Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thông tin TP.HCM đề xuất cho học sinh được linh hoạt thời gian học trong năm (học theo tín chỉ, Tuổi Trẻ ngày 27-12) tạo nên sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và các nhà giáo.
Ông Nguyễn Hữu Lợi - phụ huynh có con đang học lớp 8 ở quận 1, TP.HCM, nói: "Gia đình tôi mong chờ chủ trương trên nhanh chóng đi vào thực tế. Hiện nay, việc tổ chức lớp học cứng nhắc 9 tháng cố định/năm học gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh.
Trong 9 tháng đó, lỡ học sinh bị bệnh hay gia đình học sinh có việc hệ trọng cũng không được nghỉ vượt quá số ngày quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu không, học sinh sẽ không được thi, bị ở lại lớp...
Vì vậy, mọi hoạt động của vợ chồng tôi đều phụ thuộc vào lịch học tập của hai đứa con. Kể cả khi ông bà ốm tôi cũng không dám cho cháu về thăm trong năm học, phải đợi dịp tết hoặc dịp hè...".
Cơ hội đẩy nhanh tiến độ học tập
Ông Lợi nói thêm: "Nếu học sinh được chọn lựa và học tập theo dạng tín chỉ sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Trong thời gian học, nếu có chuyện bất thường xảy ra, học sinh có thể nghỉ và đăng ký học lại sau đó.
Cháu lớn nhà tôi vừa vào đại học. Trước đây cháu thường than thở rằng tại sao phải mất tới 12 năm để hoàn thành bậc phổ thông? Cháu muốn học đại học sớm nhưng không được phép. Hi vọng cháu nhỏ nhà tôi sẽ có cơ hội đẩy nhanh tiến độ học tập".
Tương tự, em Phạm Bình - học sinh lớp 11 chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), cho biết: "Em thích học theo tín chỉ hơn vì dễ dàng đạt mục tiêu trong thời gian ngắn. Cách học vậy linh hoạt hơn. Những môn mình không thích có thể bố trí học dứt điểm trong hè, đỡ gây nhàm chán trong thời gian dài.
Bộ GD-ĐT đừng bắt học sinh phải học tất cả các môn như bây giờ. Hãy cho chúng em được lựa chọn môn học và thời gian học theo nhu cầu phát triển của bản thân. Trong đó có những môn bắt buộc và môn tự chọn".
Phụ huynh Trần Hữu Hiệp (quận 4) cũng chia sẻ: "Thay đổi cách học là hay nhưng phải xem lại chế độ thi cử có ảnh hưởng gì hay không. Môn học bắt buộc hay tự chọn cũng nên thoáng hơn để học sinh theo đuổi đam mê, sở trường.
Khổ nhất là học những gì mình không thích. Hiện nay chúng ta còn rập khuôn khi đánh giá học lực. Các em giỏi mỹ thuật, âm nhạc (được coi là môn phụ) lại không được đánh giá cao bằng các em giỏi toán, hóa.
Từ nhỏ nên để con cái thử nhiều môn để biết trẻ thích, không thích gì, hình thành con đường đam mê, xác định nghề nghiệp sẽ nuôi sống các con suốt đời...".
Cần chuẩn bị kỹ
Học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cô Hoàng Thị Thu Hiền - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận định: "Ở nước ngoài có khá nhiều học sinh học vượt lớp, vượt cấp.
Đề xuất của UBND TP.HCM rất đáng hoan nghênh và cần cố gắng thực hiện cho bằng được. Nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những học sinh giỏi rút ngắn thời gian học tập ở bậc phổ thông, dành thời gian học tập và nghiên cứu ở những bậc học cao hơn".
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - cũng ủng hộ chủ trương của TP, bởi: "Việc học theo tín chỉ sẽ phát huy tính tích cực và chủ động của học sinh. Vấn đề còn lại là tính toán để thực hiện theo lộ trình chứ không nên thực hiện đại trà cùng lúc".
Ngoài ra, cô Thu Hiền góp ý: "Tôi cho rằng học theo tín chỉ sẽ khá thuận lợi khi thực hiện ở các trường chuyên hoặc những trường có nhiều học sinh giỏi. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần lường trước những tình huống đặc biệt. Trong đó, ban giám hiệu nhà trường sẽ rất khó khăn khi xếp thời khóa biểu và phân công giáo viên.
Hiện tại, học theo biên chế lớp học thì sĩ số mỗi lớp từ 35 - 40 học sinh. Nhưng học theo tín chỉ thì mỗi lớp chỉ 10 - 15 học sinh. Lúc ấy chắc chắn phải tăng phòng học, tăng số lượng giáo viên hoặc giáo viên phải dạy số tiết nhiều hơn. Do vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự và cơ sở vật chất".
Ông Nguyễn Thành Phát - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, nói: "Tôi cũng từng có ý tưởng tổ chức cho học sinh THCS học theo tín chỉ cách đây nhiều năm nhưng vướng nhiều quy định không thực hiện được. Bây giờ, UBND TP đã có chủ trương, tôi rất mong các cấp quản lý đồng thuận và phê duyệt.
Tôi mong muốn hình thức này sớm được thực hiện ở trường tôi. Dĩ nhiên, khi triển khai cũng cần xét tới yếu tố liên thông và đồng bộ giữa các trường trên địa bàn TP để tạo sự thuận lợi cho học sinh".
Sẽ xây dựng đề án cụ thể
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu chủ trương trên được Bộ GD-ĐT và cấp có thẩm quyền phê duyệt, TP.HCM sẽ xây dựng đề án cụ thể. Dự kiến năm học 2019-2020 sẽ triển khai thí điểm cho học sinh học theo hình thức tín chỉ.
Thời gian đầu, Sở GD-ĐT TP sẽ chọn những trường có điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh có nhu cầu học theo tín chỉ và phụ huynh đồng thuận cho con em mình tham gia.
Dự kiến hình thức này sẽ triển khai ở bậc THCS và THPT với nguyên tắc: học sinh tự nguyện đăng ký học chứ không ép buộc. Tức là những trường triển khai dạy theo tín chỉ nhưng không triển khai cho 100% học sinh mà chỉ triển khai cho những học sinh có nhu cầu đăng ký học.
Trong trường sẽ có cả 2 hình thức: học theo tín chỉ và học theo biên chế năm học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận