CT Scan dựng hình 3D cho thấy hai khớp háng đã dính cứng chặt
Nữ bệnh nhân khoảng 60 tuổi bị viêm cột sống dính khớp đã nhiều năm. Cột sống cổ và lưng của bệnh nhân đều bị dính liền như cây tre khiến bệnh nhân không thể cúi hay ngửa lưng hoặc cổ.
Trong những năm gần đây, hai khớp háng của bệnh nhân cũng bị dính cứng khiến cho việc đi lại sinh hoạt của bệnh nhân hết sức khó khăn, bệnh nhân không thể nhúc nhích khớp háng.
Hai khớp háng bệnh nhân bị dính liền chặt không cử động được
Chúng tôi đã quyết định phẫu thuật thay khớp háng hai bên cùng 1 lúc để giúp bệnh nhân có thể tự đi đứng được.
Những khó khăn trong cuộc mổ này bao gồm vấn đề gây tê và gây mê. Cột sống của bệnh nhân đã bị dính cứng nên việc gây tê tủy sống không thể thực hiện được. Các đồng nghiệp tai mũi họng phải đặt 1 ống nội khí quản để có thể tiến hành gây mê nội khí quản.
Vấn đề thứ hai là kỹ thuật mổ. Vì khớp háng của bệnh nhân đã bị dính liền và các cấu trúc giải phẫu của khớp háng không còn bình thường nên phải xác định thật chính xác vị trí của ổ cối và chỏm xương đùi để đặt 1 khớp háng nhân tạo vào đúng vị trí của khớp háng bệnh nhân.
X-quang sau mổ thay hai khớp háng cùng một lúc
Sau 2 giờ mổ liên tục, hai khớp háng của bệnh nhân đã được thay thế bằng hai khớp háng nhân tạo chuyển động kép nhằm tăng khả năng chống trật khớp cho bệnh nhân sau mổ.
3 ngày sau mổ, niềm vui đã đến với bệnh nhân và gia đình bè bạn khi cô đã tự đi lại trên đôi chân của mình, đã tự mình làm những việc sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh cá nhân và đi lại.
Bệnh nhân mặc dù đã có thể đi lại bằng các khớp háng nhân tạo nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục điều trị nội khoa cho bệnh nhân để hạn chế các biến chứng của bệnh.
Bệnh nhân đã tự đi lại được sau mổ
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh toàn thân, kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường. Có liên quan tới yếu tố gen HLA-B27, gặp ở trên 90% các trường hợp.
Cơ chế bệnh sinh là tự miễn hay kháng viêm. Không gặp các kháng thể của yếu tố thấp khớp. Gặp ở 0,1 – 1,8% dân số. Thường gặp bắt đầu ở người lớn trước 18 tuổi, gặp ở nam nhiều hơn nữ với tỷ lệ là 3:1.
Bệnh viêm cột sống dính khớp được đặc trưng bởi viêm cột sống và viêm các khớp lớn dọc trục cơ thể như các khớp vai, háng, gối, cổ chân trong đó khớp háng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đau lưng nhiều vào ban đêm và cột sống bị cứng, lâu ngày có thể dẫn tới gù. Hai khớp háng khi bị dính cứng sẽ làm cho bệnh nhân bị hạn chế rất nhiều trong các sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh có thể đi kèm các bệnh của các cơ quan khác như viêm mống mắt, các bệnh hệ tim mạch (viêm động mạch chủ, hở van động mạch chủ, rối loạn đường dẫn truyền của tim), xơ hóa phổi, viêm tiền liệt tuyến…
Khi làm các xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng tăng cao, CRP (C-reactive creatinine) tăng cao biểu hiện tình trạng viêm. Khi chụp X quang thường cho thấy có tình trạng viêm khớp cùng-chậu.
Chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ sẽ cho thấy các biến đổi trên cột sống và khớp cùng-chậu sớm hơn so với X quang thường qui. Khi bệnh tiến triển lâu (thường hơn 10 năm) X quang thường quy sẽ cho thấy hình ảnh dính cột sống, cột sống sẽ có hình cây tre do đó bệnh này cũng có tên như vậy - "bamboo spine".
Khi điều trị bệnh này, mục tiêu là nhằm làm giảm các triệu chứng và dự phòng bệnh xấu thêm bằng: thuốc, các bài tập, phẫu thuật.
Thuốc gồm nhóm kháng viêm-không steroid (với liều thấp nhất có thể giảm đau được), các steroids. Các thuốc khác có thể dùng để làm chậm lại diễn tiến bệnh bao gồm sulfasalazine, methotrexate. Nhóm các thuốc sinh học ức chế interleukine hiện nay được xem là có thể làm chậm lại quá trình diễn tiến của bệnh. Nhóm thuốc này khi được dùng sớm có thể giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng dính cột sống hay dính khớp háng.
Một tin vui cho bệnh nhân là các thuốc này đã được bảo hiểm y tế chi trả 1 phần nên sẽ làm giảm gánh nặng cho các bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này.
Các bài tập vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ cho việc điều trị bằng cách giữ cho lực cơ tốt, giúp các khớp và cột sống bớt cứng tránh bị tàn phế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận