Ở công sở, trong bữa cơm gia đình, ở quán trà vỉa hè, đâu đâu người ta cũng dặn nhau đừng có uống bia rồi chạy xe ra đường, mà nếu lỡ có uống thì nên để người không uống đưa về.
Có thể đâu đó còn những tranh cãi, ví như thông tin của nhóm thực nghiệm cho dùng 3 quả vải và đo nồng độ cồn sau đó thấy lên tới 0,22mg/lít hay việc xử phạt ở ngưỡng nồng độ cồn từ 0-0,25mg/lít khí thở có vẻ còn cao...,
thì có thể nói chưa có luật nào mà được người dân chú ý ngay từ ngày đầu tiên (1-1) áp dụng như Luật phòng chống tác hại của rượu bia.
Chuyện uống bia rượu rồi tham gia giao thông và gây tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề gây nhức nhối ở Việt Nam. Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về lượng rượu bia tiêu thụ, với khoảng trên 4 tỉ lít bia/năm, và các vụ tai nạn giao thông gây đau đớn nhất trong năm vừa qua đều liên quan đến rượu bia: vụ đâm xe vào người đưa tang ở Bình Định, vụ nữ công nhân môi trường ở Hà Nội, vụ 2 phụ nữ tử vong ở hầm chui Kim Liên, Hà Nội...
Đã có nhiều chương trình được tổ chức để ngăn chặn vấn nạn sử dụng rượu bia và tham gia giao thông, hàng ngàn người đã tuần hành ở Hà Nội vào tháng 5-2019 để kêu gọi "đã uống rượu bia thì không lái xe". Nhưng kêu gọi không dường như chưa đủ.
Vì thế, mức phạt tiền rất nặng, kèm theo việc tước bằng lái xe tùy theo mức độ vi phạm là biện pháp cần thiết và đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.
Người ta hiểu nếu không làm mạnh, nỗi đau đớn sẽ còn nhiều và còn kéo dài với nhiều gia đình bởi vấn nạn rượu bia thâu đêm suốt sáng.
Cách đây hơn nửa tháng, có 1 chàng trai 19 tuổi chở theo em trai đã va chạm với xe máy chở 2 người phụ nữ. Cú va chạm mạnh làm 2 người tử vong, trong đó có một phụ nữ và chàng trai 19 tuổi này.
Trước khi ra đường, cậu được cho là có "nhấp môi" một chút rượu trong bữa tiệc ở gia đình.
Trong đám tang có nhiều vành khăn trắng, ai cũng tiếc thương chàng trai trẻ, nhưng sự sống đã ra đi là không thể quay lại, cái chết của chàng thanh niên và người mới 27 tuổi đã ám ảnh những người còn sống trong suốt cuộc đời, như một vết sẹo dài không thể xóa mờ.
Ở Việt Nam có một thứ mà người ta gọi là "văn hóa nhậu". Quán nhậu lúc nào cũng đông người. Ở đó, người ta mời nhau uống, khích nhau uống, ép nhau uống, "chú không uống là chú khinh anh", hay "anh không uống là anh khinh em".
Đôi khi có cả phụ nữ cũng bị ép uống. Thậm chí, có nơi người ta cử hẳn ra vài người uống rượu giỏi để làm một nghề gọi là nghề tiếp khách (!).
Nhưng đã đến lúc thứ văn hóa ấy phải thay đổi. Việc xử phạt mạnh hành vi uống rượu bia và tham gia giao thông là cú hích đầu tiên để thay đổi "văn hóa nhậu".
Tất nhiên, có thay đổi được hay không còn phải chờ thời gian và còn tùy thuộc vào việc xử phạt có thường xuyên hay lại "bắt cóc bỏ đĩa", đầu voi đuôi chuột.
Công cụ đã có, quy định đã có, chỉ còn chờ những người thực thi có sẵn sàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận