23/08/2015 06:00 GMT+7

Thấy gì sau 20 ngày xét tuyển?

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG

TTO - Những ngày qua thật không bút nào tả xiết về cảm xúc của người thi, phụ huynh và xã hội về 20 ngày xét tuyển và kỳ thi THPT quốc gia. Các nhà giáo dục nói gì?

Hàng dài thí sinh chờ làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM trong ngày cuối - Ảnh: Quang Định
Hàng dài thí sinh chờ làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM trong ngày cuối - Ảnh: Quang Định

PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết hình thức xét tuyển này là không mới vì thế giới đã thực hiện. Nhiều trung tâm đào tạo uy tín vẫn sử dụng hình thức này để tuyển chọn học viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

PGS.TS Đoàn Lê Giang - trưởng khoa văn học ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV TP.HCM) - cũng cho rằng hình thức thi rồi có điểm, sau đó mang xét tuyển đã được áp dụng tại Mỹ. Ưu điểm là thí sinh được chủ động lựa chọn ngành, trường theo điểm số của mình thay vì thụ động như trước (không được thay đổi nguyện vọng dù điểm cao hay thấp hơn dự tính).

Trước ý kiến cho rằng hình thức này dễ làm thí sinh lao vào cuộc chạy đua nộp - rút để tìm trường mà không quan tâm mình có yêu thích ngành học hay không, ông Xê phản bác, với hình thức cũ cũng không thể chắc chắn thí sinh chọn ngành vì đam mê hay vì tỉ lệ chọi.

Hai khuyết điểm thuộc về Bộ GD-ĐT

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan những gì đang diễn ra, PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng có hai khuyết điểm thuộc về Bộ GD-ĐT.

Thứ nhất, bộ đã không lường được trình độ lưu trữ và truy xuất dữ liệu, hồ sơ của một số trường còn quá hạn chế.

Thứ hai, “hiệu ứng đám đông” khi 4 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển đã gây nên hiện tượng thí sinh ảo.

Theo ông Xê, thí sinh và phụ huynh cũng có nhược điểm vô cùng lớn là chưa nắm rõ các quy định nên hoang mang, chuyển đổi hồ sơ liên tục từng giây từng phút thay vì bình tĩnh theo dõi để quyết định. "Kỳ thi năm nay là kỳ thi sòng phẳng, thí sinh đậu bằng năng lực thật sự nên phụ huynh, thí sinh cần phải tự đánh giá được năng lực của mình thay vì cứ đổ tất cả lỗi cho Bộ GD-ĐT. Thí sinh không chọn được ngành mình yêu thích là vì chưa đủ năng lực. Ai có đủ năng lực thì có quyền thực hiện điều mình mong ước”, ông Xê khẳng định.

Theo ông Xê, kỳ nộp hồ sơ đầu tiên được gọi là “nộp hồ sơ nguyện vọng 1” là chưa đúng vì trong đợt này lại có 4 “nguyện vọng” tương ứng với 4 ngành, làm mọi người hiểu lầm. Thay vào đó nên thay đổi thành “nộp hồ sơ đợt 1”.

Một giáo viên đang công tác tại Cần Thơ nhận định: “Đề thi năm nay hơi cao so với trình độ tốt nghiệp nhưng lại khá nhẹ nếu dùng để tuyển sinh. Vì vậy, kết quả điểm thi của riêng thí sinh mong muốn vào đại học cao hơn nhiều so với ước tính của các em, điều này làm điểm chuẩn nhiều trường vượt xa các năm trước (có thể tăng từ 3-5 điểm). Do đó, thí sinh không biết với mức điểm đó mình có thể vào trường nào nên hoang mang trong khâu chọn lựa trường và ngành học phù hợp”.

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hình thức xét tuyển này làm khó cả thí sinh, phụ huynh lẫn nhà trường. Ông cho rằng công tác tổ chức thi tuyển rất tốt, tuy nhiên ngay từ đầu ông Thuyết đã lo ngại về khâu chấm thi, công bố điểm và tuyển sinh.

Ông Thuyết phân tích: “Thí sinh, phụ huynh phải liên tục chuyển hồ sơ. Cụ thể, khi thí sinh bị đẩy xuống mức nguy hiểm, các em sẽ rút hồ sơ để chuyển sang trường phù hợp hơn. Tuy nhiên, các em vẫn có thể tiếp tục bị đẩy xuống mức nguy hiểm ở nơi nộp mới. Vậy là rút rồi nộp rồi cứ rút, như thế rất vất vả. Chưa kể trường hợp khi các em đã rút hồ sơ ở đơn vị cũ, cùng lúc đó có những bạn ở vị trí cao hơn cảm thấy không an toàn nên cũng rút, vậy là lẽ ra các em sẽ được đôn lên mức an toàn có thể trúng tuyển, nhưng nay hồ sơ đã bị xóa tên, rất tức tưởi. Mặt khác, nhà trường không nắm được số lượng thí sinh vì lượng hồ sơ cứ biến đổi từng ngày, từng giờ gây khó khăn trong quyết định điểm chuẩn và cũng không thể chủ động biết chính xác phổ điểm của ngành mình tuyển sẽ ra sao”.

Thí sinh tranh thủ chợp mắt trong khi chờ rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH GTVT TP.HCM sáng 17-8 - Ảnh: Như Hùng

Những góp ý

Theo đề xuất của cô Bùi Thị Kim Hạnh, nên để thí sinh thi nơi nào thì nơi đó công bố điểm sẽ tiện lợi hơn, vì ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều thí sinh, phụ huynh không cập nhật kịp việc Bộ GD-ĐT còn công bố điểm thi theo từng khu vực.

ThS Lê Ngọc Tứ - quyền trưởng phòng đào tạo (ĐH Sư phạm TP.HCM) - nhận xét việc sử dụng dữ liệu chung quốc gia cho kỳ thi năm nay giúp công tác quản lý dễ dàng hơn nhưng tốc độ xử lý công việc có phần chậm hơn. Ông Tứ lưu ý phụ huynh và học sinh cần đánh giá đúng lực học để nộp hồ sơ vào ngành, trường phù hợp, tránh việc rút ra nộp vào liên tục.

PGS.TS Đỗ Văn Xê cũng cho rằng trong kỳ xét tuyển những năm sau, nên bỏ từ “nguyện vọng” vì thực tế nhiều thí sinh, phụ huynh xem các nguyện vọng (NV) này là ưu tiên xét tuyển, tức là NV1 được ưu tiên xét tuyển trước, NV2 được xét tuyển sau.

Nhưng theo quy định của bộ, khi xét tuyển một ngành, tất cả các NV đều cho giá trị như nhau, việc đậu hay rớt chỉ do tổng điểm của thí sinh quyết định. Ngoài ra, việc cho phép thí sinh chọn 4 ngành đã làm họ không thể dựa vào thứ tự của mình trong danh sách ngành đăng ký để phán đoán khả năng đậu hay rớt.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

>> Cô Bùi Thị Kim Hạnh

>> ThS Lê Ngọc Tứ

>> PGS.TS Đoàn Lê Giang

>> PGS Văn Như Cương

>> PGS.TS Đỗ Văn Xê

>> GS Nguyễn Minh Thuyết

 

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp