07/05/2019 17:50 GMT+7

Thay mỡ heo bằng dầu thực vật có giảm được nguy cơ ung thư không?

NGỌC LOAN
NGỌC LOAN

TTO - Chế độ ăn ít mỡ từ thịt đỏ (heo, bò) giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, việc thay mỡ heo bằng dầu thực vật cũng giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Thay mỡ heo bằng dầu thực vật có giảm được nguy cơ ung thư không? - Ảnh 1.

Khoai tây chiên có nguy cơ gây ung thư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM) cho biết hợp chất acrylamide có khả năng gây ung thư sẽ hình thành khi nhiệt độ quá 100 độ C trong quá trình chiên khoai tây.

Nếu thay mỡ heo bằng các loại dầu như dầu mè, dầu đậu phộng, dầu gạo… có giảm được nguy cơ ung thư khi nấu nướng không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Phương Thanh, Phú Nhuận)

- Nghiên cứu lâm sàng cho thấy chế độ ăn ít mỡ từ thịt đỏ (heo, bò) giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng. 

Bên cạnh đó, việc thay thế mỡ lợn bằng dầu thực vật cũng giúp bạn giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi sử dụng dầu thực vật để chế biến thực phẩm, bạn cần sử dụng đúng cách để hạn chế tối đa nguy cơ mắc ung thư:

+ Nếu làm xốt salad hoặc không xử lý nhiệt thì dùng các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, dầu hướng dương.

+ Nếu xào ở nhiệt độ tương đối thì nên dùng dầu có ít chất béo bão hòa đa như dầu đậu phộng, dầu oliu.

+ Nếu dùng để chiên ở nhiệt độ cao thì nên dùng dầu ăn có nhiều chất béo bão hòa như dầu cọ.

Cháu thích ăn khoai tây chiên, mà đọc ở đâu người ta cũng nói món này có thể gây ung thư đường tiêu hóa. Nếu cháu ngâm khoai tây trước khi chiên khoảng 2 tiếng trong nước lạnh có giảm được lượng độc chất trong khoai tây không bác sĩ? (Thu Hường, huongthuthang10@...)

- Khoai tây chiên có nguy cơ gây ung thư là do 2 yếu tố:

Hợp chất có khả năng gây ung thư, gọi là acrylamide, sẽ hình thành khi nhiệt độ quá 1000C trong quá trình chiên khoai tây, ngoài việc chiên trong thời gian dài ở nhiệt độ cao càng làm tăng nguy cơ ung thư do việc tích tụ những hợp chất này càng lớn.

Dầu mỡ chiên ở nhiệt độ giải phóng các chất oxy hóa có khả năng gây ung thư. Việc cắt mỏng và ngâm khoai tây trước khi chiên tuy có thể giảm việc hình thành acrylamide, nhưng không thể giảm được việc hình thành chất oxy hóa trong dầu. Vì vậy, bạn cần tiêu thụ hạn chế.

Bác sĩ ơi, nếu ăn đồ chiên qua dầu mỡ là không tốt, có nguy cơ ung thư thì tôi dùng nồi chiên không dầu có thể yên tâm hoàn toàn không? (Nguyễn Hải Yến, TP.HCM)

- Nồi chiên không dầu là một dụng cụ chiên thực phẩm gần như không có dầu hoặc mỡ. Quá trình chiên dựa trên nguyên tắc là không khí nóng di chuyển xung quanh thực phẩm. Thực phẩm sẽ được khử nước dần dần ở nhiệt độ cố định 1800C. Nhờ sức nóng, thức ăn sẽ trở nên giòn và có màu nâu do phản ứng Maillard. Cuối cùng, thực phẩm sẽ ít chất béo hơn khoảng 80% so với chiên thông thường trong dầu hoặc mỡ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là món ăn đó chắc chắn tốt cho sức khỏe, vì phản ứng Mailaird kích hoạt sinh ra các chất gây ung thư. Vì vậy, nồi chiên không dầu có thể được dùng nhằm thay thế chiên nhúng trong trường hợp bạn rất thèm ăn đồ chiên, nhưng việc sử dụng cần được hạn chế tối đa.

Tôi nghe nói về một số thực phẩm khi ăn sẽ là nguy cơ của ung thư đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể cho tôi biết những thực phẩm đó là loại gì, tôi cần hạn chế như thế nào? (Nguyễn Hiền Minh, nguyenhienminh177@...)

- Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy thực phẩm có nguy cơ ung thư đường tiêu hóa như:

+ Thực phẩm muối chua (ví dụ như dưa muối, kim chi) làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

+ Ăn thực phẩm quá nóng (trên 650C) là nguy cơ gây ung thư miệng, thực quản.

+ Ăn quá nhiều thịt đỏ (vượt quá 50g/ngày) hoặc thịt chế biến sẵn (ví dụ: xúc xích, salami) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

+ Việc uống bia rượu quá nhiều, đối với bia >1 lon/ngày, đối với rượu > 2 ly ngày đều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ ung thư, bạn cần ăn đủ và đa dạng các loại rau quả nhằm cung cấp nhiều nhóm chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ ung thư.

Thay mỡ heo bằng dầu thực vật có giảm được nguy cơ ung thư không? - Ảnh 2.

Uống rượu bia quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mỗi ngày ăn một quả chuối sẽ làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng phải không bác sĩ? (Dũng)

- Chuối là nguồn thực phẩm giàu vitamin B, kali, kẽm và các hợp chất chống oxy hóa. Không những chuối mà các loại rau củ quả khác đều chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa khác nhau, làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Vì thế, chúng tôi khuyến nghị bạn nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm mỗi ngày, không nên giới hạn riêng chỉ một loại vì tất cả chúng đều mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau, giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.

Thưa bác sĩ, những ngày nắng nóng vừa qua khiến ba tôi đang điều trị ung thư dạ dày tại bệnh viện cảm thấy bức bối nhưng không thể ra ngoài, bệnh viện hiện tại cũng không có phòng dịch vụ như mong muốn. Xin hỏi có thể uống gì cho mát người mà không ảnh hưởng đến việc đang điều trị không? (Ngọc Linh, Bình Chánh, nguyen.ngoclinh@...)

- Nước uống thông thường chính là phương pháp giải nhiệt cơ thể vừa đơn giản vừa rẻ tiền, lại không ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vì thế, mỗi ngày nên uống 8-10 cốc nước loại 200ml (tương đương 2 lít nước/ngày) hoặc nhiều hơn.

Chào chuyên gia dinh dưỡng Ngọc Châu, tôi có vấn đề về đường tiêu hóa. Cụ thể là nếu ăn uống bên ngoài hàng quán, dầu mỡ, thức ăn lạ, uống nước cam, sữa… là có thể đau bụng ngay lập tức hoặc sau đó vài chục phút, hoặc sáng hôm sau đi đại tiện màu đen, vài lần liên tiếp, cách nhau vài mươi phút, sau đó mới ổn. Tôi cũng đã dùng men tiêu hóa, thuốc đại tràng, thuốc đông y, tây y, khám ở nước ngoài nhưng vẫn không ổn. Mong được bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn. (Nguyễn Quốc Vỹ)

- Các nguyên nhân dẫn tới trường hợp rối loạn tiêu hóa có thể do ăn uống bên ngoài:

 Việc ăn hàng quán bên ngoài không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn E. Coli, Salmonella…

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ thì dễ gây khó tiêu, đầy bụng. Khi các thực phẩm nhiều dầu mỡ không được chuyển hóa và hấp thu hoàn toàn ở ruột non, chúng sẽ đi xuống ruột già và bị phân cắt thành các acid béo, các acid béo này sẽ kích thích niêm mạc ruột và gây tiêu chảy.

 Sữa bò có chứa nhiều đường lactose, vì thế đối với những người không dung nạp được lactose do thiếu enzyme lactase sẽ dễ tiêu chảy.

Phân đen có thể do bạn ăn thực phẩm chứa nhiều sắt nhưng không hấp thụ tốt khiến chúng bị đào thải qua phân. Tuy nhiên, phân đen cũng là dấu hiệu đường tiêu hóa có vấn đề. Vì thế, bạn cần đến cơ sở y tế được được nội soi tầm soát bệnh đường tiêu hóa.

Trong khi tìm hiểu các loại thuốc hỗ trợ điều trị dạ dày, tôi được biết có loại thuốc CumarGold Kare được điều chế từ nghệ vàng, tam thất và tảo nâu. Xin bác sĩ tư vấn có nên dùng thuốc này hay không? Hay là tôi có thể dùng trực tiếp củ nghệ, tam thất thay vì uống thuốc trên? (Yến Trang, TP.HCM)

- CumarGold Kare là thực phẩm chức năng chỉ phổ biến ở Việt Nam và chưa có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của sản phẩm.

Về thành phần của sản phẩm, hiện nay người ta đã nghiên cứu giữa việc sử dụng nghệ kết hợp với hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật để làm giảm tác dụng phụ của thuốc trị liệu. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nghiên cứu lâm sàng để đưa ra kết luận khuyến nghị. 

Tương tự, chỉ có một số nghiên cứu tế bào trong phòng thí nghiệm cho thấy tiềm năng tảo nâu và tam thất làm giảm tác dụng phụ của thuốc và cần có nghiên cứu lâm sàng để xác thực công dụng của chúng.

Vì thế, không nhất thiết phải sử dụng thực phẩm chức năng nếu không có yêu cầu đặc biệt từ bác sĩ điều trị. Ngoài nghệ, tam thất, tảo nâu, bạn nên kết hợp thêm nhiều rau củ quả khác và thay đổi mỗi ngày cũng sẽ giúp nâng cao thể trạng.

Tôi vừa phát hiện bệnh K vòm họng giai đoạn 3, trong khi tôi là người sống lành mạnh, ăn uống điều độ và tập thể thao thường xuyên. Trong khi cạnh nhà tôi có mấy ông uống rượu như hũ chìm, ăn toàn đồ nhiều đạm, đồ ăn nhanh, chẳng bao giờ đi tập thể dục… lại không bị sao cả. Vậy là tôi bị K vì nguyên nhân gì và các con tôi phải chú ý điều gì để không bị bệnh giống tôi? (Thúy)

- Một lối sống lành mạnh là tốt, những người có lối sống không lành mạnh sẽ có nguy cơ mắc phải ung thư cao và dễ mắc nhiều bệnh sau này. Tuy nhiên, ngoài lối sống và chế độ ăn uống thì ung thư còn do nhiều nguyên nhân khác như di truyền hoặc là những người mắc bệnh bạch sản niêm mạc vòm họng hoặc nhiễm virút HPV có nguy cơ ung thư vòm họng cao hơn người bình thường. 

Vì thế, để phòng tránh bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh khác cho người thân thì bạn chỉ cần hướng dẫn họ duy trì lối sống lành mạnh.

Uống mỗi ngày một ấm trà xanh tươi sẽ chống được các bệnh ung thư, nhất là ung thư vòm họng, thực quản đúng không vậy? (Quang Anh Tran)

- Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trong động vật cho thấy trà xanh có khả năng phòng chống ung thư do hợp chất chống oxy hóa trong chúng hoạt động mạnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng khẳng định vai trò của trà xanh trong phòng chống ung thư. Ngoài ra, bạn cần lưu ý việc uống trà quá nóng sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc vòm họng và thực quản, vì thế sau khi nấu trà bạn nên để nguội khoảng 50-600C.

Thức ăn đựng trong hộp xốp (em hay ăn cơm hộp) sẽ làm ta bị ung thư đúng không bác sĩ? (Tiểu Cường, Thủ Đức)

- Trong công nghiệp, polystyrene thường được ứng dụng để sản xuất hộp giấy. Khi đựng đồ nóng, polystyrene sẽ dễ dàng thôi nhiễm vào thực phẩm ở dạng monostyren, đây là chất có khả năng gây ung thư. Vì vậy, theo khuyến nghị, các đồ hộp làm từ nhựa polystyrene chỉ nên chứa ở nhiệt độ tối đa 700C.

Bác sĩ ơi, một thông tin thật kinh hoàng: gạo lứt có chứa lượng arsen lớn có nguy cơ khiến ta bị ung thư đủ thứ. Trong khi mẹ tôi ăn trường kỳ gạo lứt muối mè và coi là loại thức ăn "đẳng cấp". Nó độc hay như vậy thật sao? (Hiền Trang)

- Arsen là nguyên tố kim loại có mặt tự nhiên trong đất trồng, nước, không khí và cây trồng có thể bội nhiễm arsen trong quá trình canh tác. Arsen có thể tìm thấy trong nhiều thực phẩm bao gồm ngũ cốc (bao gồm gạo), trái cây, rau quả và hải sản. 

Tuy nhiên, arsen tích lũy trong gạo nhiều hơn các loại cây khác và mỗi giống gạo có khả năng hấp thu arsen khác nhau, hàm lượng arsen tìm thấy nhiều nhất ở trong phần cám gạo. Vì vậy, để hạn chế việc phơi nhiễm với arsen, WHO đã đưa ra mức quy định tối đa hàm lượng arsen vô cơ trong gạo là 0,2mg/kg gạo. 

Vì thế, nếu bạn e ngại arsen có thể gây hại đến sức khỏe thì nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có thể thay đổi gạo bằng những loại ngũ cốc hoặc khoai khác như bắp, khoai lang, khoai tây… trong bữa ăn chính để bữa ăn thêm đa dạng, phong phú.

Ăn cay có thể chống được bệnh ung thư không, thưa bác sĩ? (Trần Đình Tú, Nghệ An)

- Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy việc ăn cay sẽ giúp chống được bệnh ung thư mà lại có xu hướng làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, vì vậy bạn cần hết sức hạn chế.

Con em mới 10 tuổi bị K vòm họng, sau điều trị cháu rất gầy yếu, xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và bổ sung chất dinh dưỡng? (Nguyễn Thị Phương, Đồng Nai)

- Bạn cần đảm bảo mỗi bữa ăn của bé phải đủ đậm độ năng lượng, hạn chế ăn các thực phẩm cay, nóng, mặn vì chúng sẽ kích ứng niêm mạc vòm họng khiến bé khó chịu. Ngoài ra, bạn nên đưa bé đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng sức khỏe và có chế độ ăn phù hợp giúp nâng cao thể trạng của bé.­­

* Mẹ tôi ăn chay trường.  Bây giờ điều trị K ​​thực quản, cần bổ sung nhiều loại dinh dưỡng, nếu chỉ ăn chay thì liệu mẹ tôi có đủ sức chống chọi không? Tôi có năn nỉ chuyển sang ăn mặn nhưng mẹ giận. (Kim Lý, hnam_ly@...)

- Đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư, chế độ ăn cần nhiều năng lượng và nhiều đạm để nâng cao thể trạng. Vì thế, các bệnh nhân ăn chay cần chú ý kết hợp nhiều nhóm thực phẩm trong một bữa ăn để cung cấp đủ các acid amin thiết yếu (VD: khi ăn cơm thì cần phải có các loại đậu như tàu hũ, đậu nành, đậu xanh, …). 

Ngoài ra cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để tránh nguy cơ thiếu vi chất. Nếu bệnh nhân hoàn toàn không uống sữa hoặc chế phẩm từ sữa, cũng như các sản phẩm nguồn gốc động vật khác thì cần uống bổ sung thêm vitamin B12 và một số khoáng chất (nếu cần). Để xây dựng được chế độ ăn chay hợp lý, bạn cần đưa người nhà đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá dinh dưỡng và có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng phù hợp.

* Tôi bị K dạ dày, phát hiện sớm nên điều trị tới nay đã ổn. Tôi đã có cảm giác thèm ăn uống trở lại, tôi thử nhiều loại thức ăn thì thấy bụng dạ cũng ổn. Nếu tôi muốn uống một chút rượu bia, chỉ một chút thôi, thì có hại gì không ạ? Trước đây tôi cũng thường uống một chén rượu trước khi ăn cơm, hôm nào vui thì uống một lon bia (Đặng Bá Hiệp)

Chất cồn trong bia và rượu gây kích ứng vùng niêm mạc đường tiêu hóa vì vậy cần hạn chế tối đa trong quá trình điều trị. Để giảm kích ứng niêm mạc dạ dày do rượu bia, bạn cần uống sau bữa ăn và dùng sản phẩm có độ cồn nhẹ (VD: bia thì sẽ ít cồn hơn rượu). 

Tuy nhiên, để xác định được quá trình điều trị của bạn có thực sự ổn hay không, và bạn có được phép uống rượu bia hay không thì cần phải có đánh giá lâm sàng, từ đó mới có thể cho bạn lời khuyên phù hợp nhất.

* Ba em đang điều trị ung thư dạ dày thì phát hiện thêm bệnh tiểu đường. Xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc, nhưng loại thức ăn nào nên kiêng kị. Trước đây ba vẫn uống sữa ngọt, ăn nhiều tinh bột, từ nay có phải hạn chế không ạ? (Khánh Thương, TP.HCM)

- Đối với bệnh nhân ung thư dạ dày, thì nên lưu ý hạn chế ăn mặn, cay, chua vì chúng có thể kích ứng niêm mạc dạ dày, nên đảm bảo đủ đậm độ năng lượng từng bữa ăn.

Nếu thêm yếu tố bị tiểu đường, bạn cần chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình để kiểm soát tốt mức đường trong máu. Cụ thể như sau:

+ Tinh bột: hạn chế cháo, cơm trắng, khoai tây, bánh mì trắng, bắp. Thay vào dó bạn nên ăn bún, phở, khoai

+ Đối với nhóm rau củ quả cũng nên ăn những loại trái cây giàu chất xơ hòa tan nhưng có chỉ số đường huyết thấp như cà rốt, chuối, táo, …và nước ép từ rau củ không bổ sung đường.

+ Không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.

+ Đối với các sản phẩm sữa nên chọn loại không đường, ít béo

Ngoài ra, bạn nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý của bạn.

* Chồng em xạ trị vòm họng được 10 tia. Miệng rộp hết, lở loét hết, mỗi lần ăn là đau đớn. Ảnh không ăn được, mệt mỏi, đau đớn, nước mắt ròng ròng. Có lần ăn không nổi còn hất cả chén cháo xuống đất. Bác sĩ ơi cứ tình trạng này anh ấy chắc không trụ nổi, mà gia đình cũng căng thẳng không chịu nổi. Xin bác sĩ tư vấn có cách nào để đảm bảo dinh dưỡng sức khỏe cho chồng em. (Hoàng My)        

- Việc xạ trị làm kích ứng và viêm vùng niêm mạc miệng, điều này dẫn tới lở loét vùng miệng. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần:

+ Dùng thức ăn có nhiệt độ nguội hoặc lạnh

+ Nên ăn thực phẩm dạng xay lỏng để dễ nuốt (VD: súp xay, sinh tố trái cây)

+ Không ăn thực phẩm cay, nóng, quá mặn, chua

Nếu bệnh nhân ăn uống quá kém, cần được tự vấn dinh dưỡng để có kế hoạch can thiệp phù hợp.

* Bà em năm nay 65, có thói quen nhai trầu thường xuyên. Em đọc trên mạng thấy việc nhai trầu là nguyên nhân gây ung thư thực quản, điều này có đúng sự thật không thưa bác sĩ.

- Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy trong quả cau có chứa arecoline, đây là tiền chất cho ít nhất 4 loại nitrosamine, mà 2 trong số đó là chất gây ung thư. Nghiên cứu trên chuột cho thấy, chiết xuất nước lá trầu có thể gây ra khối u đường tiêu hóa. Ngoài ra phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhai trầu cau có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô thực quản ở người châu Á.

Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản có thể đến từ các nguyên nhân khác như lối sống không lành mạnh, ít vận động thể chất, chế độ ăn uống không hợp lý.

* Ăn đậu hũ thường xuyên, 3 lần/ tuần giúp thanh lọc cơ thể phòng tránh ung thư tiêu hóa có đúng không bác sĩ? (Trân Thị Thu Hạ)        

- Thanh lọc là một quá trình sinh học tự nhiên của cơ thể nhằm biến đổi và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Cơ chế này được thực hiện bởi gan hoặc thận. Một số loại thực phẩm có giúp thúc đẩy cơ chế hoặc giảm hoạt tính của một số enzyme có khả năng sinh tiền chất ung thư (VD: enzyme CYP1).  Các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tế bào cho thấy rằng việc tiêu thụ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể ức chế enzyme CYP1 sinh tiền chất ung thư.

Tuy nhiên, có rất nhiều enzyme trong cơ thể tham gia vào quá trình đào thải chất độc. Bên cạnh đậu hũ, có nhiều thực phẩm khác cũng cung cấp chất chống oxy hóa, hoặc tham gia ức chế enzyme sinh tiền chất ung thư. Vì vậy, việc ăn uống đa dạng các loại thực phẩm là hết sức quan trọng để ngăn ngừa ung thư. 

* Hàng xóm có chỉ cách uống Long nhãn đều 2 lần/ tuần thì có thể hạn chế được ung thư thực quản. Vậy điều này thực hư như thế nào? (Nguyễn Nguyên, nguyen_ACB@...)

- Hiện nay, chưa có nghiên cứu lâm sàng thể hiện mối quan hệ giữa long nhãn và nguy cơ ung thư thực quản. Trong nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm cho thấy chiết xuất từ nhãn có chứa hợp chất polyphenol - chống oxy hóa, có khả năng kết hợp với gốc tự do phòng chống ung thư. Tuy nhiên chưa đủ bằng chứng để khuyến nghị mạnh mẽ việc uống nước long nhãn có thể hạn chế nguy cơ ung thư thực quản. Thay vào đó, bạn nên ăn đa dạng các nhóm rau củ quả mỗi ngày sẽ phòng chống được nhiều loại bệnh ung thư.

* Anh cháu đang điều trị K vòm đợt hóa trị đầu tiên, ngoài bị nhiệt miệng rộp miệng ra thì còn hay bị ho nữa. Có người chỉ cháu cho uống chanh muối pha với nước ấm, súc miệng nước muối 0,9. Xin bác sĩ cho biết cách này có tốt không ạ? Cháu xin cảm ơn. (Hậu Nguyễn)

- Việc súc miệng bằng nước muối 0,9 được chứng minh là có tác dụng giảm nhẹ viêm niêm mạc vòm họng, duy trì độ ẩm của niêm mạc làm giảm triệu chứng ho. Về chanh muối, hiện tại chưa có nghiên cứu lâm sàng nào về tác dụng của chanh muối đối với quá trình hóa trị. Tuy nhiên, việc uống chanh muối sẽ làm tăng lượng muối nạp vào cơ thể, khiến bạn có nguy cơ tăng huyết áp và mắc các bệnh tim mạch. Vì thế, bạn cần tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

* Xin bác sĩ tư vấn cách dùng bột tam thất hỗ trợ điều trị K vòm. Em nên mua củ về tự chế biến hay mua các bột bán sẵn về dùng thì tốt hơn?

- Chỉ có một số nghiên cứu tế bào trong phòng thí nghiệm cho thấy tiềm năng tam thất làm giảm tác dụng phụ của thuốc hóa trị, hạn chế sự phát triển của khối u trong điều trị ung thư đại tràng. Ngoài ra chưa có nghiên cứu nào thể hiện mối liên hệ giữa bột tam thất và điều trị ung thư vòm họng. Vì thế bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

* Chồng em đang điều trị K đại tràng, nghe các chị cùng phòng mach có loại thuốc megestrol kích thích ăn uống của Đài Loan, em nhìn bên ngoài toàn chữ Trung Quốc nhìn sợ sợ, không biết loại sản phẩm này có nên dùng hay không thưa bác sĩ. (Lâm)         

- Megestrol là một progestin tổng hợp có tác dụng kích thích cảm giác thèm ăn ở những bệnh nhân ung thư, hoặc AIDS mắc hội chứng chán ăn. Theo các nghiên cứu lâm sàng, việc sử dụng megestrol có hiệu quả đáng kể trong cải thiện cảm giác thèm ăn và tăng cân, liều lượng tốt nhất cho bệnh nhân sử dụng theo khuyến nghị của FDA là 800 mg/ngày.

Tuy nhiên, là thuốc, vì vậy bạn không nên tự ý sử dụng nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

* Cháu nghe nói bệnh nhân ung thư dù bị thiếu máu cũng không được uống thuốc bổ máu, chỉ nên ăn uống các loại thực phẩm bổ máu thôi đúng không ạ? Cháu có cho bố uống một ít thuốc rồi, nghe nói vậy thì lo lo. (Quyên Quỳnh Quang, qqletrang@...)

- Thuốc bổ máu thường chứa các thành phần như sắt, acid folic, vitamin B12,.. Trong trường hợp bệnh nhân ung thư thiếu máu do thiếu sắt, việc bổ sung sắt qua đường uống thì không hiệu quả vì khả năng hấp thụ sắt của bệnh nhân ung thư giảm đáng kể so với người khỏe mạnh. Cụ thể, khi uống viên thuốc sắt, 95% lượng chất sắt không được hấp thu và đào thải qua phân

Đối với việc bổ sung acid folic, các nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy việc bổ sung quá nhiều có thể làm tăng sự tiến triển khối u ung thư đại trực tràng và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Đối với việc bổ sung vitamin B12 thì chưa có tài liệu nghiên cứu cho thấy vitamin B12 có ảnh hưởng đến quá trình điều trị hay không.

Vì chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc sử dụng thuốc bổ máu có ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Thay vào đó, bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin B12 (có nhiều trong thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa,…) hoặc giàu folate (có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, hạt,…) thì cơ thể sẽ hấp thu vừa đủ lượng mà không gây ra tác dụng phụ.

* Một số người có nhắc nhở em việc ăn hải sản quá nhiều có thể gây tồn đạm trong cơ thể gây ung thư đại trực tràng. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Vân Trần)   

- Đối với cá, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc tiêu thụ cá giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng chứ không gây ung thư như bạn lầm tưởng.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên 75,000 phụ nữ tại Trung Quốc cho thấy việc tiêu thu nhiều động vật có vỏ (từ 120 g/ngày trở lên) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Điều này được giải thích là do động vật có vỏ thường bị ô nhiễm bởi thủy ngân và các chất độc hại có khả năng gây ung thư.

* Bác sĩ ơi, có phải bệnh nhân ung thư thì không được dùng các loại đường tinh luyện mà muốn ăn ngọt thì phải dùng mật ong, đường phèn, đường thốt nốt, đường stevia gì đó phải không ạ? (Hoàng Linh Chi)          

- Hiện nay phác đồ điều trị của các hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng uy tín không khuyến nghị loại bỏ hoàn toàn đường tinh luyện ra khỏi chế độ ăn. Đường không ảnh hưởng đến tế bào ung thư nhưng việc tiêu thụ nhiều đồ ngọt dẫn tới nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần tiêu thụ một cách hạn chế đặc biệt khi bạn đang gặp các vấn đề như tiêu chảy (do tác dụng phụ của xạ/hóa trị) hoặc đang bị lở loét miệng. Cụ thể như có thể sử dụng đường trong nêm nếm thông thường nhưng không nên dùng nhiều món ngọt như chè, kẹo, bánh, v.v…

Đường phèn bản chất là sản phẩm kết tinh từ đường mía nên cũng nên dùng hạn chế. Mật ong và đường thốt nốt thì có chỉ số đương huyết thấp hơn đường tinh luyện nên sẽ lợi hơn cho bệnh nhân bị tiểu đường typ 2. Stevia là chất tạo ngọt chiết xuất từ lá cỏ ngọt, không sinh năng lượng và không làm tăng đường huyết. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tế bào cho thấy khả năng chống oxy hóa và ức chế tăng sinh ở một số tế bào ung thư (bao gồm ung thư đường tiêu hóa). Hiện nay chưa có nghiên cứu cho thấy độc tính của stevia khi dùng quá liều, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, EFSA (Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu) đưa ra mức khuyến nghị tiêu thụ  steviol glycosides (dạng tinh chất) là 4 mg/kg trọng lượng cơ thể một ngày (nghĩa là mức tiêu thụ tối đa đối với người nặng 50 kg là 200 mg).

Vì vậy, nếu muốn tạo độ ngọt cho thực phẩm, bạn có thể thay thế đường tinh luyện bằng các sản phẩm trên, tuy nhiên không nên sử dụng quá mức cho phép.

* Có người mach cháu Giã lá mơ, lọc lấy nước pha với nước dừa và mật ong, ngày uống hai ly để chữa ho (cháu bị ho do tác dụng phụ của truyền xạ K vòm). (Phuong Nguyen)    

- Quá trình xạ trị làm kích ứng vùng niêm mạc vòm họng, kích thích phản xạ ho.

Để giảm kích ứng ho, bạn có thể dùng mật ong để giảm kích ứng vòm họng, hỗ trợ giảm ho và kháng viêm.

Về nước dừa thì không có nghiên cứu nào cho thấy nước dừa có thể giúp giảm ho.

Về lá mơ, nghiên cứu trên động vật cho thấy dịch chiết từ là mơ có thể giúp giảm ho, ngoài ra lá mơ cũng có tác dụng kháng viêm.

Ngoài mật ong thì công dụng của lá mơ chưa được nghiên cứu về hiệu quả trên người và  tính an toàn khi sử dụng lâu dài. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị và cẩn trọng khi dùng.

* Gia đình tôi nằm trong vùng sâu của quận 12, hiện nước máy chưa vào được nên cả gia đình chủ yếu sử dụng nước giếng ngay khu vực canh tác rau màu, có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày nếu sử dụng lâu dài hay không? (Trần Văn Lực, luctranvan@...)

- Theo thông tin của Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, nước giếng tại khu vực TPHCM bao gồm quận 12 đa phần bị ô nhiễm kim loại nặng và các chất độc hại khác, ngoài ra hàm lượng vi sinh cũng vượt mức cho phép. Vì vậy, để biết được nguồn nước của gia đình bạn có đảm bảo an toàn để chế biến thực phẩm hay không thì bạn cần gửi mẫu đi đến cơ quan uy tín để xét nghiệm.

Nguy cơ ung thư dạ dày thì ngoài chế độ ăn uống còn bị ảnh hướng bởi các yếu tố khác, ví dụ như nhiễm khuẩn HP. Tuy nhiên việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt trong giới hạn an toàn về chỉ tiêu sinh hóa giúp bạn giảm nguy cơ ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung.

Vì thế, nếu không thể thay đổi ngay nguồn nước sử dụng, bạn có thể áp dụng một vài phương pháp sau:

+ Lắp đặt các hệ thống lọc nước, xử lý nước tại nhà 

+ Ưu tiên sử dụng các loại nước đóng chai,  nước đã qua xử lý trong chế biến thực phẩm (bao gồm rửa và sơ chế).

* Mẹ tôi vừa phẫu thuật cắt 1/3 dạ dày vì ung thư. Mẹ tôi có nên uống các loại multivitamin để nâng cao thể trạng không? (Ngô Thị Lan, lamcomtam@...)

- Hiện nay, chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh việc sử dụng multivitamin có tác dụng nâng cao thể trạng sau khi điều trị ung thư hoặc hạn chế tử vong do ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy tình trạng sức khỏe của người sử dụng multivitamin thường xuyên và không sử dụng thì không có khác biệt đáng kể. Vì thế, bệnh nhân chỉ cần ăn uống cân bằng – đa dạng – lành mạnh các nhóm thực phẩm mỗi ngày đều có thể nâng cao thể trạng.

* Cháu chào bác sĩ ạ. Bố cháu bị ung thư thực quản và được mổ cách đây khoảng 5 tháng tại bệnh viện Bạch Mai. Bố cháu cũng truyền hoá chất được 5 lần rồi nhưng đến giờ chỗ mổ vẫn còn rất đau, trong họng lại có rất nhiều đờm. Bố cháu có uống nhiều thuốc và cả siro tiêu đờm nhưng không thuyên giảm. Xin bác sĩ chỉ cho cháu biết làm thế nào để giảm được đờm trong cổ của bố cháu ạ. Bác sĩ cho biết chế độ dinh dưỡng của bố cháu như nào là hợp lý ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn ạ (Hưng - Nam Định) 

- Nhìn chung, chế độ ăn của người bị ung thư thực quản cần như sau:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm lượng thức ăn mỗi bữa

+ Ăn các loại thực phẩm lỏng: sinh tố, súp xay

+ Đảm bảo đậm độ năng lượng của từng bữa ăn

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cảm thấy khó nuốt hay khó ăn uống thì bạn nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được đánh giá và can thiệp dinh dưỡng.

* Bố tôi đang điều trị ung thư vòm họng. Tôi thường xắt nhỏ và nấu chín nhừ thức ăn, kể cả rau củ quả để bố dễ ăn hơn. Nhưng tôi sợ rằng nấu chín quá sẽ làm giảm lượng chất dinh dưỡng, xin bác sĩ cho tôi lời khuyên ạ. (Nhật Lê, layla@...)

- Đối với các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin, đặc biệt là các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B và vitamin C, là những loại vitamin dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ cao và thời gian dài. Ví dụ như hàm lượng vitamin C sẽ giảm đi khoảng 40-50% nếu bạn nấu ở 1000C trong 5 phút. Vì thế, thay vì hầm nhừ tất cả các nhóm thực phẩm cùng lúc thì bạn có thể làm như sau:

+ Nấu vừa đủ độ chính như bình thường sau đó xay hoặc tán nhuyễn

+ Hoặc nấu mềm cháo hoặc tinh bột khác, sau đó cho thịt/cá bằm nhiễm vào, cuối cùng cho rau bằm nhuyễn vào rồi tắt lửa.

* Dầu ăn sử dụng chiên đi chiên lại nhiều lần ảnh hưởng như thế nào đến hệ tiêu hóa? Có phải bệnh nhân ung thư nên sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật không? (Viên Viên, TP.HCM, vienvienma@...)

- Quá trình chiên sinh ra các chất có hại sau đây:

+ Acrylamide: đây là chất có khả năng gây ung thư sinh do thực phẩm được xử lý ở nhiệt độ từ 120 °C trở lên

+ Gốc tự do: gây tổn thương tế bào, đột biến và hậu quả là ung thư. Đặc biệt, nếu bạn dùng dầu ăn có nhiều chất béo bão hòa đa thì càng có nguy cơ sinh ra nhiều gốc tự do

+ Chất béo dạng trans (trans fat): làm tăng mỡ máu, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Các hợp chất polymer gây đầy bụng và khó tiêu hóa

Vì các lý do trên, nên hạn chế tiêu thụ đồ chiên dù cho bạn có đang bị ung thư hay không.

Việc sử dụng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật là cần thiết vì mỡ heo giàu chất béo bão hòa và cholesterol, đây là loại chất béo không tốt cho sức khỏe và có thể làm tăng lượng mỡ xấu trong máu, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, việc sử dụng dầu thực vật cũng phải đúng cách nhằm hạn chế nguy cơ sinh các tiền chất gây ung thư:

+ Nếu làm sốt salad hoặc không xử lý nhiệt thì dùng các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, dầu hướng dương

+ Nếu xào ở nhiệt độ tương đối thì nên dùng dầu có ít chất béo bão hòa đa như dầu đậu phộng, dầu oliu

+ Nếu dùng để chiên ở nhiệt độ cao thì nên dùng dầu ăn có nhiều chất béo bão hòa như dầu cọ.

* Chồng tôi vừa hoàn thành đợt hoá trị ung thư dạ dày. Xin hỏi các loại trái cây chua như xoài, mãng cầu,...chồng tôi có được phép ăn không ạ? (An Nguyễn, ancon@...)

- Việc hạn chế các thực phẩm có vị chua là cần thiết trong quá trình điều trị ung thư dạ dày nhằm giảm kích thích vùng niêm mạc. Vì vậy, bạn nên hạn chế các loại trái cây có vị chua xoài sống (pH 3.4 – 4.8) và mãng cầu xiêm (pH 3.4 – 4.8). Thay vào đó, bệnh nhân nên ăn các trái cây có độ pH trung tính, ví dụ như xoài chín (pH 5.8 – 6), trái bơ, chuối, dưa hấu, v.v...

* Xin hỏi bệnh nhân ung thư đại tràng thì có nên ăn trước khi hoá trị hoặc xạ trị không ạ? Về lượng nước uống thì có cần điều chỉnh gì không ạ? (Cường, tdcuong_gauden@...)

- Quá trình hóa trị và xạ trị thường gây ra các phản ứng phụ làm giảm khả năng ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng, vì vậy việc đảm bảo một thể trạng khỏe mạnh trước khi điều trị là điều vô cùng cần thiết. Để nâng cao thể trạng, bạn cần có chế độ ăn đầy đủ - cân bằng – đa dạng các loại thực phẩm, kèm với việc vận động thể chất hợp lý. Về lượng nước uống thì nếu không có yêu cầu đặc biệt từ bác sĩ điều trị thì bạn vẫn nên uống đủ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cần tư vấn thêm chuyên khoa dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng dinh dưỡng và có kế hoạch can thiệp phù hợp nhất.

* Các loại thức ăn nhanh như mì gói, xúc xích, gà rán, thịt hộp nếu ăn nhiều có tác hại như thế nào đối với hệ tiêu hóa? có gây ra ung thư về đường tiêu hóa không? (Minh Minh, TP.HCM, minhx2nguyen@...) 

- Những loại thức ăn nhanh như gà rán, mì gói thường được chiên ở nhiệt độ cao, vì vậy dễ sinh ra các hợp chất polymer gây khó tiêu, đầy bụng, Bên cạnh đó, quá trình chiên cũng sinh ra các tiền chất gây ung thư như Acrylamade, gốc tự do và trans fat gây nguy cơ bệnh tim mạch. Hơn nữa, xúc xích, thịt hộp thì thuộc nhóm các thực phẩm chế biến sẵn, việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm này dễ dẫn tới nguy cơ ung thư đại tràng.

Ngoài ra, các thực phẩm trên thường chứa nhiều năng lượng, vì vậy việc tiêu thụ quá nhiều dễ dẫn tới nguy cơ thừa cân/béo phì. Và thừa cân/béo phì là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2 và thậm chi ung thư.

Vì vậy, việc hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên nhiều dầu mỡ là điều cần thiết để duy trì sức khỏe.

* Tác dụng của kẽm trong phòng chống ung thư đường tiêu hóa, các thực phẩm nào chứa kẽm được khuyến nghị nên bổ sung vào bữa ăn? (Phương Thảo, TP.HCM, phuongthaotranthi@...)

- Kẽm giúp hỗ trợ giảm stress oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch, và có tiềm năng chống ung thư. Các nghiên cứu đoàn hệ trên 400000 người cũng chỉ ra rằng chế độ ăn giàu kẽm giúp giảm nguy cơ ung thư đường ruột. Bên cạnh đó, các nghiên cứu phân tích tổng hợp cũng cho thấy việc giảm nồng độ kẽm trong huyết thanh có nhiều mối liên hệ với ung thư bàng quang và thực quản. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm kẽm ngoài chế độ ăn uống thông thường không được khuyến nghị vì các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung này không đem lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh như mong muốn.

Vì vậy, bạn nên đa dạng bữa ăn hàng ngày với thực phẩm giàu kẽm như: hàu, sò, trứng,  thịt heo, thịt bò, khoai lang, các loại hạt, v.v...

* Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người không có thời gian đi chợ. Họ chọn cách đi chợ 1 lần cho cả tuần hoặc lưu trữ thức ăn lâu ngày trong tủ lạnh, đặc biệt là trữ thịt và cá. Đây có phải là nguyên nhân khiến tỉ lệ ung thư về đường tiêu hóa tăng cao? (Nguyễn Thị Hường, Hà Nội, huongnails@...)

- Theo các nghiên cứu khoa học, việc bảo quản thực phẩm trong tủ mát hay tủ đông không sinh ra các tiền chất gây ung thư vì vậy không phải là nguyên nhân khiến tỉ lệ ung thư tăng. Bên cạnh đó, việc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ mát hoặc đông làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, từ đó hạn chế sự thôi nhiễm các chất độc hại (tiền chất gây ung thư) do các vi khuẩn và nấm mốc này sinh ra. Ví dụ như chất độc Aflatoxin do nấm Aspergillus sinh ra có khả năng gây ung thư gan.

Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh hoặc tủ đông sẽ làm giảm hàm lượng vitamin trong thực phẩm, đặc biệt là vitamin C trong các loại rau lá. Vì vậy khi bảo quản thực phẩm, bạn nên:

+ Ưu tiên dùng các loại rau lá trước, càng sớm càng tốt, còn các loại rau củ thì tốc độ giảm vitamin sẽ chậm hơn.

+ Đối với trái cây, khi bảo quản thì để nguyên trái, để giảm sự oxy hóa và từ đó ít làm mất vitamin hơn. Nước ép trái cây tươi thì nên dùng ngay sau khi ép, không nên bảo quản trong tủ lạnh.

* Nghe nói rằng sữa động vật không tốt cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, sữa lại là nguồn dinh dưỡng cao lại dễ sử dụng với những người ăn không được, ăn không ngon miệng, người phẫu thuật dạ dày, đại tràng, hậu môn, thực quản. Vậy có thể thay thế bằng sữa hạt không? Các loại hạt có ảnh hưởng xấu gì đối với tình trạng bệnh không? (Minh Hải, Tiền Giang, haigiangminh@...)

- Sữa động vật cung cấp nhiều Canxi có hoạt tính sinh học cao, dễ hấp thu và chứa đủ các acid amin thiết yếu cần thiết cho bệnh nhân ung thư. Vì vậy, không nên loại bỏ sữa động vật ra khỏi chế độ ăn của bạn.

Nếu bạn muốn tìm nguồn thay thế sữa động vật, bạn có thể thay bằng cách loại sữa hạt có bổ sung thêm Canxi. Hiện nay không có nghiên cứu khoa học nào cho thấy sữa hạt gây hạt cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng sữa hạt không chứa đủ hết các acid amin thiết yếu, vì vậy trong bữa ăn bạn cần kết hợp sữa hạt với nhóm ngũ cốc (VD: cơm, bánh mì, v.v...), hoặc nếu uống sữa yến mạch thì cần ăn thêm đạm động vật hoặc đạm thực vật từ các loại hạt, đế đảm bảo đủ các acid amin thiết yếu.

* Có phải mỗi ngày ăn một nhánh tỏi sẽ ngăn ngừa nguy cơ ung thư nói chung không? Ăn tỏi mỗi ngày thực sự rất nóng, đôi khi dễ nhiệt miệng hoặc nổi mụn? (Hoàng Thị Hằng, Đà Nẵng, hanghoang@...)

- Theo tổng hợp các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tỏi có thể ngăn ngừa nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, đại trực tràng. Tuy nhiên, ung thư còn tùy thuộc vào tiền sử gia đình, chế độ ăn uống có lành mạnh hay không, hoạt động thể chất, và các yếu tố khác (VD: hút thuốc, nhiễm virus, v.v...) cũng là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ ung thư.

Bên cạnh đó, thay vì ăn tỏi mỗi ngày, bạn nên ăn đa dạng các loại rau củ quả khác nhau mỗi ngày, sử dụng tỏi như một gia vị làm dậy mùi món ăn, ngoài ra bạn nên hoạt động thể chất vừa đủ để mang lại hiệu quả phòng chống ung thư cao hơn.

Tỏi dễ gây nóng trong miệng là do hợp chất Allicin trong tỏi sống có thể gây kích ứng niêm mạc miệng. Ngoài ra, alliin và hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong tỏi còn tăng cường sinh nhiệt, vì thế bạn sẽ cảm thấy trong người nóng lên. Bên cạnh đó, mụn sinh ra do tắc nghẽn lỗ chân lông, và việc ăn tỏi sống làm sinh nhiệt, chảy mồ hôi và góp phần làm tắc lỗ chân lông. Vì vậy, nếu bạn đang bị lở loét hoặc viêm vùng miệng, thì không nên ăn quá nhiều tỏi sống.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp