31/03/2019 11:26 GMT+7

Thầy giáo của những học trò 'học trước quên sau'

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Hơn một năm qua, ở thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang mọi người hay nhắc về một lớp học đặc biệt với những học sinh đang cần điều trị bệnh, và người thầy tận tụy.

Thầy giáo của những học trò học trước quên sau - Ảnh 1.

Không khí lớp học của thầy Khương luôn nghiêm túc. Học sinh tâm thần rất chăm chú nghe giảng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Tôi tiếp xúc với các anh chị bị bệnh vì muốn được thấu hiểu hơn để tìm cách dạy tốt hơn. Vì nếu tôi chỉ dừng lại ở việc giúp các bạn biết đọc, biết viết thì đó chưa phải là đích đến cuối cùng. Cái tôi mong muốn qua các buổi học là học trò ngoan hơn, vui hơn, sống tốt hơn, nên tôi ước gì có nhà khoa học nào nghiên cứu và sáng tạo ra chương trình học cụ thể và bài bản cho người bệnh tâm thần để tôi áp dụng

Thầy Nguyễn Hoàng Khương

Lớp học đặc biệt đó của thầy Nguyễn Hoàng Khương (28 tuổi, quê Long Mỹ, Hậu Giang) nằm trong Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hậu Giang, giữa một vùng quê nghèo hẻo lánh.

Nghề trồng người "đặc biệt"

Sau khi tốt nghiệp sư phạm tiểu học (Đại học Cần Thơ), thầy Khương đến vùng quê nghèo ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy lập nghiệp. Ở đây, thầy không nghĩ rằng mình lại bén duyên và gắn bó với nghề "đưa đò" dạy chữ cho những người mắc bệnh tâm thần.

Theo thầy Khương, từ trước đến giờ trung tâm chưa có thầy, cô nào tiếp nhận dạy người bị tâm thần như thầy. Đồng thời sau một thời gian trải nghiệm dạy thử, thầy Khương quyết định ở lại gắn bó với nghề vì biết rằng các cô, cậu học trò "đặc biệt" rất cần thầy, dù rằng con đường dạy chữ của thầy còn lắm gian nan.

"Học ra để đi dạy, nhưng dạy cho đối tượng tâm thần khiến tôi khá bỡ ngỡ. Lúc mới tiếp nhận lớp, tôi gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong cách giảng dạy, áp lực tâm lý làm tôi trăn trở muốn từ bỏ. Nhưng rồi nghĩ lại dạy ở đâu cũng là dạy, dạy riết rồi tôi thấy mến. 

Các bạn biết đọc, biết viết tôi lại thấy vui, tôi cần phải gắn bó lâu dài giúp các bạn có thêm niềm vui trong cuộc sống" - thầy Khương chia sẻ.

Năm nay thầy Khương 28 tuổi, là con trai trưởng trong một gia đình nông dân nghèo nên thầy có tinh thần tự lực và ý thức trách nhiệm cao. Vì vậy, khi đến với nghề "gieo chữ" cho bệnh nhân tâm thần, thầy đã dễ dàng vượt qua trở ngại, nhất là khi phải sống xa vợ con.

"Hiện tôi ở nhà tập thể của trung tâm. Mỗi tuần tôi về thăm nhà một lần, mỗi lần phải vượt qua 120km (cả đi lẫn về). Tôi vẫn vui và hạnh phúc. Gia đình vẫn khuyên tôi nên cố gắng dạy chữ cho các anh chị mắc bệnh tâm thần ở đây vì rất có ý nghĩa" - thầy Khương nói.

Cách dạy linh hoạt

Đến nay, lớp học của thầy Khương vẫn diễn ra bình thường như bao lớp học văn hóa khác ở địa phương. Tuy nhiên, thầy cho rằng trong hệ thống đào tạo giáo dục hiện vẫn chưa có chương trình dạy học cụ thể dành cho người tâm thần. 

Để quản lý lớp học khác thường này, thầy cũng cần có cách dạy khác thường. Cách dạy này đòi hỏi người thầy không chỉ có tâm huyết, mà còn nắm vững tâm lý người học và linh động cách dạy.

Thông thường khi chuẩn bị một buổi học, thầy Khương tốn rất nhiều công sức và không ít lần thức trắng đêm suy nghĩ, vận dụng hết kỹ năng sư phạm để soạn bài và áp dụng phương pháp giảng dạy trực quan sinh động.

Cụ thể một tuần có năm buổi học thì thầy Khương chia đều dạy đan xen, một buổi học văn hóa, một buổi xem clip "Bóng mát tâm hồn" hay vẽ tranh theo chủ đề con vật, gia đình... Khi cần thầy biến mình thành ca sĩ để tạo không khí vui tươi cho các trò.

"Có bữa tôi đang dạy, một số bạn miệng nói nhảm. Thấy vậy tôi thay đổi không khí, chuyển sang phục vụ văn nghệ, tôi hát nhạc thiếu nhi, rồi đến nhạc trữ tình. Lạ thay, tôi thấy các bạn ngồi yên và rất vui. Tôi nghĩ âm nhạc có thể giúp tinh thần các bạn ổn định. Đó cũng là cách để tôi ổn định lớp mà dạy đến tận bây giờ" - thầy Khương nhấn mạnh.

Lớp học của thầy Khương nằm ở một góc nhỏ trong hội trường trung tâm. Thầy bố trí lớp học theo cách riêng của thầy. Với sĩ số lớp 9 bạn, thầy Khương sắp xếp bàn ghế gần kề bàn giáo viên. Làm vậy, thứ nhất thầy dễ dàng quan sát lớp. Thứ hai, các bạn ít bị phân tâm và tập trung vào học.

"Các bạn học trước quên sau. Tôi cần dạy đi dạy lại nhiều lần. Vì thế, tôi sắp xếp bàn ghế vậy để các bạn nghe rõ và dễ tiếp thu bài. Bước đầu tôi thấy khá hiệu quả" - thầy Khương bộc bạch.

Nhờ vậy, dù mới hơn một năm học chữ nhưng trong lớp học của thầy Khương học trò tiến bộ khá nhanh, nhận diện mặt chữ tốt, biết đọc, biết viết khá thành thạo.

"Sau một thời gian được thầy Khương dạy chữ em đã biết đọc, biết viết. Em rất vui. Thầy Khương rất tốt với chúng em. Em rất thương thầy" - bạn Trần Minh Tài (19 tuổi) cho biết.

Góp phần điều trị bệnh

Thầy Khương cho rằng bên cạnh việc các bạn vui vẻ học, sẵn sàng hợp tác, biết đọc, biết viết thì thành quả đáng tự hào nhất là trong lớp có một số bạn dần lấy lại ý thức và cảm xúc như người bình thường.

Khi tiếp nhận lớp, thầy Khương nhận thấy trong 9 cô cậu học trò có chị Thủy, hơn 40 tuổi và mắc bệnh tâm thần lâu năm. Qua thời gian học chữ, tinh thần của chị thoải mái, vui vẻ nói cười. Hơn cả, chị dần dần viết chữ và viết đúng tên mình trên bảng con, đồng thời kết hợp uống thuốc đúng giờ nên bệnh tình chị ngày càng cải thiện tốt hơn.

Trong khoảng thời gian gắn bó với lớp học đặc biệt này, thầy Khương cho biết mình không chỉ đóng vai trò là một người thầy mà còn là người bạn, người thân của các học trò. 

Hơn một năm qua, ngoài giờ lên lớp, thầy Khương luôn chủ động tiếp xúc và trò chuyện cùng các anh chị bệnh nhân tâm thần ở trung tâm. Một mặt, thầy muốn xóa đi khoảng cách. Mặt khác, thầy cố gắng nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ để đồng cảm và chia sẻ.

"Kể từ lúc có lớp học của thầy Khương, bệnh tình các anh chị ở đây có phần thuyên giảm. Họ ít phá phách và sống vui vẻ hơn trước. Đến giờ học, cán bộ trung tâm nhắc nhở một lần là các bạn đi học đầy đủ và rất vui vẻ" - anh Tâm, cán bộ trung tâm, cho biết.

Ông Lê Văn Cao, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận: "Dạy lớp học bình thường đã khó, nhưng dạy cho học trò mắc bệnh tâm thần như thầy Khương là chuyện không dễ. Nhưng thầy đã làm được và làm rất tốt. 

Bằng tình yêu thương, thầy Khương không chỉ giữ vững tay nghề dạy văn hóa mà còn góp phần vào quá trình trị liệu hiệu quả cho những người bệnh tâm thần ở đây. Bước đầu các học viên tâm thần đã biết đọc, biết viết và điều đó rất đáng tự hào. 

Vì vậy, sắp tới đây chúng tôi sẽ lựa chọn thêm học sinh trong số 192 bệnh nhân mắc tâm thần nhẹ ở trung tâm tham gia lớp học để họ sớm phục hồi ý thức, hòa nhập với cộng đồng".

Ai cũng có quyền được học văn hóa

thầy khương

Thầy Khương bên các học trò đặc biệt của mình

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Hậu Giang, nói với chúng tôi rằng ai cũng có quyền được học văn hóa, dù người đó bị bệnh tâm thần. Bà Hằng cho biết từ trước đến nay, đối với người bị khuyết tật, khiếm thị thì giáo dục có phương pháp dạy văn hóa riêng cho từng đối tượng.

Riêng các bệnh nhân tâm thần thuộc đối tượng "đặc biệt" thì ngành giáo dục chưa có chương trình dạy riêng. Vì vậy, những điều thầy Khương làm được hôm nay rất là đáng quý.

Trường đại học "có một không hai" dùng toàn ngôn ngữ ký hiệu

TTO - Trường đại học Gallaudet ở thủ đô Washington DC, Mỹ được xem là nơi có một không hai trên thế giới khi toàn bộ sinh viên, giảng viên đều dùng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp