Những đứa bé ở Lao Xa - Hà Giang - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Đó là con mắt nhìn về quê hương của làng ảnh nội địa, cũng như lăng kính kiếm tìm sự mới mẻ của các nhiếp ảnh gia quốc tế như Nga, Pháp, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Philippines...
Sự kiện "Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia quốc tế" là một phần trong "Festival nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam", chuỗi chương trình được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức 2 năm một lần nhằm xây dựng "thương hiệu quốc gia" cho nhiếp ảnh Việt Nam; góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế thông qua hoạt động nhiếp ảnh.
Từ 1.567 tác phẩm của 98 nhiếp ảnh gia từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ gửi tới tham dự, hội đồng nghệ thuật của chương trình đã chọn ra 177 tác phẩm của 93 tác giả để trưng bày.
Dù không nhận thấy nhiều chênh lệch về kỹ thuật, người xem tinh ý vẫn có thể nhận ra tính "Việt" hoặc "ngoại" của nhiếp ảnh gia thông qua các lựa chọn đề tài ảnh.
"Lúa không thể thiếu nắng", Thanh Oai, 2009 - Ảnh: Nguyễn Dần
Nổi bật trong các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Việt tham gia triển lãm là chủ đề sinh hoạt đời thường, các hoạt động mà tự thân nó đã gợi nên sự thân thuộc với người Việt như cảnh đón dâu, hòm thư vàng, xe chở cá cảnh, hay phút nghỉ sau cánh gà của nghệ sĩ cải lương. Không gian được các nhiếp ảnh gia nội địa lựa chọn cũng "tình" và "tĩnh" hơn.
"Hạnh phúc nàng dâu mới", Quảng Ninh, 2021 - Ảnh: Nguyễn Văn Cường
Trong khi đó, các góc nhìn quốc tế - phần lớn là Pháp và Nga - đi tìm những cảnh trí mới lạ, những khuôn hình thiên nhiên hùng vĩ, và những nề nếp sinh hoạt khó tìm được ở quốc gia bản địa của họ (chợ nổi, hương khói trong chùa).
Thẩm mỹ hương xa (exotic) được hòa quyện với các bố cục đậm chất thẩm mỹ phương Tây, như bức "Trong xưởng gốm" của Marie Louise Bernard: các đường nét cơ thể, gương mặt của đứa trẻ trong ảnh chân dung được đánh sáng cẩn thận trên nền tối của xưởng gốm.
Tác phẩm "Trong xưởng gốm" của Marie Louise Bernard
Sự giao thoa giữa nhiếp ảnh Việt và quốc tế cũng được thể hiện, với hàng loạt ảnh đi tìm những góc "hương xa", các thực hành văn hóa độc đáo của những dân tộc ít người được các nhiếp ảnh gia người Kinh thực hiện.
Dù gặp không ít khó khăn giữa dịch COVID-19, các tác phẩm vẫn sẽ được trình bày tới công chúng mộ điệu từ ngày 26-11 đến hết ngày 3-12-2021 tại Thư viện tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, trọn bộ 177 tác phẩm cũng sẽ được giới thiệu tại website của Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm http://ape.gov.vn.
TTO giới thiệu một số ảnh nổi bật tại triển lãm:
Cuộc sống bên bờ sóng, 2020 - Ảnh: Vũ Mạnh Cường
Nối nghiệp, Thái Bình, 2020 - Ảnh: Trương Thế Cầu
Vật cầu bùn, 2018 - Ảnh: Hoàng Thị Bích Hiệp
Thăng hoa, Tuyên Quang, 2020 - Ảnh: Bùi Quốc Sỹ
Mưa, 2018 - Ảnh: Reha Bilir
Chim săn mồi, TP.HCM, 2019 - Ảnh: Adrien Jean
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận