16/10/2012 12:42 GMT+7

Thầy tôi

TRƯƠNG THỊ XINH (nhà giáo ưu tú, Hội Cựu giáo chức huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) 
TRƯƠNG THỊ XINH (nhà giáo ưu tú, Hội Cựu giáo chức huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) 

TTO - Tôi chưa một lần được ngồi trong lớp của thầy. Tôi cũng không có diễm phúc được thầy cầm tay dạy từng nét chữ, nhưng với tôi hình ảnh về thầy rất thiêng liêng.

Kính dâng hương hồn thầy Nguyễn Trọng Răng (thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, Bến Tre)

ytQ6vZC3.jpgPhóng to

Ảnh minh họa: từ Internet

Mùa tựu trường năm ấy - 1958 - lũ trẻ xóm tôi nô nức đến trường. Đặc biệt là mấy đứa cùng tuổi tôi cứ nôn nao cho ngày đầu đi học. Hơn mười ngày rồi còn gì! Dường như cả nhà không ai nhớ tôi đã tới tuổi đến trường. Bởi lẽ bệnh của má tôi đang hồi nguy kịch. Má tôi bệnh đã gần hai năm. Chị tôi nghỉ học trước đó - lúc 13 tuổi - để ở nhà chăm sóc má. Anh tôi vừa lên lớp nhì (tức lớp 4 bây giờ). Ngoài giờ học, ở nhà anh phụ cha chăn dắt mấy con bò.

Tôi ở nhà, ngày ngày vào buồng nhìn má một chút, rồi lủi thủi ra hiên nhà chơi một mình dưới gốc cây gừa. Cây gừa to lắm, tán lá xanh um che phủ cả ngôi miếu thờ họ Võ - họ ngoại tôi - trái gừa to bằng đầu ngón tay rớt đầy trên mặt đất. Buổi chiều hôm ấy thầy của anh đến nhà thăm má tôi. Thầy ngồi uống trà và nói chuyện với cha tôi rất lâu. Rồi thầy ra hiên nhà gọi tôi. Tôi rụt rè đến bên thầy.

- Con có thích đi học không? - Dạ thích. - Sáng mai con theo anh đến nhà thầy, thầy dẫn con đi học. - Dạ.

Tôi reo lên và muốn khóc. Tôi sung sướng quá đỗi. Thầy mỉm cười xoa đầu tôi. Bàn tay thầy ấm áp làm sao và nụ cười đôn hậu như ông bụt trong truyện cổ tích mà ngày trước tôi đã nghe mẹ kể trong những đêm trăng sáng dưới hiên nhà.

Thế là tôi được đi học. Ngày đầu tôi đi cùng anh đến nhà thầy. Thầy đã chuẩn bị cho tôi một chiếc cặp, trong đó có quyển sách vỡ lòng, quyển tập, tấm bảng con, cây bút chì, hai viên phấn trắng. Thầy dẫn tôi đến trường. Thầy vào văn phòng hiệu trưởng một lát rồi đưa tôi xuống lớp. Cô giáo có vẻ ngần ngại vì tôi vào lớp trễ quá, sợ không kịp các bạn. Thầy nói chuyện một hồi lâu, cô giáo cho tôi vào lớp. Thầy xoa đầu tôi dịu dàng: “Ráng học giỏi nghe con!”.

Ngày ngày thầy đến lớp, đứng ngoài cửa sổ nhìn tôi một lúc, có hôm thầy mỉm cười gật đầu với tôi. Tôi vào lớp muộn hơn các bạn nên học hành có hơi vất vả, nhưng cứ thấy bóng thầy thoáng qua hành lang lớp học, tôi thấy lòng nhẹ nhàng và nhớ lời thầy: “Ráng học giỏi nghe con!”.

Tôi học được một tháng thì má mất. Việc học lại chùng xuống! Tôi càng lặng lẽ, ít trò chuyện với bạn bè, dễ tủi thân... Cô giáo yêu thương tôi nhiều hơn, chăm chút tôi từng chút. Và chiếc bóng của thầy ngày ngày đều đặn thoáng qua hành lang, dừng lại ở cửa sổ, thầy nhìn tôi rất dịu dàng. Nụ cười đôn hậu của thầy bên khung cửa lớp học suốt năm năm bậc tiểu học đã động viên tôi cố gắng vượt lên. Sau mỗi năm học, ngoài phần thưởng của trường, tôi còn nhận được một phần thưởng nhỏ của thầy.

Dạo ấy, quê tôi chỉ có trường tiểu học. Học hết lớp nhất, một số bạn thi lên trường tỉnh, một số lên Mỏ Cày học tiếp. Ai cũng ngỡ tôi sẽ nghỉ học, ở nhà phụ chăn mấy con bò nhưng thật may mắn, bác Ba ở Mỹ Tho đã nhắn tôi lên và cho tôi ăn học tiếp. Được tin này, thầy mừng lắm. Ngày tôi từ giã quê nhà đi học xa, thầy tiễn tôi ở bến đò. Thầy tặng tôi cây bút Pilot, xoa đầu tôi: “Ráng học giỏi nghe con! Lớn lên làm cô giáo".

Lời động viên của thầy ngày ấy đã hé mở cho tôi một hướng đi. Tôi chăm chỉ học tập, thi đậu vào Trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Rồi đậu tú tài và vào trường sư phạm. Bây giờ tôi đã là cô giáo. Tất cả những gì tôi làm được dường như ảnh hưởng rất nhiều từ thầy.

Ngày tôi được vinh dự đón nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú, tôi nhớ đến thầy. Nếu thầy còn sống, người sẻ mỉm cười như ông bụt. Giây phút ấy tôi thầm nghĩ: “Con nhận vinh dự này thay cho thầy, thầy ơi!“.

Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi

Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn, trở thành động lực để ta vươn tới.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.

Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn. Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài.

Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào.

Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết).

Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email [email protected], từ nay đến hết ngày 20-11-2012.

Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.

Các bài viết đã đăng:

TRƯƠNG THỊ XINH (nhà giáo ưu tú, Hội Cựu giáo chức huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp