Phóng to |
Hai thầy thuốc trẻ Phan Ngọc Tiến (bìa phải) và Lò Văn Tuấn tẩm màn chống muỗi cho bà con một bản người Thái - Ảnh: Đình Dân |
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
30 năm “đuổi bệnh”
Mãi tới lúc mặt trời lên đỉnh đầu mới nghe tiếng xe đạp cọc cạch sau mấy nương ngô. Người đàn ông gầy gò với chiếc túi y tế trên vai chính là Lò Văn Dung, người có 30 năm “đuổi bệnh” ở Na Vai.
“Cái nhà con Lò Thị Piêng nó bị đau bụng quá kêu mình xuống. Mình thấy có triệu chứng đau ruột thừa nên chuyển lên bệnh viện trên rồi. Mình mà trễ vài khắc thì không cứu được nữa”, anh Dung kể về ca cấp cứu sáng nay như vậy. Bản Na Vai có 90 hộ dân, trong đó 80% là người dân tộc Thái, Lò Văn Dung là con thứ ba trong một gia đình 10 anh em.
Hồi đó bản thiếu thốn y tế quá, em gái của anh lại ốm đau triền miên, cha Lò Văn Dung và dân bản liên tục động viên anh Dung đi học. Lò Văn Dung bước vào nghề y với quyết tâm chữa bệnh cho em gái, cho dân làng Na Vai. Anh tham gia lớp y tá sáu tháng do Trung tâm Y tế huyện Điện Biên mở tháng 8-1980.
Học xong, anh chỉ kịp về Na Vai lấy vợ, ở với vợ được hai tháng thì xung phong lên cắm ở xã Phì Nhừ - một xã vùng sâu vùng xa nhất của huyện. “Phì Nhừ thiếu y tế quá, mình đang trẻ nên xung phong”, anh nói. Lò Văn Dung và một y sĩ nữa cắm tại đây, phục vụ gần 1.000 dân. Từ Phì Nhừ về nhà thăm vợ anh phải mất một ngày vượt 70km đường rừng, nói là đường chứ thật ra chỉ là lối trâu bò đi. Có khi đi được nửa đường anh phải gửi xe đạp ở nhà người dân bên đường vì xe không thể đi tiếp trên đường lầy.
Người vợ trẻ động viên chồng rất nhiều, ngay cả khi chị sinh con đầu tiên anh mải chữa bệnh trên Phì Nhừ nên không về kịp chị vẫn bảo anh “phải ráng lên”. Thế nhưng, dân bản Na Vai lại trách móc anh mỗi khi con trăng lên: “Thằng Lò Văn Dung là người dân bản cử đi học, học xong lại đi chỗ khác mà không về giúp dân bản đuổi bệnh”. Trong ly rượu tạ tội với bản, Lò Văn Dung giải thích: “Mình là thanh niên phải đi cống hiến rồi về phục vụ dân bản sau”.
Hơn ba năm sau khi vợ đã có hai mặt con, Lò Văn Dung mới quay trở về Na Vai. Ngày đó dân làng ăn mừng linh đình. Họ đón y tá, đón đứa con bản làng trở về. Thế nhưng dân bản không ai biết khi anh về lại bỏ lỡ một cơ hội: “Họ hứa nếu ở lại thì mình sẽ được vô biên chế, trở thành công nhân viên chức nhà nước.
Nhưng mình nghĩ như thế lại phụ lòng dân bản, thế là quay về”, anh cười nói. Về bản, “lương” của anh là 20 cân thóc mỗi năm xã cho, nhưng từ làng trên xã dưới, đêm hôm khuya khoắt có ai ốm đau là anh lại quảy đồ đạc đốt đuốc lên đường.
Trên những nẻo rừng
Sáng sớm, hai chàng trai trẻ Phan Ngọc Tiến và Lò Văn Tuấn (28 tuổi) cơm nắm lên đường. Hai chiếc áo blouse trắng tinh được xếp gọn gàng trong balô bộ đội. Tiến giải thích: “Nếu mặc áo blouse thì đi đường vất vả lắm, chờ vào trong đó mình mới khoác vào thôi”. Hai chiếc xe máy trầy trụa, méo mó vì những ngày vượt đường rừng vào bản. Tiến đổ thêm xăng vào đầy bình và buộc thêm chai xăng dự bị treo lủng lẳng trước xe.
“Các anh vào bản hả? Vào rồi nhớ quay trở ra sớm nhé!”, “Tối qua trời dông to, giờ đường vào bản khó lắm đấy”... Nhiều cô gái người Thái trắng nói vọng từ những nương ngô, từ gác nhà sàn khi thấy Tiến và Tuấn dong xe về phía dốc Yên Ngựa.
Tiến 26 tuổi, quê ở xã Thụy Phúc, Thái Thụy, Thái Bình. Tốt nghiệp trường y, bỏ mặc lời khuyên của bạn bè, lời can ngăn của họ hàng, anh khăn gói lên rẻo cao này. Tiến tâm sự: “Trước khi lên đây đã xác định tư tưởng rồi, nhưng mất một tháng đầu nhớ nhà và buồn lắm. Sau vài lần đi khắp bản làng chữa bệnh cho bà con thấy thương quá, không rời được nữa”. Từ ngày lên đây Tiến chỉ về thăm nhà một lần vào tết 2009. Còn anh Lò Văn Tuấn, 28 tuổi, rời thành phố Điện Biên năm 2007 để lên với trạm rẻo cao còn nghèo về y tế.
Hôm nay họ đi vào bản Nậm Củng và bản Xìn Thàng để tẩm màn, xịt muỗi và tiêm phòng cho bà con. Đường tới bản khủng khiếp hơn những gì chúng tôi tưởng tượng. Đó là những lối mòn chọc sâu vào vách núi dựng đứng, dưới chân chúng tôi là những vực sâu rợn người. Hai chiếc xe máy run lên bần bật như chiếc máy đầm. Thỉnh thoảng có cây to đổ ra chắn ngang đường hay những khối núi sạt lở che lấp cả con đường.
Những lúc đó anh em lại hò nhau gánh xe để đi tiếp. Tuấn vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt nói: “Cách đây một năm không có đường anh em chúng tôi đành phải đi bộ. Vào đến bản Xìn Thàng mất đúng một ngày, giờ có đường thì đi xe mất một giờ rồi gửi xe dưới bản Hô He đi bộ thêm năm giờ nữa mới tới nơi”. Tuấn đã một lần gãy xương vai khi vượt dốc Yên Ngựa để vào bản tiêm phòng lao cho trẻ.
Đến trưa khi nước trong biđông hết sạch, nắng chiếu thẳng đứng giữa đỉnh núi chúng tôi cũng tới bản Nậm Củng. Bản nằm yên bình dưới một thung lũng, con suối ngày đêm róc rách bên làng. Những em bé chưa quen mặc quần áo đứng nép nhìn rồi cười khúc khích chạy trốn. Trưởng bản Lò Văn Chem cười khà khà bắt tay chào đón các y tá tới bản. Một lúc sau nhà trưởng bản đông ken người, lũ lượt phụ nữ ôm mùng màn đến để tẩm thuốc. Lũ trẻ kéo nhau tới để xem, có đứa khóc thét lên đòi chạy trốn vì sợ tiêm... Hai chiếc áo blouse trắng tinh khoác lên người và một ngày làm việc của hai y sĩ trẻ bắt đầu.
Trưởng bản Lò Văn Chem kể: “Ở bản thằng Tuấn và thằng Tiến được coi như con. Tụi nó đang trẻ mà biết nghĩ tới bản làng. Nhiều lần bọn nó vào bản mắc cơn mưa rừng phá hư đường nên phải ở lại bản cả tuần mới ra được. Mấy bữa đó tao cũng thương bọn nó nhưng ở lại uống rượu với bản cũng vui”.
Buổi tối hôm đó chúng tôi ở lại Nậm Củng vì xong việc thì trời cũng tối, không kịp quay trở ra. Bên bếp lửa của làng hai chàng trai trẻ cùng họ đi những điệu múa xòe, cùng hát, uống rượu với cả bản làng. Nhiều lần nói chuyện hai anh cũng nói giọng của bản làng, thậm chí khi hỏi tuổi anh Tiến trả lời: “Tớ cũng đông tuổi (nhiều tuổi - NV) rồi...”. Mỗi lần như thế anh gãi đầu ái ngại giải thích: “Sống lâu cũng quen, giờ về thành phố lại nhớ trên này nên về được vài ngày là mình lại lên”. Với họ, con đường vào bản làng cũng chính là con đường khai phá đến tương lai...
Đón đọc số tới: Những chuyến ngược xuôi lam lũ Mỗi ngày có hàng trăm người Việt ở các tỉnh miền Trung tìm đường mưu sinh trên đất Lào, đất Thái. Con đường nhọc nhằn nào chờ đợi họ bên kia biên giới? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận