Thế nhưng, là giáo viên tôi cảm thấy e ngại, nếu không muốn nói là không dám tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Bởi tôi rất sợ cảm giác ray rứt khi học sinh học nghề mình tư vấn ra trường không xin được việc làm. Có khi không chỉ ray rứt mà còn là nỗi đau khi học trò trách móc, vì mình mà học trò chọn sai nghề!
Trước đây, tôi rất nhiệt tình trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người thầy. Nhưng những năm gần đây kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, nhiều ngành nghề lúc nóng lúc ỉu xìu, tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Do đó, sự tư vấn của tôi không còn chính xác nữa. Một số học sinh chọn nghề theo lời khuyên của tôi ra trường không xin được việc làm là điều khó tránh khỏi. Tôi hiểu điều đó nhưng vẫn không tránh được cảm giác ray rứt khi nhìn học trò mình thất nghiệp. Nhất là sau lần tôi tư vấn cho một học sinh chọn nghề báo. Em này học giỏi các môn văn, sử, địa nhưng không biết thi trường nào, ngành nào.
Tìm hiểu cặn kẽ tôi khuyên em thi vào báo chí, vì nghề này cơ hội việc làm sẽ cao hơn nếu có năng lực, dám dấn thân vì công việc. Sau một thời gian theo học em nhắn tin cho tôi “em đã chọn sai nghề” với hàm ý trách móc thầy đã tư vấn sai. Đến nước này tôi đành nhắn tin nói lời xin lỗi em, với nỗi buồn không thể tả.
Từ đó tôi hết dám tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn trường, chọn nghề. Khi phụ huynh, học sinh hỏi tôi chỉ khuyên chung chung, như “em nên chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích, phù hợp với tiềm lực tài chính gia đình...” chứ không dám tư vấn sát sườn, cụ thể!
Từ câu chuyện của mình, tôi nghĩ rằng học sinh phải là người quyết định trong việc chọn trường, chọn nghề.
Thầy cô, ba mẹ chỉ nên đưa ra những thông tin định hướng và mang tính chất tham khảo. Quyết định cuối cùng vẫn nên để học sinh, vì chỉ học sinh mới biết mình thích và phù hợp với nghề nào. Hãy để các em có cơ hội trưởng thành và biết chịu trách nhiệm về quyết định đầu đời của mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận