10/04/2023 12:01 GMT+7

Thầy giáo kiêm lương y tốt bụng ở biên giới

Nhiều năm nay, thầy giáo Huỳnh Văn Tê cũng là lương y bên bờ sông biên giới Sở Thượng, vừa dạy dỗ đám trẻ, vừa trị bệnh miễn phí giúp người. Ai trả tiền, thầy chỉ cười hiền trả lại...

Thầy giáo Tê không bao giờ nhận tiền khám chữa bệnh của ai

Thầy giáo Tê không bao giờ nhận tiền khám chữa bệnh của ai

Lương y Hai Chức, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), cởi mở khi có người hỏi thầy giáo Huỳnh Văn Tê (55 tuổi), dạy môn hóa học Trường THCS Thường Lạc. 

"Ai chứ thầy Tê giúp người nhiều lắm à nhen. Không chỉ dân địa phương mà còn từ nhiều tỉnh, cả người Campuchia cũng qua đây nhờ ổng trị bệnh... Thầy làm tốt nên xã, huyện cũng hỗ trợ hết mình cho ổng làm phước", vị thầy thuốc lớn tuổi ở vùng biên tâm sự về thầy Tê với tất cả sự trân trọng.

Cả nhà trường lẫn lãnh đạo địa phương rất ủng hộ tôi khám chữa bệnh miễn phí. Thỉnh thoảng các anh ấy lại ghé động viên, nhờ vậy mà mình càng thêm yên tâm làm tốt cả hai việc.

Thầy HUỲNH VĂN TÊ
Ngoài giờ dạy học, thầy Tê lại khám bệnh và bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Ngoài giờ dạy học, thầy Tê lại khám bệnh và bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Thương người, nên được người thương

Có thời gian, người ta thấy từ Campuchia, nhiều người Khmer lẫn người gốc Việt tìm đến Thường Lạc để nhờ một thầy thuốc chữa bệnh. Ông Jutha ở Neak Loeang (tỉnh Prey Veng, Campuchia) kể thời gian trước bụng ông cứ phình to ra, da thì vàng sậm. "Tui có nghe nói bên Việt Nam có ông thầy Tê tốt lắm. Mấy người gốc Việt ở Campuchia qua đó điều trị đều khỏi bệnh. Nên tôi nhờ người ta đưa qua gặp ông thầy Tê. 

Ổng khám và bốc thuốc cho tôi về uống nhưng không lấy tiền, nói cách nào ổng cũng không nhận thù lao. Tôi uống thuốc của ổng mấy tháng nay bệnh tình giảm nhiều..." - người nông dân Campuchia chia sẻ, sau đó ông cũng chỉ cho nhiều người từ bên kia biên giới tìm thầy Tê chữa bệnh.

Chuyện thầy Tê giúp người bệnh đã lan xa ra nhiều tỉnh miền Tây. Bà Tư Xốp, người dân ở Thường Lạc, hay đến phụ giúp sơ chế dược liệu nói những ngày cuối tuần, số bệnh nhân đến tìm thầy Tê rất đông. 

"Người ta xếp hàng chờ tới lượt khám bệnh. Ông già, bà cả, người bệnh yếu đi đứng không tiện được ưu tiên khám trước. Chòm xóm xung quanh cũng qua tiếp thầy nên khách tuy đông nhưng trật tự lắm", bà Xốp nói trước đây bà cũng mắc bệnh nặng, nhờ thầy Tê cứu chữa mà qua khỏi. Từ đó, bà gia nhập nhóm thiện nguyện phụ giúp thầy Tê tìm dược liệu, phơi thuốc, phân loại thuốc.

Nhóm giúp thầy Tê có hơn chục người, làm việc bất kể nắng mưa. "Khi nào rảnh là tụi tui tới đây góp sức. Vì thầy cực khổ, không vụ lợi, giúp được nhiều bệnh nhân nghèo nên tụi tui tiếp ổng không nề hà" - bà Trần Thị Đỉnh (Út Đỉnh, 84 tuổi), nhà ở ấp 6, xã Thường Lạc, tươi tắn kể thêm. "Thầy trị bệnh không lấy thù lao khám hay tiền thuốc men gì hết. Nên ai có lòng thì tới tiếp ổng một tay lo cho những bệnh nhân nghèo khác...". Bà Út Đỉnh nói nhiều người trong nhóm thiện nguyện cũng từng là bệnh nhân được thầy Tê cứu chữa như bà.

Tiếp chúng tôi, thầy Huỳnh Văn Tê vẫn thói quen không hỏi tên tuổi, quê quán của người đối diện, cũng như ông chưa từng hỏi lai lịch hay kết giao với bệnh nhân để mong báo đáp. Ông giải thích rằng mấy hôm nay bận công tác ở trường nên thời gian khám bệnh có ít lại. 

"Lãnh đạo nhà trường rất cảm thông, nên xếp lịch đứng lớp cho tôi 'né' những ngày cuối tuần, để có toàn thời gian khám chữa bệnh. Từ trước tới nay cả nhà trường và lãnh đạo địa phương cũng hỗ trợ tôi nhiều, nên tôi mới yên tâm đóng hai vai, vừa là giáo viên vừa là thầy thuốc...".

Thầy giáo Tê chia sẻ rằng mấy chục năm theo nghề giáo, ông cũng không ít lần được cấp trên gợi ý cân nhắc lên vị trí quản lý. Nhưng ông đều xin đứng lớp để có thời gian cho bệnh nhân. "Tôi yêu nghề dạy trẻ nhưng cũng tâm huyết với việc khám trị bệnh miễn phí cho người nghèo. Nên tôi có đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo ngành giáo dục cho tôi được có thời gian cho vai thứ hai. Các thầy ấy cũng cảm thông".

Nhiều người dân quý thầy và đến giúp làm thuốc nam

Nhiều người dân quý thầy và đến giúp làm thuốc nam

Thầy giáo vừa dạy học vừa trị bệnh giúp người

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chàng trai Huỳnh Văn Tê được điều về Trường THCS Thường Thới Hậu B (nay là Thường Lạc). Ngôi trường heo hút nằm bên bờ sông biên giới Sở Thượng. "Thời điểm đầu những năm 1990, vùng này khó khăn lắm. Lộ làng chưa có, thuốc men khan hiếm, dân trong vùng sổ mũi nhức đầu hay tìm đến phòng khám đông y của xã. Tôi về nhận dạy học ở đây, cũng tìm đến hỗ trợ cho các chú lương y ở phòng khám một tay", ông kể.

Với những gì học được từ các danh y ở Sa Đéc, Cao Lãnh trước đó, thầy giáo Tê nhanh chóng được người dân biên giới biết đến khi "mát tay" trị bệnh miễn phí nhiều ca bệnh trong vùng. Phòng khám đông y xã vì vậy ngày càng đông khách. Người ta lại "canh" giờ thầy giáo Tê ra tiết dạy ở trường để nhờ thầy đích thân khám hoặc qua phụ giúp thầy.

"Lúc đó kinh tế chật vật nên nhiều thầy thuốc bỏ nghề. Họ tập trung lo sinh kế gia đình. Tôi nhờ có đồng lương giáo viên tuy ít nhưng cũng đủ nuôi thân, lại không có vợ con nên ngoài giờ dạy ở trường, tôi dành thời gian, tâm huyết cho việc khám chữa bệnh", thầy Tê chia sẻ.

Khi những lương y như Hai Ngàn, Út Đạt, Út Bia... thôi việc khám bệnh từ thiện thì thầy giáo độc thân Huỳnh Văn Tê phải trong hai vai, vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc.

Kéo dài hơn 10 năm, khi sự "mát tay" và lòng tốt của lương y Huỳnh Văn Tê vang xa, bệnh nhân tìm đến ngày càng đông, phòng khám đông y nhỏ xíu của xã trở nên quá tải. Nhiều lúc người bệnh phải đứng ngoài đường để chờ khám bệnh. Người dân sống gần đó, cả cán bộ xã, giáo viên cùng công tác với thầy Tê cũng đến giúp ông giữ trật tự, xếp thứ tự bệnh nhân, phân loại thuốc...

Thấy cảnh người dân phải chen chúc ở phòng khám đông y xã chờ xem mạch, bốc thuốc, lãnh đạo địa phương đã bàn giao ngôi nhà Trung tâm y tế xã đang bỏ trống cho ông Tê để làm chỗ khám chữa bệnh, chứa dược liệu. 

"Được tạo điều kiện, tôi vét tiền tích cóp từ lương giáo viên để làm mái che cho rộng rãi. Cả nhà trường lẫn lãnh đạo địa phương rất ủng hộ tôi khám chữa bệnh miễn phí. Thỉnh thoảng các anh ấy lại ghé để động viên, nhờ vậy mà mình càng thêm yên tâm làm tốt cả hai việc", thầy Tê chia sẻ.

Từ khi phòng khám đông y dời về khu nhà trung tâm y tế xã, lượng bệnh nhân đến khám đông thêm. Số người tình nguyện đến giúp phòng khám cũng đông hơn. Vì khám bệnh miễn phí, thầy Tê từ chối mọi thù lao. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh đã quay lại hậu tạ, nhưng vị lương y đều từ chối. Duy một lần, một bệnh nhân ở Hồng Ngự được thầy Tê chữa bệnh đã chạy đến khoe... vừa trúng số độc đắc. Ông mua chiếc xe tải nhỏ không phải để đền ơn, mà là "gửi" cho phòng khám làm có cái để chở cây thuốc. Món quà ý nghĩa mà thầy Tê không thể từ chối.

Ở tuổi 55, nhiều người hỏi thầy Tê sao không lập gia đình. Người thầy giáo, lương y đỏ mặt: "Tôi trông hai vai còn không đủ thời gian, sợ mình không đủ tâm trí đâu mà sánh thêm vai thứ ba hả chú", ông cười hiền như mong một sự chia sẻ, cảm thông.

Xin tiền giúp người nghèo

Ông Bùi Thanh Tiền, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Thường Lạc, cho biết thầy Huỳnh Văn Tê là người có nhiều cống hiến cho công tác xã hội tại địa phương. Không chỉ về đây dạy chữ cho trẻ em vùng biên giới từ những ngày đời sống còn nhiều khó khăn, mà thầy đã phát huy khả năng đông y của mình để trị bệnh, giúp rất nhiều người.

"Ngoài hốt thuốc nam miễn phí cho người dân khắp mọi nơi, thầy còn vận động nhà hảo tâm để có nguồn kinh phí trao tặng gạo, đồ thiết yếu, xây cất nhà... giúp các hộ nghèo, gia cảnh khó khăn", ông Tiền nói.

ĐẶNG TUYẾT

Đại lão lương y ở Cửa CạnĐại lão lương y ở Cửa Cạn

TT - Là người ở đất liền, đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, vậy mà ông vẫn khăn gói ra đảo Phú Quốc để mở phòng khám bệnh miễn phí cho người nghèo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp