Tối 25-10, 85 bộ bàn ghế, trị giá khoảng 100 triệu đồng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp được đưa lên xe chuyển đến Trường tiểu học số 1 Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Trong bài “Cho chúng tôi xin bàn ghế”, Tuổi Trẻ ngày 25-10) - Ảnh: LAM GIANG |
“Dấu vết của lũ vẫn hiển hiện trên những khuôn mặt ngơ ngác” - cô Phạm Thị Lệ Thủy, hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nói trong ánh mắt đỏ hoe.
Ngày trở lại trường
Trong số 25 giáo viên của Trường tiểu học Phong Hóa, có 11 thầy cô nhà cửa cũng bị thiệt hại rất nặng trong lũ. Nhưng không một ai vắng mặt ở trường ngay sau khi nước rút. Cô Thủy cho biết hầu hết sách vở còn lại của học sinh đều là những cuốn các em để lại trường, vì khi lũ về nhiều lớp có ca học chiều.
Nhiều thầy cô ở lại trường đã cố gắng cứu từng cuốn sách. Và đó là số sách ít ỏi được các em học chung vào những ngày học đầu tiên sau lũ.
Trong số 146 học sinh của Trường tiểu học Phong Hóa có 95 em thuộc hộ nghèo; 91 học sinh có nhà bị ngập lụt, trong đó có 36 em nhà hầu như không còn gì cả.
Những ngày đầu quay lại dạy học, các thầy cô mỗi khi vào lớp đều nhìn xuống những chỗ trống. Dấu vết của lũ chính là những chỗ trống ấy. Cô Thủy cho biết nếu các thầy cô không cố gắng thì có khoảng 30 học sinh có thể bỏ học ngay sau trận lũ.
“Chúng tôi đều nắm được học sinh nào gia cảnh khó khăn. Nhưng chỉ khi trận lũ đi qua, trực tiếp đến từng nhà học sinh, chúng tôi mới biết rõ các em khổ đến mức nào” - cô Thủy chia sẻ khi nói đến hành trình vận động học sinh quay lại trường của các thầy cô ở Phong Hóa.
“Bao lâu rồi con không ăn thịt cá?” - thầy giáo Hà Văn Quyền hỏi em Nguyễn Ngọc Sỹ, học sinh lớp 5. Cậu bé thật thà nói: “Dạ, lâu rồi, hồi con ở trong Nam” (6 năm trước). Nghe Sỹ trả lời, mấy cô giáo rơm rớm nước mắt. “Tôi thấy một em nằm không dậy được, ngỡ em ốm. Nhưng hóa ra là đói quá, không thể ngồi lên được” - cô Thủy kể.
“Tôi bảo Sỹ mai đến trường, khuôn mặt em sáng lên. Tới trường đối với em thật sự là niềm vui. Bởi cuộc sống của em đã quá buồn, trận lũ càng khiến gia đình em thê thảm hơn” - cô Thủy nói.
Cô bé Đậu Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 3, đến lớp nhưng chỉ ngồi lặng lẽ. Cô giáo hỏi thì em chỉ nói: “Con buồn”.
Cô giáo chủ nhiệm của em kể bình thường Quỳnh Anh năng nổ lắm, bảo lên hát cho các bạn nghe là hát ngay. Nhưng giờ cứ vậy. Cha mẹ Quỳnh Anh đều bị bệnh, nhà quá nghèo lại bị lũ cuốn hết đồ đạc. Hôm thầy cô đến động viên em, chỉ thấy cả nhà có một nồi canh củ mì.
“Đứt bữa là chuyện thường đối với nhiều học sinh của chúng tôi. Nhiều em đã phải ăn cháo rau từ lâu rồi, trước cả trận lũ” - một cô giáo cho biết.
Đói, nhà trôi hết đồ đạc. Cái quần, cái áo còn thiếu, chỗ ngủ cũng không có, nói chi đến bàn học. Hiện nay nhiều nơi còn chưa kéo được điện, nên tối đến chẳng có ánh sáng. Nhiều gia đình, người lớn đều đi làm xa, để con cho ông bà.
Không ít nhà, cha mẹ đau yếu, sau trận lũ những đứa trẻ tuổi 13-15 trở thành lao động chính. Bởi vậy, nếu ở các trường tiểu học nguy cơ mất học sinh có một, thì với các trường THCS nguy cơ gấp 10.
“Vì thế, chúng tôi xác định giáo viên phải theo sát gấp nhiều lần việc kèm học sinh” - một giáo viên ở Trường tiểu học Mai Hóa chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chuyên viên Phòng GD-ĐT Tuyên Hóa, cho biết với sự tận tình bám trường, bám lớp, đến từng nhà đưa học sinh tới trường, nên ở bậc tiểu học hiện chưa có tình trạng học sinh bỏ học, nhưng ở bậc THCS thì có.
Do huyện còn lo khắc phục hậu quả của lũ, nên chưa thể thống kê được số học sinh THCS đã bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học. Việc ngăn dòng bỏ học bây giờ trông đợi nhiều vào các thầy cô, những người đã phải tạm quên hoàn cảnh riêng tư để lo cho học sinh.
“Một cơn gió Lào cũng khiến tôi lo sợ”
Cô Trần Thị Chiêm, hiệu trưởng Trường mầm non Phù Hóa (Quảng Trạch), đã nói như thế khi đứng trước điểm trường là phòng học cấp 4 được xây dựng hơn 10 năm, nhưng đã trải qua nhiều trận lụt. Những ngấn nước trên tường cho thấy mấy ngày trước nước đã dâng lên 4m, gần sát mái ngói.
Theo lời cô Chiêm, chúng tôi thử cầm chiếc đinh ấn vào tường, chiếc đinh lút vào sâu mà không cần dùng búa gõ.
“Tường nó mủn lắm rồi cô ạ, mùa lũ nào nước cũng ngấm vào. Tôi phải bảo cô giáo cho học sinh ngồi tránh ra. Với cái nhà như thế này, một trận gió Lào to tôi cũng lo sợ” - cô Chiêm nói.
Cô giáo thư viện Võ Thị Luyến (Trường THCS Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) phơi lại số sách vở, đồ dùng dạy học bị lũ nhấn chìm - Ảnh: Hoàng An |
Theo cô Trần Thị Thanh Huế - chuyên viên mầm non Phòng GD-ĐT Quảng Trạch, thì Quảng Trạch có 56 điểm trường của 18 trường mầm non, chỉ có 10 điểm có nhà cao tầng (có khả năng tránh lũ đột xuất), còn lại 46 điểm không có nhà cao tầng. Với các phòng học tạm, nhà cấp 4, nếu lũ về đột ngột, sự an toàn của cô trò sẽ bị đe dọa. Trong khi đó, có khoảng 10 điểm trường năm nào cũng bị ngập lụt do lũ.
Tại các điểm trường mầm non của Phù Hóa, Cảnh Hóa, sau cả tuần lũ rút nhưng các cô giáo vẫn phải mang phơi những đồ dùng dạy học còn ướt sũng, rách hỏng.
Theo cô Huế, trận lũ đã làm trôi, hỏng gần hết đồ chơi, dụng cụ dạy học trực quan, chỉ còn sót lại một số đồ chơi bằng nhựa. Hiện các cô giáo đang phải dùng xốp cắt làm đồ dùng dạy học, cố tận dụng những vật dụng phù hợp để dạy trẻ trong hoàn cảnh thiếu thốn.
“Mấy ngày nay chúng tôi còn phải phân người canh, sợ rắn, côn trùng vào phòng học. Vì lũ nên rắn bò vào phòng học khá nhiều” - một cô giáo ở Quảng Trạch cho biết. Phòng học ẩm ướt, đến chăn chiếu cho trẻ nằm cũng ẩm.
Trao đổi về nỗi lo sau lũ, cô Trần Thị Chiêm rơm rớm nước mắt: “Tôi tha thiết mong có phép mầu nào đó để có thể giúp chúng tôi xây được nhà vượt lũ cho trẻ. Trường tôi có 200 trẻ, 200 tính mạng có thể bị đe dọa nếu lũ lại ập đến. Xây một ngôi nhà vượt lũ là điều quá sức. Chúng tôi cần sự chung tay của xã hội, của những tấm lòng hảo tâm”.
Liệu có thầy cô nào vì nản lòng mà bỏ trường sau đợt lũ không? Thay cho câu trả lời, một giáo viên ở Phong Hóa kể có trưa được phụ huynh mang lên đĩa củ mì luộc vì “thấy các cô ở lại trường cả trưa chẳng có gì ăn”.
Một đĩa củ mì của những người cũng đang đói đã là nguồn động viên lớn cho nhiều thầy cô, khi đứng trước lựa chọn đi hay ở.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Quảng Bình, địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do lũ lụt trong các tỉnh miền Trung vừa qua, có khoảng 20,45% trong tổng số 214.844 học sinh các cấp bị ảnh hưởng bởi hậu quả lũ lụt. Trong đó, ở 7 đơn vị bị thiệt hại nặng nhất là Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và một số cơ sở trực thuộc Sở GD-ĐT có 43.930/71.511 học sinh bị ảnh hưởng. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh tiểu học, THCS. |
Hơn 1,5 tỉ đồng tiếp tục sẻ chia với đồng bào miền Trung Hôm nay 26-10, ban tổ chức chương trình “Kết nối yêu thương 4 - Hướng về miền Trung thương yêu” (do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Tổ chức biểu diễn - điện ảnh TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM và Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM tổ chức) phối hợp cùng Tỉnh đoàn Quảng Bình tiếp tục trao quà cho 420 hộ bị ảnh hưởng lũ lụt tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Quà gồm 190 thùng sữa và 5 tấn gạo, trị giá 107 triệu đồng do Công ty CP dinh dưỡng Nutifood và Công ty CP Vinh Phát ủng hộ. Chương trình sẽ trao tặng 85 bộ bàn ghế, khoảng 100 triệu đồng cho Trường tiểu học số 1 Tân Hóa, huyện Minh Hóa (trong bài “Cho chúng tôi xin bàn ghế”, Tuổi Trẻ ngày 25-10). Từ ngày 27 đến 30-10, chương trình sẽ trao 40 tấn gạo cho 2.000 hộ dân của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh mỗi hộ 20kg gạo hữu cơ, 150 hộ khó khăn đặc biệt sẽ được tặng thêm 1 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 1,35 tỉ đồng do Nhà máy Ong Biển, Công ty TNHH SX-TM Đại Nam ủng hộ. TỐ OANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận