Tác giả Nguyễn Hữu Nhân (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) đưa học sinh thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng, TP.HCM) - Ảnh do tác giả cung cấp |
Qua đọc báo, tôi nhận thấy Tuổi Trẻ có nhiều bài viết giúp tôi rất nhiều trong việc giảng dạy nên tôi chọn những bài, ảnh phù hợp để lưu giữ làm tài liệu. Đến nay, sau hơn mười năm lưu trữ, tôi đã có kho tài liệu riêng của mình, nhờ đó hiểu biết của tôi nhiều hơn và ứng dụng vào việc dạy học tốt hơn.
Với ước mơ làm cho học sinh thêm tự hào, yêu thích môn lịch sử, khi lên lớp tôi đều cố gắng sử dụng thêm tư liệu từ Tuổi Trẻ để bài giảng thêm phong phú. Tuy đây là những kiến thức ngoài kiến thức chuẩn ở sách giáo khoa nhưng tôi nhận thấy có sức lôi cuốn học sinh rất lớn.
Dạy môn công dân, tôi thường đưa các em tiếp cận trước những bài viết có liên quan trên mục Ký sự pháp đình của Tuổi Trẻ vì những bài viết ở mục này thu hút học sinh hơn các dẫn chứng mờ nhạt trong sách giáo khoa. Sau nhiều năm áp dụng cách dạy như vậy, học sinh lớp tôi đã không còn xem môn công dân là khô khan, khó hiểu mà hăng hái đón chờ giờ học.
Không chỉ đưa những bài viết sinh động trên Tuổi Trẻ vào bài giảng, tôi xây dựng luôn cho các em thói quen đọc báo. Ở độ tuổi học sinh trung học cơ sở, không dễ gì đưa tờ Tuổi Trẻ đến với các em được.
Thế nên tôi bắt đầu bằng việc chọn những tin, bài gần gũi với các em, đọc cho các em nghe. Sau đó giới thiệu, hướng dẫn các em đọc và trao đổi suy nghĩ về tin, bài, nhân vật, tình huống mà báo đã đăng. Thời gian đọc báo là 15 phút trước giờ học, giờ ra chơi, các tiết sinh hoạt...
Từ chỗ chưa quen với Tuổi Trẻ, các em đã háo hức đợi thầy mang báo đến cho lớp mỗi ngày. Những bài phù hợp, tôi khuyên các em đọc trước. Sau buổi học, các em có thể mượn báo về để gia đình cùng đọc rồi trả lại vào hôm sau. Mỗi ngày đến lớp, nghe các em hỏi: “Thầy ơi! Có báo mới chưa?”, tôi vui khôn tả.
Rồi tôi mạnh dạn đưa việc đọc và bày tỏ ý kiến với các bài báo phù hợp tình hình thời sự như bảo vệ chủ quyền biển đảo, thái độ trước các tệ nạn xã hội, việc sử dụng Facebook, các tình huống vi phạm pháp luật ở tuổi thanh thiếu niên và cách phòng chống... vào nội dung giờ sinh hoạt chủ nhiệm với thời lượng vừa phải.
Việc này làm cho giờ sinh hoạt cuối tuần bớt nặng nề và tập cho học sinh có thói quen đánh giá, rút ra bài học cho bản thân. Qua thời gian thực hiện, nhà trường đã đánh giá cao cách làm của tôi và khuyến khích đồng nghiệp cùng làm. Học sinh các khối lớp khác cũng dần biết đến Tuổi Trẻ.
Khi báo Tuổi Trẻ mở chuyên mục Câu chuyện giáo dục và Giáo dục dưới mắt mọi người, tôi hăng hái tham gia viết bài. Tất cả những chuyện tôi gửi cho báo là chuyện đời tôi trong suốt mấy mươi năm vui buồn trên bục giảng. Nhân vật trong bài viết chính là các em lớp tôi dạy, tôi làm chủ nhiệm, là các em học sinh ngồi chung một lớp với nhau suốt một năm học... Tình huống trong bài viết là tình huống tôi và các em đã trải nghiệm.
Những câu chuyện đó cũng giúp tôi nhìn nhận lại bản thân, là bài học vô giá, lúc nào cũng còn nguyên giá trị trong việc hình thành kỹ năng sống cho trò và cả cho thầy. Những bài viết ấy được học sinh, phụ huynh các em và các đồng nghiệp của tôi đón nhận với tình cảm chân thành. Những nụ cười và nước mắt của thầy trò khi đọc bài trên báo là món quà vô giá với tôi.
Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển (2-9-1975 - 2-9-2015), báo Tuổi Trẻ đã nhận được sự gắn bó, sẻ chia của biết bao thế hệ bạn đọc. Không chỉ với tư cách người đọc báo mà bạn đọc còn cùng làm báo, góp sức, hiến kế để Tuổi Trẻ ngày càng lớn mạnh, vững vàng và chuyên nghiệp hơn. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ. Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công. Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn. Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu. Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn. Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “”. Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ. Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận