Bác sĩ nắn lại khớp đúng vị trí và bó bột cố định, dặn rất kỹ bệnh nhân về nhà phải treo tay cố định ở vị trí này và cho thêm toa thuốc uống, dặn khoảng hai tuần sau đến kiểm tra...
Tuy nhiên, bó bột được khoảng một tuần thì người nhà kêu tháo ra và đi thầy bó thuốc nam cho mau hết. Nghe lời người nhà, bệnh nhân đến thầy thuốc nam ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) bó thuốc, về nhà được một ngày thì tay sưng to và có màu tím nên tìm đến “thầy lang” khác để tháo ra.
Lần này, gia đình đưa bệnh nhân qua “thầy lang” ở Đồng Tháp để chữa tay, ông này cầm tay và bẻ gập tay bệnh nhân khá mạnh rồi kêu về từ từ sẽ lành.
Về nhà thấy tay chẳng những không lành mà thêm đau nhức, không thể co duỗi được, chị N. đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ cho biết bị cứng khớp do bó thuốc sai, phải điều trị và tập vật lý trị liệu thời gian dài mới hồi phục.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thuận, khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, bác sĩ thường gặp các trường hợp bệnh nhân đi “thầy lang” để bẻ tay, chân và bó thuốc không đúng cách như bệnh nhân N., gây cứng khớp khiến việc điều trị sau đó rất khó khăn, thậm chí có trường hợp nặng phải mổ để cố định lại.
Thông thường các trường hợp sai khớp, trật khớp thì sau khi bác sĩ nắn lại đúng vị trí sẽ bó bột hoặc giữ cố định ở khoảng cách 90 độ, 2-3 tuần sẽ đến kiểm tra lại, tháo bột và tập nhẹ sẽ lành.
Theo bác sĩ Thuận, các trường hợp bó thuốc, bẻ gấp tay ở “thầy lang” rất nguy hiểm, vì có thể loại thuốc bó vào làm dị ứng viêm da, bó quá chặt làm máu không lưu thông; hay bẻ gập quá mạnh sai tư thế làm tổn thương khớp, gây đau và chảy máu trong, làm cứng khớp nặng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận