Ngày 27-7, Bình Nhưỡng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên (từ năm 1953).
Sự đón tiếp nồng hậu của Triều Tiên
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, quốc ca Nga vang khắp sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, nơi được bao trùm trong bầu không khí chào đón nồng nhiệt khi ông Shoigu và phái đoàn đến nơi tối 25-7.
Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam đã ra đón người đồng cấp Nga. Trong những bức ảnh do báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng tải, có thể thấy rất nhiều binh sĩ mặc quân phục chỉnh tề xếp hàng dọc sân bay chào đón phái đoàn Nga.
Ông Shoigu đặt hoa trước những bức tượng khổng lồ của các cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung và Kim Jong Il.
"Đối với Nga, Triều Tiên là một đối tác quan trọng. Chúng ta có chung đường biên giới và lịch sử hợp tác phong phú", ông Shoigu nói, đồng thời cho biết cuộc gặp giữa hai bên sẽ "góp phần tăng cường hợp tác giữa hai bộ quốc phòng".
Theo Hãng tin AFP, Nga là đồng minh lâu năm của Triều Tiên và là một trong số ít các quốc gia mà Bình Nhưỡng duy trì quan hệ hữu nghị.
Giáo sư Park Won Gon, giám đốc Viện Nghiên cứu thống nhất của Đại học Ewha (Hàn Quốc), cho biết việc bộ trưởng Quốc phòng Nga bay tới Bình Nhưỡng trong khi Nga đang có chiến sự là việc "rất quan trọng".
Giáo sư Park nói thêm với người Trung Quốc và người Nga, sự hiện diện của họ ở Triều Tiên có thể gửi "thông điệp đoàn kết mạnh mẽ" tới Mỹ.
Ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha, nhận định chuyến thăm của ông Shoigu khó có thể dẫn đến bất kỳ thỏa thuận vũ khí hay tiến bộ ngoại giao nào và gọi đó là "biểu tượng thể hiện tình đoàn kết".
Triều Tiên thay đổi chính sách biên giới?
Theo truyền thông Hàn Quốc, ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh quy mô lớn thường diễn ra tại nước này trong các sự kiện mang tính kỷ niệm.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin có "dấu hiệu rõ ràng" về việc chuẩn bị cho cuộc duyệt binh lúc nửa đêm tại Quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il Sung).
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên mời khách nước ngoài tới dự lễ kỷ niệm kể từ đại dịch. Theo Hãng tin AFP, động thái này có thể nói lên nhiều điều về sự thay đổi cách Bình Nhưỡng thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới.
Trung Quốc cũng cử phái đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị Lý Hồng Trung dẫn đầu, dự kiến đến Bình Nhưỡng trong ngày 26-7. Với sự kiện diễn ra ngày 27-7, có thể thấy phái đoàn Trung Quốc sẽ không phải cách ly phòng dịch.
Triều Tiên đã tự phong tỏa nghiêm ngặt kể từ đầu năm 2020 để tự vệ trước COVID-19. Nước này mới chỉ nối lại một số hoạt động thương mại với Trung Quốc từ năm ngoái và cho phép tân đại sứ Trung Quốc Vương Á Quân đến nhận nhiệm vụ.
Ông Vương là nhà ngoại giao đầu tiên công khai đến Triều Tiên kể từ khi nước này đóng cửa biên giới vào tháng 1-2020.
Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, ông Alexander Matsegora, đã ở lại thủ đô Triều Tiên trong suốt đại dịch, ngay cả khi số lượng nhân viên tại đại sứ quán Nga giảm dần và các cơ quan đại diện nước ngoài khác đã đóng cửa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận