06/04/2023 15:05 GMT+7

Thầy tôi Bùi Mạnh Nhị, một kẻ sĩ Bắc Hà xưa yêu Sài Gòn, yêu Nam Bộ đằm thắm

'Giọng Nam, giọng Sài Gòn cũng là giọng Việt chứ có phải giọng ngoại quốc đâu mà e ngại', tôi nhớ như in lời thầy tôi Bùi Mạnh Nhị...

Thầy Bùi Mạnh Nhị (phải) và bạn tôi, Phan Dương Thy - Văn 4C trong buổi kỷ niệm 40 năm vào trường của sinh viên khoa ngữ văn 1980 - 1984 - Nguồn ảnh: Phan Dương Thy

Thầy Bùi Mạnh Nhị (phải) và bạn tôi, Phan Dương Thy - Văn 4C trong buổi kỷ niệm 40 năm vào trường của sinh viên khoa ngữ văn 1980 - 1984 - Nguồn ảnh: Phan Dương Thy

"Giọng Nam, giọng Sài Gòn cũng là giọng Việt"

Thầy tôi tên Bùi Mạnh Nhị, từng là chủ nhiệm khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM, rồi là hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Khi dạy chúng tôi đầu thập niên 1980, thầy là giảng viên trẻ, mới 27, 28 tuổi.

Dù ở Sài Gòn từ năm 1977 đến lúc ra đi (5-4-2023), gấp đôi thời gian ở Nam Định (quê thầy), Hà Nội, giọng thầy vẫn là thổ âm Bắc xưa thật xưa: trầm trầm, thậm chí có vẻ buồn buồn… 

Hồi năm 1982, khi dạy văn học dân gian cho khối năm II khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM của tôi, thầy cất giọng hát bài "Ai lên quán dốc" theo thể ngũ âm Việt, nhịp điệu, giọng hát thầy trầm lắng, êm ả… Tôi nghĩ không chỉ tôi, khó đứa sinh viên nào bạn tôi quên được.

Thầy yêu thật thà câu quan họ, lời ca giọng nói nông thôn Bắc Bộ của mình. Và nhiều năm lặn lội sông nước miền Tây, thầy bảo: "Ca dao dân ca Nam Bộ cũng có hệ thống biểu trưng riêng". 

Thầy dẫn chứng: "Hình ảnh cá sấu, cọp là biểu trưng cho thiên nhiên hoang sơ, dữ dằn trong buổi đầu cha ông ta 'hành phương Nam' khai khẩn, còn con nước lớn là biểu trưng của những gian nan, vất vả. 

Chính vì không bị gò bó nhiều vào khuôn mẫu của những ước lệ, nên ca dao dân ca Nam Bộ có khả năng rộng mở, tạo nên và sử dụng những từ ngữ đầy sáng tạo".

Luận án tiến sĩ của thầy ở Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga vào năm 1995 là "Thi pháp trữ tình dân gian Việt Nam nhìn từ góc độ lý luận folklore học Nga". Thầy cho tôi coi. Tôi nghe trong đó âm hưởng lưu luyến quan họ Bắc Ninh và cả giọng hò mênh mông Đồng Tháp.

Có lần gặp thầy, thầy bảo tôi: "Giọng nói mộc mạc, chân chất của bà con Nam Bộ, của dân Sài Gòn thoạt nghe gồ ghề nhưng lại là cái duyên, nét duyên của thiệt bụng thiệt dạ". 

Khi nhiều phương tiện truyền thông hiếm xài giọng Nam Bộ, giọng Sài Gòn, thầy có vẻ không vui: "Giọng Nam, giọng Sài Gòn cũng là giọng Việt chứ có phải giọng ngoại quốc đâu mà e ngại".

Trong thầy, Sài Gòn yêu thương của thầy cũng gần gũi như giọng quê Bắc của thầy:

"Sài Gòn ơi những thương yêu

Bầu trời như giấy lụa điều đề thơ

Gửi ra nhắn bạn làng Hồ

Câu thương lẫn nhớ câu chờ chiều nay".

Thầy hiền lắm, lành lắm, yêu văn chương lắm; yêu một cách đằm thắm, không gõ trống khua chiêng. Với thầy, "đó là nghề, là nghiệp, là cõi thiêng".

Thầy tôi Bùi Mạnh Nhị, một kẻ sĩ Bắc Hà xưa yêu Sài Gòn, yêu Nam Bộ đằm thắm - Ảnh 2.

Thầy Bùi Mạnh Nhị (ngồi, bên phải) trong buổi kỷ niệm 40 năm vào trường của sinh viên khoa ngữ văn 1980 - 1984 - Nguồn ảnh: Phan Dương Thy

"Em đừng mua báo tốn tiền, cứ đến sạp của thầy đọc"

Hồi năm 1983, 1984 gì đó tôi không nhớ, không hiểu cách nào thầy lại tìm đến vùng Ông Tạ, cặm cụi đóng một sạp bán báo đối diện rạp hát Đại Lợi, bên tường rào nghĩa địa Thánh Minh (nay là chợ Phạm Văn Hai), cách nhà tôi vài bước chân. Lặng lẽ ngồi bán.

Tôi đi ngang, thấy thầy, nhói lòng thương thầy nhưng không dám vô mua, e thầy tủi. Phải nhờ người nhà mua. Sau thầy thấy tôi, kêu vào, nheo nheo mắt, cười hiền: "Em đừng mua báo tốn tiền, cứ đến sạp báo của thầy đọc".

Tâm tính ấy, tự trọng ấy nên thầy không thích làm ông này bà nọ cũng không lạ. Nhiều người quen chỉ lạ khi làm hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM vài năm, người ta điều thầy ra Hà Nội làm vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi làm chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, rồi làm ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, rồi chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước…

Những chức vụ này to tát lắm, nhưng tôi không nghĩ thầy tôi thích công việc này. Nhưng tính thầy là vậy, chịu đựng quen rồi. Cả khi làm quan chức, có vẻ thầy cũng không thích những buổi rình rang này nọ.

Thầy là nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng nhất, giải B thơ của Hội Văn nghệ Hà Nội, giải ba thơ của Hội Văn nghệ TP.HCM… Nhưng có lẽ thầy yêu văn chương Việt, không phải vì những danh hiệu nói thật là ít ai nhớ đó. 

Thầy đã ra một vài tập thơ, tập sách. Tập cuối cùng trước khi ra đi là "Trang sách trang đời" như một cách nhìn lại cõi đời thầy đã qua, sống trọn vẹn với cả sự thanh sạch của tâm hồn, trái tim thầy, không để bụi đời làm vẩn đục, dù nhiều lúc thầy ứa nước mắt với nó:

"Rót cho đầy ly cạn

Uống cho cạn ly đầy

Ta uống đừng bảo ta tỉnh

Ta uống chớ nói ta say

Ly này thật thà như trẻ

Ly này cao sâu như già

Rót đất trời vào ly nhỏ

Thiên địa rung rinh lòng ta

Rót cho đầy vĩnh cửu

Uống cho cạn thoáng qua

Sao em nhìn ta bật khóc

Rượu này có nước mắt pha".

Thầy Bùi Mạnh Nhị của chúng tôi đã đi hết cuộc đời khi mới 68 tuổi. Người thân và học trò thầy bàng hoàng.

Chúng em xin được bái lạy vị thầy phẩm cách luôn "sáng như sao Khuê" trong lòng bao thế hệ sinh viên - học trò sư phạm TP.HCM.

Nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM Bùi Mạnh Nhị qua đờiNguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM Bùi Mạnh Nhị qua đời

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị, nguyên vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đã qua đời sáng nay 5-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp