Thầy Trần Cao Quanh hỗ trợ cho một bạn nhỏ bị chứng tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Dựng chống xe trước cửa Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế, chị C. (mẹ của bé P., 7 tuổi) tỏ vẻ bối rối khi con mình khóc thét, không chịu vào lớp học. Bé P. được phát hiện mắc hội chứng tự kỷ từ năm 2 tuổi. Cháu thường tăng động, không nghe lời ai và chậm nói.
Hai mẹ con dùng dằng mãi mà P. vẫn chưa chịu vào lớp. Nghe tiếng hét của P., thầy Trần Cao Quanh (32 tuổi), giáo viên Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế, ở trong lớp đi ra và cất tiếng: "Bạn P. đến rồi à. Lại đây với thầy nào". Như một phản xạ tự nhiên, P. vung tay mẹ rồi chạy sà vào lòng thầy Quanh. Hai thầy trò nắm tay nhau đi vào lớp học...
Nghề chọn
"Sáng nào cũng vậy, P. chỉ chờ có thầy Quanh ra đón thì cháu mới chịu vào lớp. Cũng nhờ thầy và các cô ở đây cháu mới dần dần giao tiếp được với mọi người ở nhà", chị C. chia sẻ.
Gắn với nghề giáo viên đặc biệt cho trẻ tự kỷ đã hơn 10 năm nay, thầy Trần Cao Quanh nói rằng đúng là nghề đã chọn mình chứ mình không chọn nghề. Hơn mười năm trước, cậu sinh viên sư phạm khoa tâm lý giáo dục Trần Cao Quanh cứ nghĩ rằng sau này tốt nghiệp sẽ làm giảng viên ở một trường đại học, cao đẳng hay giáo viên hướng nghiệp ở trường phổ thông tại quê nhà.
Ngờ đâu Quanh là một trong những sinh viên được tuyển chọn tham gia một khóa đào tạo giáo dục đặc biệt với các giáo viên người Đức. Kể từ đó, cậu sinh viên trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ và dần dần yêu công việc này từ khi nào.
"Nhiều bạn nhỏ đến tuổi đi học được bố mẹ đưa đến trường mẫu giáo thì bị từ chối, không tiếp nhận vì các bạn rất khó hòa đồng với trẻ cùng trang lứa. Các bạn nhỏ không thể bị kỳ thị như vậy" - thầy Quanh nói.
Ban đầu Quanh được giới thiệu về làm việc tại Tịnh Trúc Gia - trung tâm dạy nghề và đời sống cộng đồng cho trẻ vị thành niên khuyết tật ở Huế. Tuy nhiên, trung tâm này chỉ nhận trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
"Còn những trẻ bị tự kỷ được phát hiện ở độ tuổi nhỏ hơn thì sao? Các bạn ấy nếu được hỗ trợ can thiệp sớm thì cơ hội phát triển, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn rất nhiều" - thầy Quanh tâm tư. Đó chính là lý do chàng trai trẻ nghỉ việc ở Tịnh Trúc Gia và đến với Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế - nơi đánh giá, tiếp nhận các bạn nhỏ bị tự kỷ từ 2 tuổi trở lên.
Hơn 10 năm làm bạn với trẻ tự kỷ, thầy Quanh kể rằng mình và đồng nghiệp không ít lần đã phải đổ máu vì bị học trò của mình cấu cắn.
"Có lần khi bế một bạn bị chậm nói vào lớp, tôi bất ngờ bị bạn ấy cắn vào tai, chảy cả máu. Vết cắn gây đau nhức cả tuần trời, nay vẫn còn sẹo ở tai" - thầy Quanh kể.
Niềm vui giản đơn
Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế hằng ngày đang hỗ trợ cho hơn 20 bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ. Các lớp học ở trung tâm được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất được hỗ trợ các kỹ năng để tự phục vụ bản thân dành cho các bạn mới đến. Nhóm thứ hai là nhóm tiền tiểu học. Các bạn nhỏ được học chung với nhau và được dạy viết chữ, tập đọc.
Thế rồi dịch COVID-19 ập đến Huế, trung tâm buộc phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo chủ trương của tỉnh.
Chị Lê Thị Kim Anh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế, nói rằng đây là điều mà các giáo viên của trung tâm lo ngại nhất. Nhiều trẻ sau thời gian nghỉ học dài ngày sẽ thay đổi tâm sinh lý, không còn nghe lời thầy cô dẫn đến việc hỗ trợ kém hiệu quả.
Thế là thay vì đợi trò đến lớp, thầy Quanh và các giáo viên ở trung tâm đã chia nhau ra, hằng ngày đến từng nhà học trò để tiếp tục hỗ trợ các bạn.
"Cũng may mắn là trung tâm có đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, hết lòng vì các bạn nhỏ như thầy Quanh, thầy Cường... Vậy nên mọi người đều chẳng quản ngại đường sá xa xôi mà đến tận nhà hỗ trợ các bạn nhỏ" - chị Kim Anh nói.
Khác với khi hỗ trợ ở trung tâm, mỗi lần đến nhà riêng của học sinh thầy Quanh cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bởi nếu gặp tình huống như bị trẻ cắn hoặc trẻ không kiềm chế mà tự hủy hoại bản thân thì giáo viên phải tự xử lý chứ không có sự trợ giúp của các đồng nghiệp như khi ở trung tâm.
"Công việc áp lực như vậy có khi nào thầy muốn từ bỏ?" - tôi hỏi. Nở nụ cười trên môi, thầy Quanh trả lời rằng cũng từng có lúc cảm thấy áp lực khi hằng ngày phải nghe tiếng la hét thất thanh của những bạn nhỏ. "Nhưng ai cũng nghĩ như vậy thì đám trẻ sẽ ra sao? Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai?" - hai câu hỏi như thay câu trả lời của người thầy giáo.
Vuốt nhẹ lên gò má bạn nhỏ ngồi đối diện, thầy Quanh kể rằng dù nghề giáo viên hỗ trợ đặc biệt này khá áp lực nhưng đem lại cho thầy nhiều niềm vui.
"Như bạn nhỏ bị chậm nói này, ngày đầu tiên bạn ấy phát âm được tiếng "ba", tiếng "mẹ" một cách tròn trịa làm tôi mừng chảy nước mắt. Rồi có bạn nhỏ bị chậm nói khác sau mấy năm được tôi hỗ trợ đã vào học lớp 1 và đạt danh hiệu học sinh giỏi nữa" - thầy Quanh nhìn cậu học trò ngồi yên trước mặt rồi nở nụ cười.
Mong có một nơi dạy nghề đặc biệt cho trẻ tự kỷ
Chị Lê Thị Kim Anh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ can thiệp sớm Huế, cho biết hiện nay ở Huế đang thiếu một nơi để trẻ tự kỷ sẽ chuyển tiếp môi trường sau khi được hỗ trợ can thiệp. Theo chị, hiện nay các trung tâm hỗ trợ can thiệp sớm ở Huế gần như được lập ra từ nguồn tư nhân, không đủ nguồn để xây dựng nơi dạy nghề cho các bạn mắc chứng tự kỷ.
"Hiện nay ngoài việc hỗ trợ can thiệp giúp các bạn nhỏ có kiến thức và hành vi ổn định thì chúng tôi cũng cố gắng liên kết với một số nơi để tìm chỗ dạy nghề đặc biệt cho các bạn. Tuy nhiên về lâu dài, tôi mong tỉnh quan tâm để xây dựng một nơi dạy nghề đặc biệt cho các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ này, giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc hòa nhập cộng đồng", chị Kim Anh nói.
Nên duyên chồng vợ
Cũng nhờ công tác tại trung tâm mà thầy Trần Cao Quanh quen được người đồng nghiệp Trần Thị Hồng. Hai người sau đó đã nên duyên chồng vợ. Đám cưới của vợ chồng thầy Quanh tổ chức đơn giản và hạnh phúc với sự tham gia của những bạn nhỏ là học trò của cả hai.
"Có lẽ chính những bạn nhỏ tự kỷ là người kết nối hai vợ chồng tôi đến với nhau. Được thấy các bạn mà mình hỗ trợ nở nụ cười vui vẻ trong đám cưới của mình, cảm xúc lúc đó thật khó tả" - thầy Quanh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận