12/10/2019 05:38 GMT+7

Thầy hiệu trưởng đi 'xin' từng đôi dép, cuốn sách cho học trò Cơ Tu

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Có một người thầy ở Quảng Nam lặn lội đi xin cho trò từ cuốn sách, quyển vở tới đôi dép, cây bút để học trò người Cơ Tu không vì thiếu thốn mà bỏ ngang đường theo con chữ.

Thầy hiệu trưởng đi xin từng đôi dép, cuốn sách cho học trò Cơ Tu - Ảnh 1.

Kệ dép dành riêng đi trong khu phòng học để đảm bảo vệ sinh - Ảnh: TẤN LỰC

Đó là thầy Nguyễn Công Tươi (35 tuổi) - hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công, xã Axan, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam.

Tập cho trò nếp ăn, nét ở

Ngôi trường phổ thông dành cho học sinh con em đồng bào bốn xã biên giới của huyện Tây Giang gồm Axan, Ch’ơm, Tr’Hy và Gari vừa được xây mới khang trang với hai khối nhà lớn nổi bật giữa núi rừng.

Đã một năm chuyển về học tại ngôi trường mới, nếp học tập và sinh hoạt của những cô cậu học trò Cơ Tu nơi này cũng có nhiều điều mới mẻ dưới sự điều hành của tân hiệu trưởng Nguyễn Công Tươi.

Tháng 10 vùng cao đang là mùa mưa, xung quanh đất đỏ nhão nhoẹt nhưng dưới dãy hành lang, trong khu phòng học và phòng ở học sinh sạch như mới lau. Nền gạch hoa trắng tinh không một vết đất bùn.

Ở hai đầu hành lang có những kệ dép dài xếp ngay ngắn hàng trăm đôi dép. Cô nhân viên tạp vụ cho biết đó là dép học sinh mang bên ngoài, khi vào lớp các em sẽ được thay dép mới để ngôi trường giữ được nét sạch sẽ.

Thầy Tươi bảo ngày lên tiếp nhận làm hiệu trưởng, thầy thấy ngôi trường mới và đẹp quá. Cơ ngơi xây dựng bằng tiền ngân sách, lên tới 35 tỉ đồng giờ giao cho thầy quản lý nên thầy muốn giữ mãi nét mới và đẹp như vậy để các thế hệ học sinh sử dụng được bền lâu.

Nhưng với điều kiện vùng cao, hầu như tất cả học sinh là con em đồng bào, miếng ăn, cái mặc với các em còn khó nói gì tới chuyện bảo mỗi em sắm cho mình vài đôi dép. Vậy thì chỉ còn cách đi "xin".

Mỗi dịp xuống tỉnh công tác, thầy tranh thủ kết bạn với các hội nhóm từ thiện xin mỗi chỗ một ít. Năng nhặt chặt bị, gom góp mấy chỗ được khoảng 600 đôi dép. Vào năm học mới, mỗi học sinh có ba đôi dép dành mang lên trường, mang trong khu nhà ở và mang bên ngoài.

Thầy hiệu trưởng đi xin từng đôi dép, cuốn sách cho học trò Cơ Tu - Ảnh 2.

Đang mùa mưa nhưng khu bán trú của học sinh vẫn sạch sẽ nhờ tuân thủ kỷ luật thầy hiệu trưởng đặt ra - Ảnh: TẤN LỰC

"Đi xin cho trò, có gì phải ngại!"

Trên các kệ sách phòng thư viện dù số lượng đầu sách còn ít ỏi nhưng SGK cho các khối lớp không bao giờ thiếu. Những cuốn sách hơi cũ, bìa có vài nếp gấp và bảng tên ghi đủ các trường trong tỉnh.

Để 280 học sinh có đủ bộ sách, trong những lần về Tỉnh đoàn hội họp, thầy Tươi lân la làm quen, bắt chuyện cùng bí thư Đoàn các trường dưới xuôi để xin tài trợ SGK cũ. Từ đó, những cuốn sách qua tay học sinh miền xuôi chuyển lên miền ngược nhiều đến nỗi dư trang bị, đưa vào thư viện lưu trữ cho các khóa sau.

"Một bộ SGK chừng 200.000 đồng đối với các học sinh nơi này là một vấn đề lớn. Nhưng đến trường mà không có sách thì làm sao học được. Mình phải lo cho các em cái ấy thôi!" - thầy Tươi tâm sự.

Rồi không chỉ sách, dép mà từng cuốn vở, cây bút, cây thước, tấm áo ấm cũng được thầy Tươi "tranh thủ" các nhà hảo tâm mang về cho học trò của mình. Cái thầy đang muốn "xin" nữa mà chưa biết "xin" ở đâu là mấy cái máy tính cầm tay cho học trò.

Thầy nói đi xin cho học trò thì có gì phải ngại, nhưng những chỗ quen biết đã xin cả rồi. Xin nữa thì cũng trở thành ngại thật.

"Bây giờ học cái gì cũng cần tính toán, vào phòng thi mà không có cái máy tính cầm tay là chết dở. Các em tính toán vốn đã chậm, không có máy tính nữa thì biết làm sao!" - thầy Tươi suy tư.

Ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, nhận xét thầy Tươi tuy là hiệu trưởng trẻ nhưng làm việc rất tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao.

"Thầy Tươi có cái tâm tốt, không ngại khó khi được giao nhiệm vụ. Tất nhiên là còn nhiều thầy cô miền núi tâm huyết, nhiệt tình với nghề nhưng trong trường hợp thầy Tươi rất đặc biệt. Một ngôi trường mới thành lập đối diện nhiều khó khăn nhưng thầy Tươi đã đưa vào ổn định rất nhanh.

Cái đáng quý nữa là cách ứng xử, tiếp cận các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho học trò của mình" - ông Hà Thanh Quốc nói.

Cập nhật thời sự, mở rộng vốn hiểu biết cho học trò

Sau bữa cơm chiều, đồng hồ điểm 19h, tất cả học sinh bán trú xách ghế xuống phòng ăn xem chương trình thời sự tối. Chiếc tivi 65 inch UBND tỉnh tặng lúc khánh thành trường được thầy Tươi bỏ tiền túi hàn bộ giá đỡ để học trò cập nhật tin tức.

Ở nơi núi rừng xa xôi, ngoài chiếc tivi này hầu như học sinh không còn kênh nào khác để cập nhật tin tức.

Em Tangon Thị Lem, học sinh lớp 11C3, nói không chỉ cập nhật những sự kiện diễn ra bên ngoài, nguồn tin tức thời sự còn là tư liệu quan trọng khi gặp những đề thi các môn khoa học xã hội vốn có xu hướng đề cập tới những sự kiện xã hội gần đây.

‘Cảm ơn các thầy giáo, đã sinh ra con tôi lần thứ hai’ ‘Cảm ơn các thầy giáo, đã sinh ra con tôi lần thứ hai’

TTO - Đó lời chia sẻ xúc động của người mẹ trong bức thư cảm ơn hai thầy giáo đã cứu con mình là một nam sinh viên bị đuối nước ở thác 7 tầng, huyện Quế Phong, Nghệ An.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp