Cô Natalie (bìa phải) họp mặt cùng bạn bè ở VN - Ảnh: NVCC |
Dễ dàng tìm việc, thu nhập tương đối cao, môi trường sống thoải mái, cộng với văn hóa thú vị và con người thân thiện... là những yếu tố chính thu hút nhiều giáo viên nước ngoài thuộc nhiều châu lục khác nhau đến VN sinh sống và làm việc.
Khám phá châu Á
Phần lớn giáo viên từ các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Úc... đến VN với mục đích chính là trải nghiệm văn hóa châu Á. Họ có thể thoải mái đi du lịch khám phá văn hóa và con người châu Á với số tiền có được từ công việc dạy tiếng Anh và giờ giấc dạy học linh động.
Natalie Markides, sinh ở đảo Cyprus (cựu thuộc địa Anh), đến Anh theo học Ðại học Manchester Metropolitan (MMU). Sau khi tốt nghiệp ÐH, cô muốn đến một quốc gia Ðông Nam Á dạy học với mục đích chính là đi du lịch khắp châu Á.
Trong quá trình tìm việc, cô quyết định chọn VN vì nghe nói giáo viên tiếng Anh ở VN được trả lương cao hơn những quốc gia Ðông Nam Á khác, chẳng hạn như Thái Lan.
Ngoài ra, cô gái trẻ này cũng nghe nói VN sử dụng hệ thống chữ cái alphabet và ở TP.HCM có cộng đồng lớn người phương Tây sinh sống. Theo cô, đó là những yếu tố thuận lợi giúp cô có thể hòa nhập nhanh vào cuộc sống ở VN. Hiện Natalie đang dạy môn tiếng Anh cho học sinh lớp 5 các trường tiểu học công lập ở TP.HCM.
Chris Roll, trên 40 tuổi, là giáo viên dạy tiểu học ở Anh và rất yêu thích công việc “gõ đầu trẻ”. Do nghề dạy học ở quê nhà quá căng thẳng, ít thời gian nghỉ ngơi nên ông muốn ra nước ngoài sinh sống. Trước khi đến VN, ông từng có quãng thời gian dạy học bốn năm ở châu Phi.
“Tôi chọn VN vì muốn khám phá văn hóa châu Á và nghe nói giáo viên nước ngoài có rất nhiều cơ hội việc làm ở đây. Tính đến nay tôi đã dạy học ở VN được năm năm và rất yêu đất nước này” - Chris, hiện đang giảng dạy ở Trung tâm ngoại ngữ ILA, TP.HCM, chia sẻ.
Trong khi đó chàng trai trẻ người Úc Timothy Connell, cử nhân ngành giáo dục sức khỏe và vận động cơ thể Ðại học Sydney (Úc), đến VN cách đây tám năm. Ban đầu anh làm quản lý cho một khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang và sau đó đến TP.HCM làm giáo viên thể dục của Trường Quốc tế Mỹ trong bảy năm qua.
“Thật sự tôi không biết gì nhiều về VN. Tôi chỉ muốn du lịch vòng quanh châu Á. Nhưng khi đến VN, tôi cảm thấy yêu văn hóa đất nước này và quyết định ở lại lâu hơn”, Timothy cho biết.
Ngoài ra chi phí sinh hoạt rẻ cũng khiến Timothy quyết định gắn bó lâu dài với VN. Timothy nói ở Úc anh chỉ có thể để dành 10-20% số tiền kiếm được từ nghề dạy học nhưng ở VN anh có thể dành đến 50% thu nhập để giúp đỡ gia đình và trả tiền vay học phí học ÐH cho chính phủ.
Thầy Ashok Kumar, cô Anna Lyza Felipe và cô Cherry Sriratanaviriyakul - Ảnh: Q.trung |
Môi trường sống an toàn, thoải mái
Không giống giáo viên phương Tây thích phiêu lưu, mạo hiểm, các giáo viên người châu Á chọn VN vì thích trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài cũng như đánh giá cao môi trường sống thoải mái ở đây. Hầu hết giáo viên này đều có kinh nghiệm giảng dạy ở quê nhà và hiện đang giảng dạy tại các trường ÐH ở VN, trong đó có các trường ÐH quốc tế.
Năm 2008, thầy V. Ashok Kumar (người Ấn Ðộ), hiện là giảng viên ngành khoa học ứng dụng ÐH RMIT, dành hơn ba tháng tìm hiểu và nghiên cứu về VN sau khi tìm được cơ hội làm việc ở đây. Nhận thấy TP.HCM là môi trường sống tuyệt vời nên ông cùng vợ và con nhỏ quyết định sang đây sinh sống.
“Tôi nói với cha tôi là tôi muốn sang TP.HCM làm việc và sinh sống vì thành phố này đang phát triển rất nhanh và cha tôi đồng ý. Ở VN khí hậu và điều kiện sống tương tự Ấn Ðộ, thậm chí nơi đây còn an toàn hơn quê nhà của tôi. Ban đầu tôi chỉ dự định sinh sống ở VN trong hai năm, nhưng gia đình tôi đã ở đây hơn sáu năm rồi”, thầy Kumar vui vẻ cho biết.
Còn cô Cherry Sriratanaviriyakul (người Thái Lan) trước đây giảng dạy ngành dịch vụ khách hàng tại một trường quốc tế ở thủ đô Bangkok trong bốn năm. Cô nghe một đồng nghiệp kể về ÐH quốc tế RMIT ở VN được thiết kế theo hệ thống giáo dục của Úc nên liền xin phép mẹ qua VN dạy học và sinh sống với mục đích du lịch và khám phá một đất nước mới.
“Sau một thời gian thuyết phục, mẹ tôi đồng ý cho tôi qua VN. Cho đến giờ tôi đã dạy học ở đây được hơn năm năm. Khi đến VN, tôi đến thẳng khu vực Phú Mỹ Hưng để sinh sống vì nơi này khá phát triển và phù hợp với những người nước ngoài như tôi”, cô Cherry chia sẻ.
Cherry còn cho biết cô chụp nhiều ảnh về khu đô thị Phú Mỹ Hưng và đăng lên Facebook. Sau khi trông thấy những tấm hình này, nhiều bạn bè của cô bên Thái cho biết khu đô thị này sao trông giống Hong Kong.
Cô Anna Lyza Felipe (người Philippines) lại chia sẻ câu chuyện khá đặc biệt về cơ duyên sang VN dạy học. Cô là người rất yêu thích đi du lịch ở VN.
Cách đây khoảng ba năm cô đến TP.HCM du lịch và biết được thông tin Trường RMIT đang tuyển giáo viên, thế là cô nộp đơn theo kiểu có cũng được, không đậu cũng chẳng sao dù lúc đó cô hiện đã là giảng viên một trường ÐH ở Philippines trong 15 năm.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị rời VN thì cô bỗng nhiên nhận được cuộc gọi phỏng vấn của Trường RMIT và được tuyển dụng sau đó. Thế là sau nhiều ngày cân nhắc kỹ lưỡng, cô quyết định nói chuyện với ban giám hiệu trường ÐH ở Philippines và quyết định sang VN làm việc và sinh sống.
Anna chia sẻ khoảng thời gian đầu cô sinh sống ở quận 3, tuy nhiên cô gặp khó khăn trong giao tiếp với người địa phương nên quyết định chuyển sang khu vực Phú Mỹ Hưng. Ở đây cô có thể đi làm gần hơn và dễ hòa nhập hơn vì có cộng đồng người nước ngoài đông đảo.
Ngay tuần đầu tiên ở VN, cô Lindsay Erdman, đang dạy tại Trường Quốc tế Mỹ, tập đi xe máy. Có lần xe máy của cô bị hư tại một khúc cua ở Q.1 giữa lúc đi công việc gấp. Có một ông lão địa phương nhìn cô và chỉ tay phía bên kia đường đối diện có quán gà rán KFC. “Lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên và giận dữ. Tại sao xe tôi bị hư mà ông ấy lại chỉ tôi cửa hàng KFC?” - cô Lindsay nhớ lại. Sau 10 phút tranh cãi với ông lão bằng... tay, cuối cùng ông lão bất ngờ đẩy xe của cô sang phía bên kia đường. Ông ấy chỉ cho cô thấy một điểm sửa xe vỉa hè phía trước quán KFC. Lúc đó cô Lindsay mới nhận ra đã hiểu lầm ý tốt của người đàn ông Việt. “Sau đó, tôi nhận ra có khá nhiều tiệm sửa xe vỉa hè như thế ở VN trong khi ở phương Tây không có. Sau sự cố dở khóc dở cười này, tôi nghiệm ra rằng nên cởi mở với những người cố gắng giúp mình và rằng tôi không phải đến VN chỉ đơn thuần để dạy học mà còn ở đây để học hỏi từ những người khác nữa”. Sau này cứ mỗi lần đi ngang khúc cua đó, cô đều hướng mắt tìm ông lão tốt bụng ngày nào nhưng không thấy ông ở đó. |
_________
Kỳ tới: Chuyện của thầy Tim
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận