảy còn giả dạng người đi bằng hai chân để trong đêm tối ai sơ ý gặp chúng tưởng người quen trong bản làng lập tức sẽ bị chúng cắn cổ rồi lôi vào rừng xé xác ăn thịt.
Có lần tôi hỏi nhà văn Hoàng Ly: "Thật sự có lần nào bác gặp lũ "Sài Kíu" này chưa?".
Hoàng Ly vuốt chòm râu màu lá úa: "Tao mà gặp bọn nó thì giờ đây còn đâu đứng đây nói chuyện với chú mày!".
BÀI THƠ BIẾM CHÓ
Cây bút Cát Hữu vốn là một lão ký giả tài hoa, bác viết được nhiều thể loại, đề tài, thậm chí còn dịch những bản tin télétif. Nhưng bỗng dưng có một ngày bác Cát Hữu xin chủ nhiệm cho bác một mảng nhỏ ở góc trang tư để bác vẽ tranh biếm và ký tên là Tám Sạt Ne.
Sạt Ne (Charner vốn là con đường Nguyễn Huệ bây giờ), Tám Sạt Ne tức ông "Tám Bụi Đời" ở đường Charner. Thế là từ ấy có một "họa sĩ" tên Tám Sạt Ne xuất hiện trong làng báo Sài Gòn.
Cách đây hơn nửa thế kỷ cũng vào một năm Tuất, "họa sĩ" Tám Sạt Ne bỗng cao hứng vẽ serie một chùm tranh biếm, 4 bức có minh họa lời thơ như sau:
Tranh 1: Vẽ ông chủ thì ngồi uống rượu thảnh thơi trên bàn, con chó thì nằm dài dưới đất. Thơ minh họa: "Chủ chén no say quên bẵng chó".
Tranh 2: Vẽ chó đói nằm thẳng cẳng. Thơ minh họa: "Lòng không dạ đói chó nằm ngay".
Tranh 3: Vẽ chủ đang nôn xuống đất. Thơ minh họa: "May sao chủ mửa cho một bãi".
Tranh 4: Vẽ chủ và chó đều nằm dài dưới đất. Thơ minh họa: "Chó cũng say mà chủ cũng say".
Chẳng biết sau số báo Xuân năm Tuất đó tờ báo có bị "bề trên" rầy rà trù ẻo gì không về bài thơ và tranh chó của Tám Sạt Ne, mà ra giêng Tám Sạt Ne đã bị chủ báo kêu lên cho... tắt đài luôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận