Thấy gì qua việc hàng trăm học sinh xé đề cương?

H.HƯƠNG - N.HÙNG ghi
H.HƯƠNG - N.HÙNG ghi

TT - Phản ứng có phần bồng bột này xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM. Sau khi nghe công bố thông tin môn lịch sử không nằm trong các môn thi tốt nghiệp, hàng trăm học sinh đã xé đề cương môn sử ném xuống sân trường.

Sân trường ngập một màu rác trắng...

ko3ZoQmv.jpgPhóng to
Cảnh ném đề cương môn sử từ trên các tầng lầu dãy nhà A Trường THPT Nguyễn Hiền (ảnh chụp lại từ video clip)
4xD9PMKn.jpgPhóng to
Cảnh ném đề cương môn sử từ trên các tầng lầu dãy nhà A Trường THPT Nguyễn Hiền (ảnh chụp lại từ video clip)

Câu chuyện hàng trăm học sinh xé đề cương môn sử đã trở thành đề tài nóng trên các mạng, diễn đàn ngày 7-4, khi một video clip quay lại cảnh này được đưa lên Internet ngày 30-3, sau một ngày Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp (29-3).

“Nhìn như bãi chiến trường”

Ông LÊ HỒNG SƠN (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Với chế độ thi cử như hiện nay, nếu thi tốt nghiệp THPT môn địa thì học sinh sẽ quăng đề cương môn sử. Nếu thi tốt nghiệp môn sử thì quăng môn địa hoặc môn nào khác. Đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi học trò. Hoặc cũng có thể trước đó các em đã đoán được sẽ thi môn này, môn kia, khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố trùng hợp với suy đoán của mình nên các em reo hò. Về chương trình thì đúng là vẫn còn nặng nề mặc dù đã giảm tải. Tôi mong rằng chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ khắc phục được tình trạng này.

Đoạn video clip miêu tả lại khung cảnh tại dãy nhà A của Trường THPT Nguyễn Hiền. Sau khi có thông báo môn sử không thi tốt nghiệp, nhiều tiếng hú, tiếng thét vang lên.

Tiếp sau đó là hàng loạt đề cương môn sử được học sinh xé và ném, bắt đầu từ tầng 4 đến tầng 3 của dãy nhà A. Chưa đầy 30 giây, phía dưới dãy nhà A phủ đầy rác trắng. “Nhìn như bãi chiến trường” là bình luận của một giọng nam trong clip. Sau đó tiếng loa vang lên và đề nghị khối 12 của trường này tập trung xuống sân trường.

Khoảng 15g ngày 7-4, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Nguyễn Hiền. Tiếp xúc với chúng tôi, một học sinh lớp 11A5 cho biết em có nghe chuyện các anh chị khối 12 của trường xé đề cương ôn thi môn lịch sử cách đây khoảng một tuần. Còn một bạn nữ cũng học sinh lớp 11 nói có biết chuyện xảy ra tại trường của mình và cho biết thêm có 2-3 bạn học sinh bị nhà trường kỷ luật. Trong khi đó chúng tôi gặp hai học sinh lớp 12 học thêm tại trường cũng xác nhận chuyện xé đề cương là có thật và cho biết những hành động như thế chỉ để chơi vui mà thôi!?...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cảnh Tân - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền - cho biết: “Sự việc học sinh Nguyễn Hiền tung giấy xuống sân trường diễn ra vào hai ngày: ngày thứ nhất vào 29-3 nhưng bữa đó tôi không có mặt ở trường nên không nắm rõ. Ngày thứ hai là chiều 3-4 - bữa cuối cùng học sinh lớp 12 kiểm tra học kỳ 2. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho nhân viên của trường gom lại thì đó không chỉ có đề cương môn sử mà còn có đề cương nhiều môn khác, cả giấy vụn, giấy nháp... Tôi đã đích thân đi hết 14 lớp 12 nói chuyện và hỏi các em tại sao làm như vậy? Các em cho biết đó là cách để giải tỏa áp lực tâm lý vì bị ức chế quá nhiều. Đây chỉ là hành động bột phát của một số em lớp 12 chứ không phải tất cả học sinh tham gia (vì có nhiều lớp cho biết không biết gì về sự kiện này). Sau đó nhiều em đã khóc vì hối hận”.

Ông Nguyễn Cảnh Tân nói tiếp: “Nhiều năm làm công tác quản lý, tôi thấy rằng năm nào học sinh cũng sợ thi môn sử. Lịch sử là môn học nhiều chữ, nhiều sự kiện, học sinh phải học thuộc cả ngày - tháng - năm...

Theo nhận xét của cá nhân tôi, khoảng 7-8 năm trở lại đây năng lực ghi nhớ các môn xã hội của học sinh không cao như thế hệ học sinh các năm trước đó. Đây cũng là một nguyên nhân khiến học sinh cảm thấp áp lực khi học sử. Nếu so sánh giữa sử và địa sẽ thấy kiến thức môn địa yêu cầu học sinh có cách ghi nhớ logic chứ không ghi nhớ một cách máy móc như môn sử.

Riêng đối với Trường Nguyễn Hiền, ngay từ đầu năm nhà trường đã yêu cầu cả thầy và trò đều phải dạy và học nghiêm túc tất cả các môn. Có lẽ vì điều này nên học sinh cảm thấy áp lực. Vì môn sử cũng được đối xử như những môn khác: trong năm học, học sinh nào không thuộc bài ba lần liên tiếp nhà trường sẽ mời phụ huynh đến làm việc. Sau sự việc trên, bản thân tôi cũng sẽ nhìn nhận lại và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử cho học sinh”.

E6ZO0FzH.jpgPhóng to
Dãy phòng học khu A - nơi học sinh khối 12 Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM xé đề cương ôn thi môn sử rải khắp trường (ảnh chụp chiều 7-4) - Ảnh: Như Hùng

“Tôi rất buồn...”

ThS Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ sử - địa - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền, tâm sự: “Là giáo viên dạy môn sử, tôi rất buồn mặc dù sau đó nhiều em đính chính với tôi rằng những tờ giấy vứt xuống sân trường chủ yếu là giấy vụn và những tờ rơi quảng cáo ôn thi đại học.

Việc đính chính này thông qua nhiều con đường: từ Facebook đến tin nhắn qua điện thoại và cả trực tiếp (nhiều em còn chứng minh với tôi là vẫn giữ nguyên đề cương môn sử). Đây chỉ là hành động bột phát của học sinh cá biệt, các em tham gia theo phong trào để có hình ảnh, có clip đưa lên Facebook cho vui, nhưng việc học sinh tung giấy vụn xuống sân trường đã làm xấu đi hình ảnh về ngôi trường Nguyễn Hiền mà cả tập thể giáo viên, ban giám hiệu trường gầy dựng từ bấy lâu nay, hủy hoại công sức, nỗ lực của cả tổ bộ môn sử - địa - giáo dục công dân. Tôi còn nghe nói cuối năm học các em sẽ “làm” một trận lớn hơn như thế nữa.

Tôi hiểu cảm giác của học sinh, tâm lý chung của học trò là chỉ muốn tập trung ôn thi các môn thi tuyển sinh đại học. Môn sử nếu có thi tốt nghiệp thì sau đó cũng rất ít học sinh chọn thi khối C. Chưa kể nhiều em còn cho rằng chương trình môn sử nặng nề và không muốn học.

Hiện nay, học sinh tiếp nhận môn sử có hai cách: Học sinh học sử rất giỏi. Các em cho biết mình vẫn thích học sử nhưng không chọn sử để thi đại học. Cách thứ hai là một số em học lệch, chỉ học những môn thi đại học, số này không thích học sử. Với những em này, giáo viên phải nhắc nhở và các em có cảm giác mình bị ép học nên có nhiều phản ứng khác nhau. Tôi cũng thừa nhận có một số giáo viên cho rằng môn mình là môn phụ, không được xem trọng nên không có sự đầu tư, không thu hút được học sinh vào bài giảng”.

Ý kiến chuyên gia

* TS ĐINH PHƯƠNG DUY (chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM):

Cần thay đổi nhận thức về giá trị môn sử

Dưới góc độ tâm lý, có thể lý giải hành động của các em học sinh theo hai hướng sau.

Thứ nhất, về chủ quan có thể các em dự đoán sẽ thi tốt nghiệp môn lịch sử, đã đầu tư khá nhiều công sức cho môn học này nhưng cuối cùng không phải thi nên tức giận.

Thứ hai, có thể học sinh ngán ngại môn lịch sử, nên khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn này đã xé bỏ tài liệu như xả được nỗi lo lâu nay về môn học mình không yêu thích. Đó cũng là một thái độ của học trò đối với môn lịch sử, phản ánh lâu nay môn sử chưa thỏa mãn nhu cầu học sinh, nội dung và cả cách thức giảng dạy làm học sinh chán môn học này.

Bộ GD-ĐT cũng cần có động thái nào đó để học sinh yêu thích môn sử. Trước hết cần làm thay đổi nhận thức, phải làm sao cho thầy cô, học sinh và cả xã hội nhận thức lại giá trị môn sử trong chương trình học. Các nước rất chú trọng môn lịch sử. Nhiều nhà lãnh đạo tốt nghiệp ngành sử. Chính lịch sử không chỉ cung cấp số liệu, sự kiện mà còn nói lên quá trình phát triển tư duy của cả dân tộc, thông qua đó phát triển trí tuệ của học sinh chứ không chỉ đơn thuần là môn học thuộc lòng. Đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục cần chú ý làm sao để học sinh yêu thích môn sử, thông qua môn học này giáo dục lòng tự hào dân tộc và phát triển tư duy về lịch sử của VN một cách phù hợp.

* TS sử học NGUYỄN NHÃ:

Hỏng ở chuyện dạy - học đối phó

Cái hỏng nhất của giáo dục hiện nay là người ta chỉ lo học để đối phó, dạy đối phó chứ không phải là thực học. Do cách hướng dẫn mình tập trung cho dạy đi thi chứ không phải là dạy làm người, học làm người đã tạo ra chuyện học đối phó, hỏng ở đó. Dạy - học cốt để có điểm là sai lầm nhất của giáo dục hiện nay, không động viên được sự say mê hứng thú của người học.

Các em học trò đó đáng trách, nhưng những người làm giáo dục chúng tôi cũng phải tự trách mình. Làm thế nào để định hướng được cách học, mục tiêu học, cách dạy, chương trình học... cho tốt. Vì nếu mình làm tốt, những chuyện phản cảm như thế sẽ không xảy ra.

* PGS.TS VÕ VĂN SEN (hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM):

Cần thay đổi vị trí môn sử

Trước hết, cần nhìn nhận việc xé tài liệu học tập vung vãi khắp sân trường chỉ là hành động tự phát thiếu suy nghĩ của lứa tuổi học trò. Khi học sinh nghe miễn thi môn học khó thì có hành động bột phát như vậy. Đây chỉ là biểu hiện bình thường, không nên cho rằng đây là hành động xem thường thầy cô giáo, xem thường môn học hay khinh chê lịch sử.

Hiện xã hội đánh mất dần truyền thống dùng sử học để dạy người, để giáo dục công dân. Còn trong trường học đang bỏ mất dần truyền thống dùng sử để giáo dục con người. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này không phải xuất phát từ chỗ học sinh không có tinh thần dân tộc, không yêu thích sử học hay bản thân khoa học lịch sử không hấp dẫn, mà chỉ là hiện tượng kéo dài lâu do không xử lý đúng những quy luật của nó. Môn sử bị coi thường, vị trí môn sử trong hệ thống các môn học kém quá. Thời lượng học rất ít, chúng ta chỉ bố trí 1-2 tiết/tuần.

Trong các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp, môn sử cũng được xem là môn phụ, kiến thức thi vào ĐH chỉ khối C có môn sử. Nếu ngành giáo dục sắp xếp lại cơ cấu môn sử ở một vị trí quan trọng sẽ khôi phục vị trí môn sử.

N.P. - T.HUỲNHghi

H.HƯƠNG - N.HÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp