18/10/2013 07:30 GMT+7

Thầy tìm việc cho hàng ngàn sinh viên

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Sau buổi dạy quản trị học tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, TS Đặng Thanh Vũ nhắn sinh viên trong lớp: “Bạn nào khó khăn, cần tìm việc làm thêm cứ nói với thầy. Giúp được thầy sẽ giúp...”.

O3o51zoM.jpgPhóng to
Tiến sĩ Đặng Thanh Vũ và sinh viên tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM chiều 17-10 - Ảnh: Hà Bình

Tối ấy điện thoại của ông Vũ rung lên. Một sinh viên nhắn tin: “Thưa thầy, nhà em khó khăn quá. Anh chị nuôi em đi học nhưng giờ không lo nổi nữa. Không tìm được việc làm chắc em nghỉ học quá...”.

Nước mắt của trò

"Khi mình giúp sinh viên có công ăn việc làm ổn định thì gia đình các em cũng ổn định và xã hội sẽ ổn định. Như vậy, mình góp một phần rất nhỏ bé vào sự ổn định của xã hội"

TS ĐẶNG THANH VŨ

“Nghe thế mình phải hành động ngay” - ông giáo kể lại với người viết. Hôm sau ông gọi điện cho một học trò cũ có quán cà phê gần trường: “Quán em mới mở, cần người phụ thì cho thầy gửi một bạn”. Xong xuôi, ông kêu bạn sinh viên mang hồ sơ đến căn dặn: “Thầy chỉ giúp em công việc bán thời gian lúc đầu. Sẽ cực nhọc nhưng em đừng nề hà. Mình phải bắt đầu từng bước. Em nhớ phải sống thật lòng, đừng gian dối. Đó chính là tài sản của mình”.

Công việc làm thêm ấy đã giúp cô sinh viên trang trải việc học. Đến hè, để tăng thêm thu nhập, bạn xin đi làm thêm gia sư. Mới đây gặp lại thầy Vũ, cô sinh viên khoe được phụ huynh học sinh thương như con trong nhà, giúp đỡ nhiều cho việc ăn học. “Cũng nhờ bài học về chăm chỉ, sống thật lòng, không gian dối thầy dạy em nên cô chủ nhà thương” - cô sinh viên nhắc. Ông bảo: “Em xin phép chủ nhà khi nào rảnh cho thầy đến thăm, cảm ơn vì đã giúp đỡ học trò của thầy”. Nghe thế, mắt cô sinh viên rơm rớm nước: “Nghe thầy nói em muốn khóc”. Ông thầy tiếp lời: “Cha mẹ em ở xa. Coi như thầy thay mặt cha mẹ em cảm ơn người ta...”.

Cô sinh viên tên Hoa Lư (quê Cà Mau) này là một trong hàng ngàn trường hợp được thầy Vũ tìm việc cho. Không nhớ hết, nhưng người thầy chuyên ngành du lịch ước tính từ năm 1999 đến nay, cứ mỗi năm ông tìm việc cho hơn 100 sinh viên. Riêng từ đầu năm đến nay, ông Vũ khoe đã tìm được việc cho 70 bạn. Có sinh viên ông đưa ra tận Côn Đảo, Phú Quốc để nhận việc xong ông lại quày quả quay về. “Tôi chỉ giúp các em công việc bước đầu như lễ tân, tiếp tân, phục vụ... trong các nhà hàng, khách sạn. Sau đó các em phải tự phấn đấu để vươn lên” - ông Vũ nói.

Và trong hàng ngàn học trò ông tìm việc giúp giờ có người đã làm giám đốc, phó giám đốc các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch ở TP.HCM, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hà Tĩnh... “Đây cũng là những nơi tôi gửi gắm học trò mình” - ông Vũ cười thật tươi kể thêm.

Thấy “tuyển nhân viên” là vào hỏi

Ông Vũ kể mình bắt đầu tìm việc cho sinh viên từ năm 1999 khi là giảng viên Trường ĐH Văn Hiến. “Niềm vui của học trò khi tìm được việc làm khiến tôi tiếp tục đồng hành cùng các em...” - ông Vũ chia sẻ.

Nguồn việc làm ông Vũ giới thiệu cho sinh viên chủ yếu từ những nhà hàng, khách sạn, khu du lịch mà ông quen biết. Họ nhờ ông giới thiệu sinh viên, cử nhân ngành du lịch mới ra trường về làm việc. Ngoài ra cũng có những “mối” là học trò được ông tìm việc trước đó đứng ra “bảo lãnh” cho đàn em khi được thầy Vũ giới thiệu. Có hôm đang đi trên đường thấy bảng “tuyển nhân viên” từ một khách sạn, ông Vũ quay xe lại vào hỏi thăm, ghi chú cẩn thận thông tin để giới thiệu cho trò.

Để giữ uy tín với nhà tuyển dụng, ông Vũ đặt ra nguyên tắc bao giờ cũng “sơ vấn” học trò trước khi giới thiệu. “Mình phải nắm trước điểm mạnh điểm yếu, sở trường, tính tình của từng em để giới thiệu công việc cho phù hợp với tiêu chuẩn. Mấy em nhờ xin việc tôi cũng phải gặp mặt, nói chuyện trước rồi mới tìm chỗ phù hợp chứ không chỉ đại được” - thầy Vũ kể.

Thế nhưng cũng có lần ông Vũ tìm việc cho trò thất bại. “Bạn này tốt nghiệp ngành du lịch. Sau nhiều lần sàng lọc, tôi giới thiệu cho em ba nơi nhưng không hiểu sao cả ba chỗ đều lắc đầu. Tôi nói em đừng nản, thầy sẽ đồng hành cùng em đến khi nào xin việc được mới thôi. Nhưng sau đó em có vẻ ngại vì nghĩ làm phiền tôi quá nên không liên lạc với tôi nữa. Tôi gọi điện hỏi thăm em cũng không được” - ông trầm ngâm.

Sau 14 năm tìm việc cho sinh viên, ông Vũ đúc kết sinh viên có mấy điểm cần cải thiện là ngoại ngữ, ít ngôn từ trong giao tiếp và kỹ năng giao tiếp chưa tốt nên dễ mất lòng người khác. Ông dẫn chứng: “Tôi nói với sinh viên rất nhiều, ngoại ngữ giỏi rất có lợi cho các em nhưng sinh viên hiện cũng rất yếu. Sinh viên cũng yếu về ngôn từ trong diễn đạt, giao tiếp. Chẳng hạn có bạn khi nói chuyện với thầy cô lại dùng từ ngụy biện thay vì biện minh... Tôi nói với sinh viên hoài, xảy ra xung đột, gây gổ cũng chỉ vì có hai từ nhiều người không chịu học. Đó là cảm ơn và xin lỗi”.

Hỏi ông được gì sau khi tìm việc cho hàng ngàn sinh viên, ông giáo cười sảng khoái: “Có được gì đâu”. Rồi như nhớ ra, ông nói thêm: “Có được, được chớ. Đó là học trò vẫn nhớ đến mình, bao nhiêu năm gặp lại học trò vẫn dạ thưa thầy, có đứa đến nhà thăm, có đứa bảo nhất định thầy phải dự đám cưới của em nữa...”.

Thầy trò cùng làm

Để tạo việc làm thêm cho sinh viên, ông Vũ “đầu tư” hơn 10 triệu đồng để cùng học trò làm dự án “Bánh mì đường phố” gần Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Những xe bánh mì này do sinh viên quản lý, phục vụ theo giờ để kiếm thêm tiền trang trải việc học. “Tháng đầu tổng kết lại lỗ hết 3 triệu đồng, rồi mấy quán kế bên bị mất khách lên tiếng hăm dọa nên tạm thời phải ngưng. Tôi nói các em đừng nản, sẽ có cách thôi. Sắp tới thầy trò sẽ thuê một mặt bằng phía sau trường cho các em làm. Hiện nhiều em vẫn đang xin làm nhưng chưa giải quyết hết” - ông Vũ nói thêm.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp